Sáng 20/1, tập thể Khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai nhận được một lá thư cảm ơn của gia đình người bệnh được cứu sống do các đồng nghiệp tại bệnh viện đa khoa Hà Đông gửi tới.
Lá thư được gửi đến đúng dịp mọi người đang bận rộn sắm Tết đã thể hiện sự trân trọng của gia đình người bệnh đối với các y bác sĩ đã hết lòng vì bệnh nhân trong những ngày cuối năm. Đây cũng là nguồn động viên to lớn đối với những bác sĩ cấp cứu, những người không biết đến một cái Tết trọn vẹn bên gia đình bởi lịch trực và những ca cấp cứu bất kể ngày đêm…
Câu chuyện về 3 ca bệnh dưới đây được BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ chỉ là một phần nhỏ trong khối lượng công việc khổng lồ của người bác sĩ cấp cứu tại một bệnh viện đa khoa tuyến cuối của ngành y tế nhưng cũng cho thấy sự nỗ lực và tấm lòng của những người thầy thuốc khi đứng trước mỗi ca bệnh phức tạp.
*****
Trường hợp thứ nhất được các bác sĩ cứu thoát khỏi cửa tử là anh Vũ Mạnh Hiền, 37 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội, cũng là người được nhắc đến trong bức thư cảm ơn của gia đình người bệnh với các y bác sĩ. Bệnh nhân này được bệnh viện đa khoa Hà Đông chuyển tới khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai lúc 22 giờ 30 phút ngày 7/1 với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn do cơn hen phế quản ác tính”. Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản nhiều năm, tự điều trị bằng thuốc giãn phế quản xịt họng.
Bệnh nhân Hiền trong lúc đang được điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
Khoảng 21 giờ cùng ngày, trong lúc đang lái xe ô tô thì bệnh nhân đột ngột lên cơn khó thở dữ dội và chỉ kịp dừng đỗ xe ngay trước khi bị hôn mê. Bệnh nhân được người xung quanh đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) gần đó.
Tại khoa Cấp cứu, bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân ở trong tình trạng tím toàn thân, ngừng thở, mạch bẹn mất. Ngay lập tức, ê-kip các y, bác sĩ trực do bác sĩ Phạm Hữu Hiền làm trưởng tua đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn (bóp bóng Ambu có oxy qua mask, ép tim ngoài nồng ngực, dùng thuốc trợ tim adrenalin, đặt ống nội khí quản và thở máy…) và khoảng 15 phút sau thì tuần hoàn của bệnh nhân được tái lập (tim đập trở lại). Sau khi cấp cứu thành công và tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, bệnh nhân được chuyển lên khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân lên tới khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai lúc 22 giờ 30 phút cùng ngày (giờ thứ 3 sau ngừng tuần hoàn) trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 6 điểm), được bóp bóng có oxy qua ống nội khí quản, mạch nhanh (120 lần/phút), huyết áp ổn định (150/70 mmHg) khi đang được truyền thuốc trợ tim và co mạch (adrenalin), SpO2 giảm (85%) với dòng oxy 10 lít/phút, nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm và có rất nhiều ran rít, đồng tử hai bên đều, kích thước 5 mm, còn phản xạ với ánh sáng.
Sau khi tiếp nhận, khám cấp cứu và cho bệnh nhân được thở máy ổn định, ê-kíp các y, bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu A9, bác sĩ Lương Quốc Chính và bác sĩ Vũ Việt Hà đã hội chẩn và nhận thấy bệnh nhân vẫn có cơ hội hồi phục nếu được áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (hạ thân nhiệt). Không chần chừ, các y, bác sĩ đã xin ý kiến lãnh đạo khoa và liên hệ ngay với ê-kíp kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu do bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt và bác sĩ Nguyễn Trung Dũng phụ trách để vào khoa cùng cấp cứu cho bệnh nhân ngay trong đêm.
Chỉ sau 3 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, được thôi thở máy và rút ống nội khí quản. Sau 6 ngày điều trị tại khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân được chuyển lại về bệnh viện đa khoa Hà Đông để tiếp tục được theo dõi và điều trị lâu dài.
Thư cảm ơn tập thể khoa Cấp cứu A9 của gia đình bệnh nhân Vũ Mạnh Hiền.
*****
Cũng trong đêm trực ngày 7/1, cùng thời điểm bệnh nhân Hiền, ê-kíp trực đêm tại khoa Cấp cứu A9 (bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận bệnh nhân P.V.Q, nam, 46 tuổi, ở Hưng Yên, được bệnh viện đa khoa Phố Nối chuyển tới với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp”.
Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân P.V.Q xuất hiện đau ngực trái, đến khoảng 20 giờ ngày 7/1, bệnh nhân xuất hiện đau ngực trái dữ dội, sau đó mất ý thức và được gia đình đưa vào bệnh viện đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) trong tình trạng đã ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, các y, bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu (bệnh viện đa khoa Phố Nối) tiến hành cấp cứu khoảng 20 phút thì tuần hoàn của bệnh nhân mới được tái lập (tim đập lại). Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm và tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, bệnh nhân được chuyển lên khoa Cấp cứu A9 (bệnh viện Bạch Mai).
