Những văn bản mới có hiệu lực từ 1/1/2020

01-01-2020 09:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ ngày 01/01/2020, nhiều luật, Nghị định, Thông tư mới chính thức có hiệu lực.

Đã uống rượu, bia thì cấm lái xe

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Theo đó, Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người.

Cụ thể, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.

Ngoài ra, luật còn có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia…

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Tăng lương tối thiểu vùng

Trong ngày đầu của năm mới 2020, Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định người lao động làm việc ở các doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng lao động sẽ được tăng lương từ 150.000-240.000 đồng so với năm 2019.

Theo đó, lương vùng I là 4.420.000 đồng một tháng (tăng 240.000 đồng), vùng II là 3.920.000 đồng (tăng 210.000 đồng); vùng III ở mức 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng IV là 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).

Nghị định cũng nêu rõ việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này là mức thấp nhất  làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định.

Phạm nhân đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng

Đây là điểm mới tại Luật Thi hành án hình sự 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020.

Theo đó, phạm nhân nữ; phạm nhân là người dưới 18 tuổi; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần và bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của tòa án sẽ được bố trí giam giữ riêng.

Ngoài ra, bổ sung 2 đối tượng được giam giữ riêng: Người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam.

Cấm đánh đập, hành hạ vật nuôi

Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi như sau: Không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh...

Ngoài ra, cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi. Đồng thời không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Công ty tài chính không được gọi điện đòi nợ người thân khách hàng

Từ ngày 1/1/2020, Thông tư 18 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi Thông tư 43 năm 2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực.

Theo đó, các công ty tài chính sẽ không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 5 lần/ngày.

Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ;  Phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Vi phạm trong lĩnh vực đất đai bị xử phạt đến 1 tỷ đồng

Từ ngày 5/1/2020, Nghị định 91 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực.

Nghị định này tăng hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, điển hình như: Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây).

Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 mức phạt so với trước đây). Phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có Sổ đỏ (tăng 4 lần mức phạt so với trước đây).

Phạt đến 5 triệu đồng với cá nhân và 10 triệu đồng với tổ chức nếu không sang tên Sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tăng 2 lần mức phạt so với trước đây). Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng (Mức phạt này trước đây chưa được quy định).

Xe máy mới được dán nhãn năng lượng từ năm 2020

Thông tư 59 năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu có hiệu lực từ 1/1/2020.

Trong đó yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu in nhãn năng lượng theo mẫu và thực hiện dán trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn này được duy trì trên xe tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.

Trước khi dán nhãn năng lượng, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu. Thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe đó ra thị trường.

 

 


L. Hà
Ý kiến của bạn