Nếu một người có ít nhất 4 trong số 11 dấu hiệu (không nhất thiết xuất hiện cùng lúc) dưới đây thì có thể được chẩn đoán mắc bệnh lupus.
1.Nổi ban hình cánh bướm
Ban hình cánh bướm kéo dài trên má và mũi là triệu chứng rất đặc trưng của bệnh lupus.
Trong khi khoảng 30% bệnh nhân lupus thường có ban này, thì đây cũng có thể là do bệnh trứng cá đỏ hoặc các bệnh da khác, và chỉ riêng triệu chứng này là không đủ để chẩn đoán lupus.
2. Ban đỏ do ánh nắng mặt trời
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn tia cực tím khác có thể làm trầm trọng ban hình cánh bướm của bệnh nhân. Bệnh cũng có thể gây loét các phần khác của cơ thể, thường là ở vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dẫn tới đau khớp và mệt mỏi. Bệnh nhân có làn da trắng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Tuy nhiên, triệu chứng này có thể bị “lạm dụng” trong chẩn đoán. Thực tế là có nhiều người nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
3. Loét miệng hoặc mũi
Loét miệng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lupus. Đặc trưng của loét miệng do lupus là thường không đau. Và thay vì hình thành ở hai bên miệng hoặc nướu, những vết loét này thường tập trung ở vòm miệng. Những vết loét liên quan tới lupus cũng có thể xuất hiện trong mũi.
4. Sưng khớp
Khớp đỏ, nóng, mềm và sưng lên có thể là dấu hiệu của bệnh lupus. Các triệu chứng đau và cứng khớp là chưa đủ để chẩn đoán; khớp thường bị ảnh hưởng bởi viêm khớp và những dấu hiệu viêm khác.
BS Michael Belmont, ở Bệnh viện các bệnh về khớp thuộc ĐH New York, Mỹ lưu ý rằng phải có ít nhất hai khớp, thường là khớp nhỏ, có triệu chứng trên kéo dài trong ít nhất 6 tuần thì triệu chứng sưng khớp này mới có giá trị chẩn đoán.
5. Viêm màng tim hoặc phổi
Viêm màng ngoài tim hoặc viêm màng phổi có thể là một dấu hiệu của lupus. Nhưng cả hai triệu chứng này lại thường do các bệnh virus.
Mặc dù hiếm khi viêm ảnh hưởng tới chức năng của tim hoặc phổi nhưng nó có thể gây đau ngực đột ngột, đặc biệt khi người bệnh ho hoặc thở sâu, có thể “châm ngòi” cho tình trạng khó thở.
6. Bất thường nước tiểu
Các tế bào máu vi thể và protein thường không có trong nước tiểu có thể xuất hiện trong mẫu nước tiểu của một số bệnh nhân lupus. Nhưng, cũng có nhiều bệnh gây nên tình trạng này bao gồm nhiễm trùng đường tiểu và sỏi thận.
Thận khỏe lọc protein ra khỏi máu khi nó tạo ra nước tiểu. Nhưng nếu thận bị viêm và hoạt động không hoàn hảo, như trong bệnh lupus, protein có thể hiện diện trong nước tiểu.
Những bất thường này thường không gây triệu chứng. Tuy nhiên, nếu giảm đáng kể protein (cụ thể là albumin), chân có thể bị sưng. Nếu bệnh tiến triển thành suy thận, người bệnh có thể bị buồn nôn và suy nhược.
7. Co giật hoặc loạn thần
Lupus có thể gây ra nhiều vấn đề ở não và hệ thần kinh, gồm các triệu chứng không đặc hiệu như lo âu, đau đầu, rối loạn thị lực. Tuy nhiên, có hai triệu chứng cụ thể là co giật và loạn thần, đó là tình trạng xa rời thực tế, và có thể bao gồm ảo tưởng và ảo giác.
Với các triệu chứng ít đặc hiệu như đau đầu, có thể khó nhận biết nó có phải do bệnh lupus hay không.
8. Thiếu máu
Thiếu máu hoặc không đủ số lượng hồng cầu là rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Ví dụ, thiếu máu thiếu sắt thường xuyên xảy ra trong kỳ kinh nguyệt. Cụ thể hơn đối với bệnh lupus là thiếu máu huyết tán - không chỉ bị giảm lượng máu mà các tế bào còn bị phá hủy.
9. Phát ban dạng đĩa
Phát ban dạng đĩa là triệu chứng khá điển hình trong bệnh lupus, các mảng da đỏ hình đĩa xuất hiện và lan dần, thường phát triển trên mặt, da đầu và cổ. Chúng thường để lại sẹo.
Mặc dù tương đối phổ biến trong bệnh lupus, ban dạng đĩa cũng có thể là triệu chứng độc lập của lupus dạng đĩa - một loại chỉ ảnh hưởng đến da.
10. Xét nghiệm ANA dương tính
Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA) là xét nghiệm sàng lọc bệnh lupus. Nếu kết quả là âm tính, bạn có thể yên tâm hoàn toàn là bạn không mắc bệnh. Nếu kết quả dương tính thì cũng chưa rõ ràng, khoảng 90-95% những người có xét nghiệm ANA dương tính không bị lupus.
ANA là các protein được cơ thể tạo ra, có thể gắn vào ADN và các chất khác bên trong tế bào. Nhưng vì chúng xuất hiện trong cơ thể không nhất thiết là chúng sẽ tấn công những chất này. Các kháng thể này được tìm thấy ở ít nhất 5% dân số chung, vì vậy, nhiều người xét nghiệm dương tính nhưng hoàn toàn khỏe mạnh hoặc không liên quan tới lupus.
11. Các xét nghiệm kháng thể khác
Để làm rõ những người có xét nghiệm ANA dương tính có bị lupus hay không, có thể cần làm xét nghiệm máu. Các bác sĩ tìm kiếm kháng thể gây rắc rối tiềm ẩn, sau đó, họ sẽ làm xét nghiệm kháng thể ADN kháng sợi đôi và kháng thể kháng Smith. Những xét nghiệm này ít có khả năng dương tính trừ khi bệnh nhân thực sự bị lupus. Tuy nhiên, một người có kết quả xét nghiệm âm tính có thể vẫn là bị lupus, mặc dù không có kết quả như vậy trong xét nghiệm ANA.
Những kháng thể xác định này là rất quan trọng đối với tính chính xác và độ tin cậy của chẩn đoán. Hàng loạt các xét nghiệm kết hợp với ANA sẽ cho kết quả đáng tin cậy.
BS Tuyết Mai
Theo MSN