Trong thời gian từ năm 2016-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) đã nhiều lần đưa ra, ban hành những văn bản nhận nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gây bức xúc, "dậy sóng" dư luận.
Chỉ thị "không được viết, vẽ vào sách giáo khoa"
Ngày 24/9/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong chỉ thị này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không được trực tiếp viết, vẽ vào SGK.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các trường học, khiến học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí...
Chỉ thị này nhận phản ứng tiêu cực của dư luận vì nhiều người cho rằng yêu cầu này trái khoáy, khó thực hiện khi SGK thiết kế bài tập để học sinh làm bài hẳn vào trong sách. Cùng với đó, việc Bộ GD-ĐT ra chỉ thị như vậy không tính đến quyền sở hữu tài sản của phụ huynh, học sinh...
Dự thảo giáo viên đánh học sinh bị phạt tới 30 triệu đồng
Đầu tháng 10/2018, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhằm ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục. Đây cũng là một dự thảo có một số nội dung gây nhiều bức xúc, phản ứng từ những người làm giáo dục khắp cả nước.
Theo đó, Điều 32 của dự thảo nghị định này quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học". Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, có thể bị đình chỉ dạy từ 1-6 tháng.
Nhiều giáo viên cho rằng, dự thảo nghị định này có mức phạt quá nặng, làm tăng áp lực lên người dạy học, đồng thời xúc phạm danh dự của giáo viên, cho thấy Bộ GD-ĐT không có niềm tin vào các nhà giáo.
Nhiều ý kiến đánh giá việc xử phạt giáo viên bằng tiền là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của một nền giáo dục tụt hậu, có thể đẩy các thầy cô vào một nỗi sợ mới do chưa có quy định chi tiết "thế nào là xúc phạm nhân phẩm", "thế nào là xúc phạm thân thể".
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Thanh tra Bộ GD-ĐT giải thích rằng: Các quy định đều hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo, đồng thời bảo đảm các cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng thông tin rằng, xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục sẽ không có chuyện "phạt nguội" như giao thông. Khi xử phạt sẽ xem xét đâu là động cơ, hành vi, mục đích chứ không phải cứ đánh vào tay học sinh là phạt 30 triệu đồng.
Dự thảo sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học
Cũng tháng 10/2018, Bộ GD-ĐT gây xôn xao dư luận xã hội với dự thảo thông tư về Quy chế công tác học sinh sinh viên các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy, trong đó có nội dung sinh viên ngành đào tạo giáo viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học.
Dự thảo này đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận. Nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng nội dung "sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học" là nực cười, cách xây dựng văn bản pháp luật của Bộ GD-ĐT như vậy là tùy tiện hoặc lạm quyền.
Sau khi vấp phải phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã gỡ bỏ bản dự thảo này và nhận sai sót trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.
Tuy nhiên, hình thức xử phạt vi phạm này nói riêng và các vi phạm khác trong dự thảo hoàn toàn giống khung xử lý kỷ luật sinh viên đăng kèm Thông tư ban hành Quy chế công tác sinh viên với chương trình đào tạo đại học chính quy, được Bộ Giáo dục ban hành từ tháng 4/2016.
Dù là nội dung trong dự thảo hay Thông tư đã công bố, nhiều ý kiến cho rằng quy định nói trên của Bộ GD-ĐT không phù hợp, phi thực tế.
Tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa
Ngày 17/10/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đính chính nội dung văn bản số 4612 ban hành ngày 3/10/2018 nhằm hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từ năm học 2017-2018. Phần được chỉnh sửa là "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".
Theo đó, văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học, trong đó yêu cầu "cập nhật thông tin mới", đồng thời, "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".
Nhiều chuyên gia và giáo viên cho rằng, văn bản này có các nội dung mâu thuẫn, làm khó các nhà trường, giáo viên, quy định lạc hậu, cứng nhắc, không đúng với phương pháp, truyền đạt trong thời đại công nghệ 4.0.
Sau khi văn bản đưa ra gây tranh cãi, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đây chỉ là hiểu lầm do sơ suất trong diễn đạt văn bản. Do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bị đề nghị xem xét kỷ luật
Theo thông cáo phát chiều 8/9/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết tại kỳ họp thứ 19, cơ quan này đã xem xét, nhận thấy Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ và một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các vi phạm được xác định trong công tác cán bộ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và năm 2021, một số cán bộ, đảng viên trong ngành bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng; ông Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, những vi phạm, khuyết điểm nêu trên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về giáo dục và đào tạo; nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, nguồn lực của xã hội; gây bức xúc trong nhân dân; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành giáo dục, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.