Những trò đùa 'chấn động' đi vào lịch sử ngày Cá tháng Tư trên thế giới

01-04-2024 10:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ai cũng biết ngày Cá tháng Tư là ngày nói dối tuy nhiên có những sự thật rất thú vị mà nhiều người không biết đến về ngày này ở một số quốc gia.

Dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng ngày Cá tháng Tư vẫn rất phổ biến và được đón chào ở nhiều quốc gia do tính giải trí cao của nó và được coi là nét đẹp trong phong tục truyền thống. Mọi người thường tung tin giả, nói dối nhau những điều vô hại để đem lại không khí vui vẻ và những kỷ niệm khó quên.

Thế giới kỷ niệm ngày Cá tháng Tư như thế nào?

Tuy đã rất phổ biến trên thế giới nhưng cho tới hiện tại, nguồn gốc chính xác của ngày Cá tháng Tư vẫn còn rất nhiều bí ẩn. Nước Pháp được coi là nơi bắt nguồn ngày Cá tháng Tư.

Theo thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18). Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư mang tính quốc tế, được chấp nhận ở nhiều nước.

Pháp

Những trò đùa 'chấn động' đi vào lịch sử ngày Cá tháng Tư trên thế giới- Ảnh 1.

Trò đùa cố gắng lén dán một con cá bằng giấy vào lưng "nạn nhân" phổ biến ở Pháp trong ngày Cá tháng Tư.

Ở Pháp, ngày 1/4 được gọi là "Cá tháng Tư". Trẻ con sẽ cầm những mảnh giấy hình con cá bí mật dán vào sau lưng của "nạn nhân" khi họ không để ý, và cười trêu họ khi bị phát hiện. Trò này khá giống với trò chơi của học sinh Việt Nam. Đối với học sinh Việt Nam, họ sẽ viết một điều gì đó kì quặc và cũng dán vào lưng của bạn bè nhằm trêu chọc họ.

Anh

Ngày này được xem là một dịp đặc biệt ở Anh và khá nhiều tờ báo (cũng như các chương trình radio và truyền hình). Họ đưa tin về các câu chuyện bịa đặt hài hước có những đầu mối tinh tế cho thấy nó không đúng sự thật. Khác với Pháp, ở Anh, họ quan niệm rằng nếu chơi trò chơi ngày cá tháng Tư vào sau buổi trưa sẽ gặp những chuyện không may mắn.

Scotland

Người Scotland ăn mừng 1/4 (còn được gọi là "Ngày săn chim cúc cu", chim cúc cu ở đây có nghĩa là kẻ ngốc) trong vòng 2 ngày. Trò đùa trong truyền thống sẽ là nhờ một người nào đó chuyển giúp một tờ tin nhắn có yêu cầu xin được giúp đỡ.

Thông điệp trong tin nhắn ghi: "Dinna cười to, dinna cười mỉm. Săn chim cúc cu ở nơi khác", người nhận được thư sẽ phải tiếp tục chuyển tin nhắn đến "nạn nhân" khác. Vào ngày thứ 2, những mảnh giấy với dòng chữ "hãy đá tôi" được bí mật dán lên lưng sẽ là trò đùa để mọi người trêu chọc nhau.

Bồ Đồ Nha

Tại Bồ Đào Nha, ngày 1/4 thường được gọi là Dia de Mentira với trò đùa rất đơn giản: ném bột vào nhau. Vào hai ngày trước Mùa Chay, người dân Bồ Đào Nha thường mua một túi hoặc một bao bột và ném vào bạn bè.

Ba Lan

Trong khi đó, ngày lễ chơi khăm của Ba Lan cũng được tổ chức vào 1/4 như ở Anh. Đây là một ngày lễ vui vẻ cho tất cả mọi người, bao gồm cả các phương tiện truyền thông. Thay đổi số điện thoại trên danh bạ của ai đó, chỉnh sửa thời gian trên đồng hồ hoặc máy tính là những trò đùa phổ biến ở Ba Lan.

Ukraine

Thành phố Ukrainia trên Biển Đen Odessa nổi tiếng là thị trấn quê hương của những người thích đùa. Người dân ở đây được nghỉ vào ngày 1/4 và ăn mừng nó bằng một lễ hội lớn gọi là "Humorina". Lễ hội này rất tươi sáng với nhiều bài hát và sự hài hước.

Mọi người rất sáng tạo và thường xuyên có những trò đùa mới hằng năm: trà mặn, dán giấy vào lưng người khác, nói ra một sự thật gây sốc…

Ấn Độ

"Ngày chơi khăm" của Ấn Độ trùng với ngày hội Holi nổi tiếng của họ. Trong lễ hội, người ta chơi đùa với nhau và ném bột màu. Mặc dù một số bài báo cho biết, Holi và "ngày chơi khăm" của Ấn Độ không phải lúc nào cũng được tiến hành vào ngày 31 tháng 3 vì nó thay đổi tùy thuộc vào trăng tròn.

Những trò đùa đi vào lịch sử ngày Cá tháng Tư

Trong lịch sử ngày Cá Tháng Tư, đã có nhiều trò đùa cợt khiến hàng ngàn người sập bẫy và nổi tiếng nhất là những trò đùa dưới đây.

Đồng hồ Big Ben của Anh chuyển sang kỹ thuật số

Sau rất nhiều năm chơi khăm, bất kỳ khán giả nào theo dõi đài truyền hình BBC cũng đều mong đợi một câu chuyện điên rồ nào đó vào ngày 1/4. Năm 1980, hãng truyền thông này đã phát ra một thông báo rằng tháp Big Ben của London – một công trình mang tính biểu tượng của Anh – sẽ được thay thế bằng đồng hồ kỹ thuật số.

