Những trường hợp cán bộ nhà nước nào thuộc diện tinh giản biên chế?

21-11-2014 14:45 | Thời sự
google news

Theo quy định mới, có 7 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị tinh giản biên chế. Ngoài ra Chính phủ cũng quy định thêm 5 trường hợp tinh giản biên chế khác.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế. Trong đó nêu rõ, những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi... chưa thuộc trường hợp xem xét tinh giản biên chế.

Nghị định của Chính phủ quy định, cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

2- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

Ảnh minh họa - Nguồn Dân Trí

3- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;

4- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

5- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

6- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;

7- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định 5 trường hợp tinh giản biên chế khác bao gồm:

Thứ nhất: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ hai: Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ ba: Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004;

Thứ tư: Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi thôi làm đại diện phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vị trí công tác mới;

Thứ năm: Những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Như đã đưa tin, vấn đề tinh giản biên chế là nội dung được khá nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình hôm 18-11. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, muốn tinh giản biên chế phải tổ chức lại bộ máy khoa học. Nếu bộ máy nhà nước cứ y xì thế này, không thúc đẩy xã hội hóa, các đơn vị sự nghiệp không phát triển được thì đội ngũ công chức, viên chức cứ tiếp tục tăng và tăng đến tận cơ sở thì không có cách gì giảm được. "Chúng ta phải thực hiện một công đôi chuyện. Rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống bộ máy để sơ kết lại, đánh giá lại từ luật cho đến các nghị định, thông tư"- ông Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, trả lời bên lề hành lang QH, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng phân tích: Với tổ chức bộ máy như hiện nay mà nói tinh giản biên chế thì không bao giờ làm được. Bởi vì phải tính tổ chức trước rồi mới tính bộ máy. Mà nói đến tổ chức thì phải tính đến chức năng nhiệm vụ của tổ chức đó là gì để không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ và làm rõ về quyền hạn, chức vụ thì mới giảm được biên chế, giảm nguồn lực.

Theo bà Quyết Tâm, ngay đánh giá cán bộ cũng không rõ ràng. Các nước họ đánh giá trong một cơ quan 100 người thì bao giờ cũng có người số 1 và có người số 100, người ta đánh giá thường xuyên hàng tháng như vậy nên khi muốn giảm biên chế, nói giảm năm người cuối cùng là có địa chỉ ngay. Còn mình muốn giảm biên chế không biết giảm ai...

 

 

Theo PV (Pháp Luật TPHCM)


Ý kiến của bạn