LTS: Chiến tranh đã lùi xa trên mảnh đất quê hương chúng ta nhưng thơ về chiến tranh, về những người lính vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Bởi vì vẫn còn đó những nỗi buồn niềm đau hậu chiến. Cái sự không trở về, hoặc trở về không vẹn nguyên của những người lính sau chiến tranh là nỗi nhức nhối khôn nguôi. Thơ không đứng ngoài những nỗi khổ đau rất con người đó. Và đó cũng là tâm cảm dân tộc thời hậu chiến. Là sự tưởng nhớ, tri ân những máu xương quá khứ đã đổ cho hòa bình của ngày hôm nay.
Sức khỏe&Đời sống trân trọng giới thiệu tới độc giả chùm thơ trên trang báo này. Những tác phẩm có sự rung cảm thi sĩ thực sự, soi chiếu chiến tranh ở nhiều mặt, nhiều tầng, nhiều góc khác nhau trên mẫu số chung là hình tượng người lính. Những câu thơ không chỉ lay động lòng người bởi cái tình cái trí, ý thức công dân của người thơ mà còn chứa những khoảng mênh mang, để mỗi người đọc tiếp tục liên tưởng, suy tư theo sự gợi mở của những ngôn từ.
*Miên man cỏ
Bây giờ nhớ một thuở đã qua, tôi nghĩ về cỏ: cỏ hiển thị cho sức sống lâu bền của đất
Dọc triền đê, cỏ ngút ngàn tươi xanh với nước sông đỏ ngầu hủy diệt thượng nguồn mưa lũ
Ngược triền đồi, cỏ mật lao xao bóng trẻ chăn châu ngợp bóng râm thư thái giấc mơ thơm nồng chiều muộn.
Cát bay vặn sóng hàng dương, cỏ lông chông xoáy lốc ngày biển động
Tĩnh lặng cỏ nghĩa trang, nghiêm trang lời thề danh dự khiến tôi nhớ về anh trong lửa đạn ngút trời
Nghĩ về cỏ tôi nhớ nồng ấm bàn tay anh nắm chặt hẹn ngày về âm âm đêm thị xã vắng đèn
Nghĩ về cỏ tôi nghe xiết bánh xe lăn chiều Quảng Trị, anh nhắc cái bi đông đạn xuyên thủng trộn máu anh hoài nhớ Thành Cổ.
Nghĩ về cỏ tôi lặng lẽ nghiêng mình tưởng niệm bóng liệt sĩ nghĩa trang Trường Sơn trên những hàng bia trắng không lời
Nghĩ về cỏ tôi nhớ giọt lệ chưa lau khô ứa ra từ hốc mắt già nua của mẹ nén lòng đợi con về
Ký ức không thể quên trong nắng xối mưa nhòa, trong hàng vạn bia mộ những chặng đường ta qua, hiển hiện khuôn mặt anh minh chứng cho hy sinh lặng lẽ
Máu các anh vinh danh ngọn cờ Tổ quốc rạng ngời sắc đỏ phần phật gió mai
Máu các anh thấm đất mẹ lan tỏa hồn người, nhận hết về bao cực nhọc gian khó trong hồn hậu bao dung
Máu các anh đỏ mọng môi hồng trẻ nhỏ cất lên trong khúc hát ngợi ca “còn ghi mãi tên anh đời đời”
Hãy để cho lòng ta thao thức nhớ anh, hỡi anh - Người - Liệt sĩ vô danh và hữu danh như ta nhớ về cỏ: cỏ bất diệt trường tồn cùng đất nước, cùng lòng người, cùng năm tháng
Cỏ - biểu tượng mạnh mẽ của hóa thân hồi sinh lan tỏa trong ký ức không quên. Vâng chẳng thể nào quên.
Thanh Kim
*Buổi chiều sau chiến tranh
Ngày trở về
anh đi lệch một bên
Một ống quần
phất phơ trong gió...
Bà mẹ nghèo lẩy bẩy
Ra ngõ đón con
Con dìu mẹ, mẹ dìu con
Hai dấu chấm khép chiều nắng lửa...!
Trần Sĩ Tuấn
*Nhớ anh
Anh hy sinh đã năm mươi năm rồi
Mà hình ảnh vẫn trong em rõ nét
Ngày vào Nam bom Mỹ dội miền Bắc
Đó là năm một chín sáu lăm.
Đến chiến trường anh trút hết hờn căm
Vào giặc Mỹ bằng rất nhiều trận đánh
Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đông Hà, Quảng Trị
Đồng đội cùng anh chung sức diệt thù.
Năm đôi lần nhà nhận được lá thư
Nét chữ nghiêng nghiêng nhạt nhòa chiến trận
Anh kể chuyện anh mới được vào Đảng
Cả nhà vui mừng thành tích của anh.
Ngày vào Nam mái tóc anh còn xanh
Để lại quê nhà vợ hiền, con dại
Cha mẹ già, các em còn nhỏ bé
Cả nhà ta cứ mong ngóng anh về.
Tin sét đánh... báo tử về xóm nhỏ
Cả làng quê thương khóc nước mắt ròng
Người vợ trẻ trên đầu khăn tang trắng
Mẹ già đau đứa con đã mất rồi.
Năm mươi năm thời gian vẫn cứ trôi
Anh hy sinh, tên anh thành liệt sĩ
Cho đất nước hòa bình, không còn giặc Mỹ
Để quê hương lời hát lại vang lừng.
Ngày giỗ anh cả nhà lệ rưng rưng
Mộ anh ở đâu trong lòng Đất Việt ?
Anh có thấy Tổ quốc ngày tươi đẹp
Có máu xương anh nhuộm đỏ chiến trường...
Nguyễn Xuân Sáu
................................................................................
(Tưởng nhớ anh trai, liệt sĩ Nguyễn Nắng Mai, hy sinh ngày 6/7/1967 tại chiến trường miền Nam, có tên trên bia đá của Đền thờ Liệt sĩ TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT)