Tết Nguyên đán là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau trong không khí đầm ấm với các món ăn hấp dẫn. Có những vị thuốc nào trong các món ăn ngày tết?
1. Các loại mứt tết
- Mứt gừng: Gừng là vị thuốc quý trong Đông y, đồng thời cũng là gia vị quen thuộc trong mâm cơm, căn bếp của người Việt. Gừng có vị cay, tính ấm, quy vào ba kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng làm ấm, trị cảm mạo phong hàn, nôn, buồn nôn do tỳ vị hư hàn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, ho lâu ngày do viêm phế quản, giải độc bán hạ, nam tinh và cua cá.
Gừng rất phù hợp với thời tiết se lạnh của ngày tết ở nước ta.
- Mứt cà rốt: Cà rốt giúp tăng cường tiêu hóa, trị suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng ở trẻ em, cầm tiêu chảy. Trong cà rốt cũng chứa nhiều vitamin A có vai trò quan trọng cho mắt, tăng cường miễn dịch.
- Mứt sen: Hạt sen có tác dụng an thần với người suy nhược, kém ăn, mất ngủ do stress hoặc người sử dụng nhiều chất kích thích như cafe, thuốc lá, rượu bia… Mứt sen thích hợp cho những ngày tết vui chơi khiến cho một số người gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ.
- Mứt bí: Mứt bí đao cũng là loại mứt tết quen thuộc, đồng thời là vị thuốc quý có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải khát, tiêu độc.
- Mứt dừa: Mứt dừa giúp nhuận tràng, chống táo bón trong ngày tết do ăn nhiều chất đạm, chất béo, ăn ít rau xanh, uống ít nước.
Ngoài ra, còn có rất nhiều loại mứt khác cũng là những vị thuốc với nhiều công dụng cho sức khỏe như: Mứt tắc (mứt quất) hỗ trợ điều trị bệnh lý hô hấp, kích thích tiêu hóa, chống nôn, giải độc rượu; mứt cà chua, mứt khoai lang, mứt me, mứt đậu phộng…
Tuy các loại mứt này đều rất tốt cho sức khỏe nhưng lại có chứa khá nhiều đường. Vì vậy chỉ nên ăn ít, thưởng thức hương vị của các loại mứt, không nên ăn quá nhiều, đặc biệt đối với người đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu…
2. Dưa hành muối
Không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết là những món dưa hành, củ kiệu muối chua. Vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành, củ kiệu giúp gia tăng hương vị của món ăn, chống ngấy cho bánh chưng, thịt mỡ béo ngậy... đồng thời bổ sung lợi khuẩn giúp kích thích tiêu hóa tốt hơn.
Hành (thông bạch) hay củ kiệu cũng là những vị thuốc trong đông y, có vị cay, tính ấm, giúp làm ấm cơ thể, hỗ trợ các vấn đề tiêu hóa, lưu thông khí huyết, kinh lạc và giảm đau các khớp khi bị nhiễm lạnh. Cho nên người xưa mới có câu: "Thịt mỡ dưa hành…" để ăn trong những ngày tết là vì lẽ đó.
3. Bánh chưng
"Thấy bánh chưng là thấy Tết". Bánh chưng không đơn thuần là món ăn, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Từ trong ra ngoài chiếc bánh đều thể hiện đầy đủ triết lý: Âm dương và Ngũ hành.
Bánh chưng với tổng hòa: Màu xanh của lá (Mộc), màu trắng của nếp (Kim), màu vàng của nhân đỗ (Thổ), màu đỏ của thịt lợn mới chín (Hỏa), những chiếc lạt được nhuộm đen bởi lá dong luộc chín (Thủy).
Mỗi một nguyên liệu làm nên chiếc bánh đều là những vị thuốc cổ truyền:
- Gạo nếp trong Đông y gọi là đạo mễ, nhu mễ hay dự mễ có vị ngọt tính ấm, mềm dẻo, mùi thơm, có tác dụng ích thận khí, bổ gan, kiện tỳ vị (tiêu hóa).
- Đậu xanh (lục đậu) có vị ngọt, tính mát giúp bổ tiêu hóa, tim, gan, giải được các độc chất trong thức ăn.
- Thịt lợn là trư nhục, có vị ngọt, tính ấm, giúp bổ thận tráng dương, phần thịt mỡ (trư chỉ) có tác dụng hấp thu, đào thải rượu.
- Hạt tiêu (hồ tiêu) giúp làm ấm cơ thể, kích thích tiêu hóa, giáng khí trừ đờm, trừ hàn lạnh trong cơ thể.
- Lá dong có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, có mùi thơm, có tác dụng khai vị kích thích tiêu hóa.
4. Vịt tiềm thuốc bắc
Vịt tiềm thuốc bắc hay còn gọi là "Gia ác lục vị". Trong đó, gia ác là thịt vịt, lục vị là sáu vị thuốc bắc: Đảng sâm, kỷ tử, liên nhục, hoài sơn, ý dĩ, đại táo. Món ăn vịt tiềm thuốc bắc bổ dưỡng, lại có ý nghĩa mang lộc đầu năm (số sáu là số phát lộc).
Thịt vịt có tính hàn, vị ngọt, hơi mặn, có tác dụng điều hòa ngũ tạng, lợi thủy, trừ nhiệt, tư âm dưỡng vị, sinh tân dịch… Vì vậy, thịt vịt có lợi cho những người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người khí huyết hư, sản phụ thiếu sữa.
Sáu vị thuốc bắc cũng giúp bổ dưỡng cơ thể: Đảng sâm (bổ khí), kỷ tử (bổ thận), liên nhục và hoài sơn (bổ thận và bổ tỳ vị), ý dĩ và đại táo (bổ tỳ vị).
5. Canh măng
Đông y gọi măng là "Trúc duẩn", vị ngọt hơi đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng điều hòa tỳ vị, thanh nhiệt, giáng hỏa tiêu đờm. Măng hỗ trợ điều trị chứng khí nghịch, gây nôn ọe, ho nhiều đờm, kích thích tiêu hóa. Món canh măng hầm giò lợn ngày tết quen thuộc trong mỗi mâm cỗ của người Việt, giúp tăng cường sức khỏe, có tác dụng bổ thận, bổ tỳ vị, vừa ngon miệng lại dễ tiêu hóa.
6. Gà luộc
Theo Đông y, thịt gà có tính ôn ngọt, không độc, bổ dưỡng, kiện tỳ vị, bổ khí, huyết và thận. Gà luộc nguyên con vàng ươm được bày lên đĩa với mong muốn mang đến một khởi đầu thuận lợi, may mắn cho gia chủ. Không đơn thuần là món ngon ngày tết dễ làm, gà luộc còn là nguồn bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, bồi dưỡng sức khỏe tuyệt vời.
Trong những ngày tết, nếu biết ăn uống đúng cách và tận dụng những món ăn bài thuốc sẽ giúp cơ thể được giữ ấm, tăng cường sức đề kháng, tiêu hóa tốt và hạn chế nhiều vấn đề về sức khỏe, giúp bạn có những ngày tết thật khỏe mạnh, an vui bên gia đình và người thân.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những món nào cần tránh trong ngày tết để rước may cả năm? | 10 điều kiêng kỵ ngày tết | SKĐS