Thông tin đã nhận được phản ứng rất lớn từ khán giả. Phần lớn bày tỏ việc sốc và tức giận về sự thay đổi. Tony Lightley, một nhà báo làm việc cho BBC, thừa nhận: “Thật ngạc nhiên là rất ít người nghĩ rằng thông tin đó đáng cười”.

Bản tin cũng tuyên bố kim đồng hồ sẽ được tặng cho 4 người xem đầu tiên liên hệ với BBC. Thậm chí một thủy thủ Nhật Bản ở giữa Đại Tây Dương ngay lập tức gọi điện thoại đến, hy vọng mình là một trong số những người may mắn.

"Hô biến" TV đen trắng thành TV màu bằng... túi nilon

Năm 1962, ở Thụy Điển mới chỉ có duy nhất một kênh truyền hình đen trắng trên TV. Kjell Stensson, nhân viên kỹ thuật của Đài, đã thông báo trong ngày 1/4 rằng, nhờ có kỹ thuật mới, người xem có thể được trải nghiệm những màu sắc sống động qua màn hình TV.

Tất cả những gì cần làm là bọc lớp túi nilon ngoài màn hình Hàng nghìn khán giả đã 'tin sái cổ' vào điều đó. Điều đó tất nhiên chỉ trở thành sự thật vào 8 năm sau đó khi công nghệ truyền hình thực sự phát triển.

Thu hoạch mỳ từ cây

Những trò đùa 'chấn động' đi vào lịch sử ngày Cá tháng Tư trên thế giới- Ảnh 2.

BBC đưa tin mì spaghetti có thể trồng trên cây. Ảnh: BBC

Một trong những trò đùa ngày Cá tháng Tư nổi tiếng nhất mọi thời đại là đoạn video "thu hoạch mỳ Spaghetti" nổi tiếng của đài BBC. Vào ngày 1/4/1957, một phát thanh viên đưa tin Ticino, một vùng của Thụy Sĩ gần biên giới Italy, đã có "một vụ mùa mì spaghetti đặc biệt bội thu" năm đó. Thậm chí trên TV còn chiếu cảnh những người nhặt sợi mì spaghetti trên cây và bụi rậm, sau đó ngồi xuống bàn để ăn một ít mì spaghetti "tự trồng".

Thời điểm đó, spaghetti không hẳn là món ăn mà người Anh đều biết đến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không ai nhận ra phân cảnh đó là một trò đùa. Một số khán giả khó chịu vì BBC đã phát sóng một đoạn hư cấu đùa cợt trong một chương trình tin tức nghiêm túc. Vẫn có những người xem khác liên hệ với đài hỏi cách họ có thể tự trồng mì spaghetti tại nhà.

Người dùng có thể tìm kiếm Google bằng suy nghĩ

Năm 2000 là năm đầu tiên cỗ máy tìm kiếm Google thực hiện trò đùa ngày Cá tháng Tư. Vào thời điểm đó, Google thông báo cho người dùng có chức năng "MentalPlex" có khả năng đọc được suy nghĩ của mọi người, từ đó không cần người dùng phải đánh câu hỏi để tìm kiếm mà vẫn nhận được câu trả lời.

Google đã đưa ra một hướng dẫn, bảo người dùng bỏ mũ và kính ra, rồi giữ nguyên đầu ở một vị trí và tập trung nhìn vào một vòng tròn xoáy trên website tìm kiếm. Sau đó, người dùng tiếp tục tập trung vào hình ảnh, nội dung cần tìm kiếm và từ đó sẽ có thông tin cần tìm hiện ra.

Tất nhiên, hàng nghìn người dùng đã làm theo hướng dẫn để rồi phát hiện ra mình là "nạn nhân" khi kết quả tìm kiếm của Google chỉ hiển thị ra thông điệp về ngày Cá tháng Tư.

Kể từ đó, Google đã nhiều lần "bày trò" để đánh lừa người dùng vào ngày Cá tháng Tư như tìm kiếm mùi hương hay đóng cửa YouTube.

Núi lửa phun trào

Núi lửa Edgecumbe, nằm ở Sitka, Alaska đã ngủ yên hơn 9.000 năm nhưng có vẻ như nó đã tái hoạt động năm 1974.

Sáng ngày Cá tháng Tư năm 1974, dân chúng bỗng hoảng loạn trước cột khói đen bốc lên từ phía đỉnh núi Edgecumbe. Tất cả cư dân được lệnh sơ tán ra khỏi khu vực sinh sống trong khi các nhà chức trách vào cuộc điều tra.

Khoảng một giờ sau các nhà chức trách phát hiện ra đó chỉ là một trò đùa tai quái trong ngày Cá tháng Tư của Porky Bickar và những người bạn của ông sống ở đây cùng thực hiện. Thật may vụ việc đã được giải quyết kịp thời và không có hậu quả gì xảy ra...

Những câu nói dối, trò đùa ngày Cá tháng Tư hài hước nhất "troll là dính"Những câu nói dối, trò đùa ngày Cá tháng Tư hài hước nhất 'troll là dính'

SKĐS - Ngày 1/4 hàng năm gọi là ngày Cá tháng Tư, hay còn là ngày nói dối. Vào ngày này người ta thường bày ra những lời nói dối hay các trò đùa để trêu chọc bạn bè, người thân mà không sợ bị ai giận dỗi.


Tú Diệp (t/h)
Ý kiến của bạn