Với người yêu văn chương Việt, Phạm Duy Nghĩa không phải là một cái tên quá đình đám, mặc dù anh đã ghi danh rất ngoạn mục vào làng văn Việt khi mới xuất hiện bằng giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003 - 2004. Giống như một người dẫn đường có những chuyện kể day dứt, sâu sắc, bằng một giọng kể có nghề, giàu sức gợi, Phạm Duy Nghĩa đã đánh thức những ẩn ức, những góc tối đời sống.
Điều dễ nhận thấy là Phạm Duy Nghĩa có một số lượng độc giả khá cố định, trung thành với các tác phẩm của anh. Đó là một niềm hạnh phúc, một động lực khơi nguồn sáng tạo đối với một người viết trẻ. Tập truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa do NXB Văn học ấn hành năm 2010 tập hợp 12 truyện ngắn hay của anh là một món quà thú vị mà tác giả trẻ này gửi tới những độc giả của mình.
Điều dễ nhận thấy là các truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa trong tuyển tập này đều có những cái tên giàu sức gợi. Những tên truyện hết sức đơn giản, không quá nhiều tính từ, không giật gân nhưng hứa hẹn một nội dung văn chương nghiêm túc. Đó là Cô gái xuống ga Vĩnh Yên, Cơn mưa hoa mận trắng, Người nhà ông Luân, Thương nhớ Lèng Hồ… Mỗi truyện ngắn là cả một trời suy tư khắc khoải về thân phận con người, đầy tính nhân văn và luôn có sự thay đổi trong phương thức trần thuật. Người đọc say mê diễn biến truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa và cũng quý cái tâm của người viết, một người viết luôn cố gắng tạo không khí khách quan trong truyện ngắn của mình nhưng vẫn toát lên một góc nhìn, một lối suy cảm rất con người.
Nếu như ở truyện ngắn Cô gái xuống ga Vĩnh Yên ta thấy thấp thoáng dáng hình một Phạm Duy Nghĩa những ngày đầu chạm ngõ văn chương qua hình ảnh chàng trai trên chuyến tàu xuôi Hà Nội. Và cô gái chàng tình cờ gặp trên chuyến tàu ấy, một người đọc thực sự thấu hiểu tinh thần tác phẩm của chàng để lại ám ảnh về một phận người. Đó cũng là hành trình “đi tìm độc giả” của một người viết luôn khát khao sự đồng cảm về bản thể. Không khí miên man, trữ tình trong truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng là cái nền cho một câu chuyện tế nhị. Đó là cuộc đấu tranh giữa bản năng và lý trí, giữa một người đàn bà - cô giáo cắm bản khao khát tình yêu đôi lứa và một nam sinh tràn trề sức trẻ và lý tưởng. Bối cảnh trong truyện Phạm Duy Nghĩa có thể là một cách tái hiện lại những ngày đã rất xa xôi anh làm giáo viên cắm bản ở một vùng biên ải. Đời sống của những người giáo viên xuất thân từ đồng bằng ở vùng núi cao heo hắt ấy, có lẽ, chỉ những người trong cuộc như nhà văn mới thấm thía được. Đó cũng là chất liệu để anh viết những truyện ngắn khắc khoải đến vậy.
Ở những truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, dù có kết thúc hạnh phúc hay khổ đau, bao giờ cũng sáng lên niềm tin với cuộc đời, với tình người. Người đọc rơi nước mắt bởi câu chuyện tình như không tưởng của Ngân, một tâm hồn đẹp giữa dòng đời nhiều biến động, khổ đau trong Thông trên đá. Một kết thúc trầm, thấm đẫm nỗi buồn và sự bất lực trong Người nhà ông Luân như một nốt lặng rất chân tình mà rộng mở. Lưng đồi lập lòe ánh lửa lại là một câu chuyện éo le và lạ lùng, nhưng một khi người đọc đã bị cuốn hút thì đó cũng là một câu chuyện hấp dẫn, đáng tin, không thể khẳng định là không có trong đời thực…
Cứ như thế, Phạm Duy Nghĩa đưa người đọc đến với thế giới tâm hồn của mình một cách tự nhiên. Chính những năm tháng lăn lộn ở vùng cao, trải nghiệm cuộc sống gai góc và bão táp đã hóa thân thành những trang viết đầy ám ảnh và dư ba của Phạm Duy Nghĩa.
Mộc Anh