Tại khoa Cấp cứu A9, các y, bác sĩ trực nhận định đây là trường hợp hôn mê sau ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp đến sớm, nếu mạch vành tắc được tái thông sớm và tiến hành kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu ngay trong đêm thì bệnh nhân sẽ có cơ hội hồi phục, nhất là khi tuổi đời bệnh nhân còn rất trẻ.
Một cuộc hội chẩn cấp cứu liên khoa giữa các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 và các bác sĩ Phạm Tuyết Nga, Bùi Vĩnh Hà (Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai) được tiến hành ngay lập tức. Trong cuộc hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất phương án can thiệp điều trị như trên và giải thích về tình trạng bệnh cũng như kế hoạch can thiệp điều trị bệnh nhân cho gia đình.
Bệnh nhân P.V.Q và bệnh nhân Hiền trong lúc đang được điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
Chỉ chưa đầy một giờ, sau khi đã xử trí cấp cứu, làm các thăm dò và xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chuyển tới phòng can thiệp mạch vành (Viện Tim mạch Việt Nam). Điều đáng nói ở đây là trước khi bệnh nhân được chuyển tới phòng can thiệp mạch vành, bệnh viện đa khoa Phố Nối đã gọi điện thông báo cho các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 rằng bệnh nhân P.V.Q có kết quả xét nghiệm nhanh HIV dương tính, đây thực sự là một cú sốc nữa cho gia đình người bệnh và cũng là một yếu tố tiên lượng khó cho việc can thiệp điều trị của các bác sĩ. Để đảm bảo thời gian can thiệp điều trị không bị trì hoãn, các bác sĩ đã nói chuyện với gia đình người bệnh thêm một lần nữa, trong bối cảnh này họ thực sự đã rất quẫn trí và chưa thể đưa ra được quyết định gì. Cuối cùng gia đình bệnh nhân thống nhất là vẫn quyết tâm theo đuổi điều trị với hy vọng kết quả xét nghiệm HIV nhanh kia không chính xác trước khi có kết quả xét nghiệm khẳng định của bệnh viện Bạch Mai.
Cuộc can thiệp điều trị tái thông mạch vành diễn ra khá nhanh và suôn sẻ, động mạch vành trái bị tắc đã được tái thông bằng một stent. Bệnh nhân được chuyển về khoa Cấp cứu A9 để tiếp tục điều trị nhưng không làm kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu theo yêu cầu của gia đình. Rất tiếc rằng, với bao nhiêu nỗ lực của gia đình và các bệnh viện, cộng với tình trạng của bệnh nhân quá nặng, gia đình người bệnh đã xin đưa bệnh nhân về ngay trong sáng hôm sau.
*****
Trường hợp thứ ba là ca bệnh gần đây nhất, bệnh nhân V.K.T.L, nam, 53 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội, được chuyển từ khoa Tiêu hóa tới khoa Cấp cứu A9 (bệnh viện Bạch Mai) lúc 14 giờ 15 phút ngày 16/1 với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn do cơn hen phế quản ác tính”. Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản nhiều năm, vẫn tự điều trị bằng thuốc giãn phế quản xịt họng mỗi khi có khó thở.
Được biết, ông L. là người nhà đi chăm bệnh nhân ở khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai. Khoảng 13 giờ ngày 16/1, trong lúc đang làm thủ tục ra viện cho người thân thì ông L. đột ngột xuất hiện khó thở, tím tái tại hành lang. Ngay lập tức, bệnh nhân được y, bác sĩ đưa vào phòng cấp cứu của khoa để xử trí bằng thuốc xịt họng nhưng không cải thiện, ngay sau đó bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn, các bác sĩ đã nhanh chóng bóp bóng Ambu có oxy qua mask, ép tim ngoài lồng ngực, dùng thuốc trợ tim adrenalin, đặt ống nội khí quản, khoảng 5 phút sau thì tuần hoàn của bệnh nhân được tái lập (tim đập trở lại) và bệnh nhân được chuyển xuống khoa Cấp cứu A9.
Bệnh nhân được chuyển xuống tới khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai lúc 14 giờ 15 phút cùng ngày trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 7 điểm), được bóp bóng có oxy qua ống nội khí quản, mạch nhanh (130 lần/phút), huyết áp ổn định (160/100 mmHg) khi đang được truyền thuốc trợ tim và co mạch (adrenalin), SpO2 94% với dòng oxy 10 lít/phút, nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm và có rất nhiều ran rít, đồng tử hai bên đều, kích thước 4 mm, còn phản xạ với ánh sáng.
Bệnh nhân V.K.T.L đang dần hồi phục.
Ngay sau khi hội chẩn và xin ý kiến lãnh đạo khoa, các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 đã tiến hành áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (hạ than nhiệt) cho bệnh nhân. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, tự thở được, được thôi thở máy và rút ống nội khí quản. Đến nay, sau 5 ngày điều trị tại khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, thở oxy qua kính mũi, nói chuyện được và có thể ăn uống bằng đường miệng.