Hà Nội

Những vị Bồ Tát tái thế

23-02-2015 17:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ở những người thầy áo trắng này, ngoài sự đồng cảm, yêu thương bệnh nhân thật sự, họ còn là những con người sống liêm khiết, trong sạch.

Ngày nay, Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam có lẽ không chỉ vì cảnh trí thiên nhiên thơ mộng hữu tình, môi trường sạch đẹp, văn minh mà còn vì con người Đà Nẵng rất thân thiện, hiền hòa, tốt bụng. Họ không ở đâu xa, chúng ta dễ dàng bắt gặp họ ở bất cứ nơi nào trong lòng thành phố, ở ngay ở trên xe, trên đường, trong công trường, trong nhà máy hay trong bệnh viện, nhà trường, chợ búa... Còn với riêng tôi, khi đến sinh sống ở Đà Nẵng, tôi đã từng gặp gỡ rất nhiều những con người đáng mến ấy. Nhất là mỗi khi đến thăm Bệnh viện C Đà Nẵng, lúc ra về, tôi có cảm giác như mình vừa được gặp những vị Bồ Tát đang hóa thân thành những người thầy thuốc áo trắng xuống trần gian giúp đỡ dân lành vậy.

Sự thật là trong thời gian thăm nuôi người nhà tại Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện C Đà Nẵng vừa qua, tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến phong cách ứng xử hòa nhã hiếm có và lối làm việc tận tâm tận lực của đội ngũ y bác sĩ đang làm việc nơi đây. Quả thật, trong thời buổi mà tệ nạn tiêu cực đang làm vấy bẩn màu áo trắng tinh khôi của không ít người làm ngành y thì hình ảnh những y bác sĩ, hộ lí, nhân viên ở đây đã để lại cho gia đình tôi và tất cả những bệnh nhân đang nằm viện C này, sự mến yêu, ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc.

Một buổi họp giao ban tại Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện C Đà Nẵng (Bác sĩ Tiến sĩ Trưởng Khoa Võ Đắc Truyền ngồi giữa, bác sĩ Điều dưỡng Trưởng Phan Thị Ánh ngồi thứ hai bên phải BS Truyền và bác sĩ Đỗ Xuân Sĩ - nam, thứ hai tính từ bìa trái )

Một buổi họp giao ban tại Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện C Đà Nẵng (Bác sĩ Tiến sĩ Trưởng Khoa Võ Đắc Truyền ngồi giữa, bác sĩ Điều dưỡng Trưởng Phan Thị Ánh ngồi thứ hai bên phải BS Truyền và bác sĩ Đỗ Xuân Sĩ - nam, thứ hai tính từ bìa trái )

Điều làm tôi thán phục nhất chính là tài năng, tâm huyết và tấm lòng tận tụy với nghề, hết lòng chăm sóc bệnh nhân của những người thầy áo trắng. Ở Khoa Ngoại Tổng hợp, hầu hết bệnh nhân đều ở thể bệnh nặng có liên quan đến phẫu thuật hoặc mắc phải các chứng bệnh hiểm nghèo nên tâm lí thường lo lắng, đau buồn, song khi được tiếp xúc với các y - bác sĩ, hộ lí trong Khoa, đều cảm thấy như được cất đi gánh nặng trong lòng. Cùng với gương mặt hiền hậu, ánh mắt dịu dàng, cử chỉ thân thiện và bàn tay nhẹ nhàng thao tác là những lời hỏi thăm rất mực ân cần của các y bác sĩ mỗi khi gặp gỡ bệnh nhân:

- Chú ơi, chú thấy trong người sao rồi chú ? Chú còn thấy đau chỗ nào không ạ ?

- Cô ơi, cô có khỏe không cô ? Hôm nay cô chuẩn bị đi xét nghiệm nhé! Cháu sẽ đưa cô đi ạ.

- Em à, còn đau hả em ? Không sao đâu, ráng chịu chút xíu nữa thôi là bệnh sẽ bớt ngay, em à.

- Đã hết giờ thăm bệnh nhân rồi ạ. Xin kính mời bà con cô bác người nhà bệnh nhân ra ngoài nghỉ chút ạ, để các y bác sĩ vào thăm khám, chữa bệnh.

Ở Khoa Ngoại Tổng hợp này, có ba người mà tôi ấn tượng nhất như là ba vị Bồ Tát khoác áo bác sĩ. Vị Bồ Tát thứ nhất chính là vị Trưởng Khoa bác sĩ Tiến sĩ Võ Đắc Truyền. Anh được mọi người hết sức mến mộ vì có gương mặt cực kì phúc hậu và nụ cười thân thiện, hiền hòa luôn thường trực trên môi, cho nên thoạt nhìn anh, ta có cảm giác như đó là một vị Phật sống vậy. Với đôi bàn tay vàng, trình độ chuyên môn cao, bản lĩnh tự tin và một tấm lòng nhân ái, luôn tận tụy với nghề, anh đã từng điều trị chữa khỏi cho biết bao bệnh nhân nặng và luôn sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu và chia sẻ với mọi người về cách phòng bệnh, chữa bệnh sao cho hiệu quả và đỡ tốn kém nhất. Vị Bồ Tát thứ hai là Điều dưỡng Trưởng - bác sĩ Phan Thị Ánh mà chúng tôi quen gọi đùa với cái tên cực dễ thương là "Ma ma Tổng quản". Chị cũng chiếm được lòng tin yêu của tất cả mọi người vì vẻ ngoài duyên dáng, dịu hiền và cách đối xử rất mực chân tình, thân thiện và cởi mở. Ngay cả với chúng tôi, những người nhà bệnh nhân nhiều khi hay vô ý vô tứ làm trái với quy định chung của Viện, cũng được chị và các y bác sĩ nhắc nhở, chỉ bảo nhẹ nhàng như đối với người thân trong nhà vậy. Còn vị Bồ Tát thứ ba là bác sĩ Đỗ Xuân Sĩ có vẻ ngoài thư sinh, hiền lành và nụ cười đôn hậu, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng tay nghề lại rất cao. Anh ăn nói nhã nhặn, hết sức tận tình chăm lo cho bệnh nhân với thái độ rất đồng cảm, ân cần động viên họ chứ tôi chưa bao giờ anh tỏ vẻ phiền lòng khó chịu đối với những bệnh nhân khó tính hay gây phiền hà cho bệnh viện.

Bác sĩ Tiến sĩ Trưởng Khoa Võ Đắc Truyền đang thăm khám bệnh nhân.

Bác sĩ Tiến sĩ Trưởng Khoa Võ Đắc Truyền đang thăm khám bệnh nhân.

Ở những người thầy áo trắng này, ngoài sự đồng cảm, yêu thương bệnh nhân thật sự, họ còn là những con người sống liêm khiết, trong sạch. Khi gia đình tôi mấy lần tỏ ý muốn được cám ơn các y bác sĩ đã hết lòng chạy chữa, cứu giúp người thân qua cơn hiểm nghèo thì tất cả đều một mực từ chối. Họ thực sự từ tâm hệt như những vị Bồ Tát. Đồng lương thì eo hẹp, công việc lại đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo, nhiệt tình và suốt ngày bận rộn chăm sóc những bệnh nhân đau ốm nặng nề nhưng họ vẫn vui, vẫn tràn đầy tâm huyết với nghề. Bởi điều làm họ hạnh phúc nhất là được nhìn thấy các bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe để ra viện trở về cuộc sống đời thường.

Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người bệnh khác đến điều trị nơi đây cũng có chung cảm xúc đó. Có một cô gái còn rất trẻ ở Hà Nội (tôi không nhớ tên) khi đi du lịch qua Đà Nẵng bị viêm ruột thừa cấp đã nhập viện C mổ cấp cứu. Khi ra viện, người mẹ của bệnh nhân cứ luôn miệng nức nở ngợi khen: "Tôi chưa thấy ở nơi nào mà thái độ làm việc của y bác sỹ và nhân viên lại tận tình, chu đáo và liêm khiết như ở bệnh viện này. Y bác sỹ luôn có mặt 24/24, mình ới lúc nào cũng được. Tính ra, giá chữa bệnh ở đây lại quá rẻ nữa chứ, một là vì không phải lo vấn nạn phong bì, hai là còn được các bác sĩ tư vấn cho cách chữa chạy, thuốc thang tiết kiệm và ít tốn kém nhất".

Tôi còn nhớ có một bệnh nhân nữ tên Quỳnh 40 tuổi vừa bị tật nguyền câm điếc quê ở tận Tịnh Giang, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, bị bệnh hiểm nghèo, gia cảnh túng quẫn, gia đình không còn ai, chỉ còn một bà mẹ già yếu ngoài 80 tuổi đi thăm nuôi; nhà không lo nổi tiền ăn, nói chi tới chuyện mổ xẻ chữa bệnh. Thế nhưng, với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân", toàn Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện C Đà Nẵng đã phát động phong trào quyên góp trong tập thể CB, CNV và cả những người nhà các bệnh nhân để lấy tiền cứu trợ bệnh nhân này. Và, với sự bảo bọc của bệnh viện, nữ bệnh nhân ấy vẫn được mổ điều trị cho đến khi thể trạng ổn định và được xuất viện trong niềm vui khôn tả của mọi người.

Bác sĩ Tiến sĩ Võ Đắc Truyền   Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện C Đà Nẵng

Bác sĩ Tiến sĩ Võ Đắc Truyền Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện C Đà Nẵng

Lại một hôm, tôi và mọi người vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một ca bệnh nhân nữ tên Châu Ngân quê tận Bình Phước bị mắc bệnh bướu cổ ác tính, đến nhập viện với bệnh án chuyển về từ một bệnh viện lớn trong TP Hồ Chí Minh. Lí giải sự chuyển viện trái khoáy này, người nhà bệnh nhận thú thật là: "Nghe tiếng đã lâu, nhiều người ca ngợi là các bác sĩ ở Viện C này mát tay, lại giàu lòng thương người nên tui quyết định xin chuyển người nhà ra đây chữa bệnh. Quả đúng như lời đồn, người nhà tui được các y bác sĩ từ trên chí dưới, ai cũng ôn tồn chỉ bảo tận tình, lại tư vấn miễn phí và hết lòng điều trị nên bệnh khỏi rất nhanh. Các bác sĩ còn linh động giúp đỡ và chỉ dẫn sao cho việc đi lại, ăn ở ít phiền hà, lãng phí. Thật là trời Phật phù hộ cho gia đình tôi được đến đây chữa bệnh. Các bác sĩ ở đây, nhất là bác sĩ Truyền, ai cũng tốt bụng như các vị Bồ Tát tái thế vậy."

Còn tôi, không biết lấy gì để diễn tả hết sự hàm ơn và mến mộ của mình, tôi chỉ biết viết lại trung thực câu chuyện mà tôi chứng kiến này như một lời tri ân với đội ngũ y bác sĩ, hộ lí đang làm việc nơi đây. Nếu bạn nào không tin, xin cứ đến thẳng địa chỉ Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện C Đà Nẵng khắc rõ.

Tác giả: Phạm Thị Phong

quận Hải Châu, Đà Nẵng

 


Ý kiến của bạn