Những nghệ sĩ phải đối mặt với cái chết để có được những thước phim quý giá |
Đi đóng phim mà cái chết kề cận là một thực tế của các bộ phim điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nhiều bộ phim đã được quay trực tiếp tại các khu vực xảy ra xung đột nên việc đối mặt với cái chết luôn hiển hiện trong các đoàn làm phim. Phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, một bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam sở dĩ có sức sống bền bỉ đến vậy một phần cũng vì bộ phim đã được quay trực tiếp bên bờ Hiền Lương giúp cho khán giả thấy được sự căng thẳng, phức tạp của tình hình đất nước khi ấy. Việc quay trực tiếp đã khiến cho người dân Quảng Trị lo… nơm nớp. Tấm phản quang to đùng, lóe sáng giữa ban ngày mỗi khi đoàn phim đưa ra để làm sáng gương mặt diễn viên sẽ trở thành mục tiêu cho máy bay Mỹ ném bom. Thế nhưng, khi đã vào vai Dịu, NSND Trà Giang đã thể hiện bằng cả trái tim và lòng yêu nghề. Vai diễn này đã mang về cho chị giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moscow (1973).
Động lực để những diễn viên có thêm sức mạnh đối mặt với cái chết cận kề thì mỗi người lý giải theo một cách. Nhưng có một điểm chung, đó là các nghệ sỹ đều nhận thức rất rõ việc đi đóng phim giống như đi làm cách mạng. Người diễn viên cũng là chiến sỹ, diễn tới cùng, diễn như ngày mai mình không còn dịp để được đóng góp. Diễn viên Chánh Tín tiết lộ “Tôi đi đóng phim còn mang theo cơm nhà diễn cả 6 tháng trời. Không ai nghĩ đến tiền thù lao”. Cá biệt như NSND Thế Anh, ông đã hóa thân thành các nhân vật khác nhau nên diễn bằng tất cả sự say mê, nhiệt tình và đặc biệt là “không có khó khăn gì hết!”. Có lẽ là thế, NSND Trà Giang, người có vinh dự được thay mặt các thế hệ nghệ sỹ phát biểu trước buổi lễ Kỷ niệm 60 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã dõng dạc nói: “Thế hệ nghệ sỹ chúng tôi tự hào vì trong thử thách ác liệt của hai cuộc chiến tranh, người nghệ sỹ-chiến sỹ đã dũng cảm đối mặt với cái chết, với đạn bom để ghi lại nhiều thước phim quý giá. Chúng tôi tự hào vì trong nhiều hoàn cảnh gian nan, chúng tôi chưa khi nào chùn bước”.
“Lớp trẻ giỏi lắm!”
Trên thế giới, phim làm trong chiến tranh thường là thể loại phim tài liệu nhưng Việt Nam tự hào là đất nước có phim điện ảnh làm trong chiến tranh. Niềm tự hào này được xây đắp và đóng góp bởi những người nghệ sỹ dũng cảm của điện ảnh Cách mạng Việt Nam và những người nghệ sỹ ấy thật khiêm nhường. Họ chưa bao giờ coi đó là khó khăn mà đơn giản đó là một nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Chính lối diễn hết mình, vô tư vì nhiệm vụ cách mạng đã khiến cho những bộ phim có sức trường tồn cùng thời gian. Nói như vậy, không hẳn lớp diễn viên ngày nay không sống cùng những vai diễn nhưng rõ ràng lớp nghệ sỹ kế cận đang thiếu đi một sức bật để làm nên những tác phẩm để đời. Hai Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội đã chỉ rõ thực trạng của nền điện ảnh nước nhà mà lâu nay đã tồn tại việc nói quá nhiều… gió thoảng mây bay.
Vậy nên, việc bơi được ngoài biển xa của điện ảnh Việt Nam vẫn là khao khát, mong mỏi của nhiều lớp thế hệ nghệ sỹ đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đầu tư cho ngành điện ảnh. Nhưng NSND Thế Anh rất vững tin vào tương lai của điện ảnh Việt Nam bởi “Lớp trẻ giỏi lắm, điện ảnh Việt Nam sẽ bơi tới giải Oscar”.
Hôm qua 14-3, Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhiều thế hệ nghệ sỹ hai miền Nam-Bắc đã có dịp gặp lại nhau trong không khí của ngày hội. Tại đây, chặng đường dài lẫy lừng nhưng cũng đầy chông gai của nền điện ảnh Việt Nam đã được khái quát qua bài phát biểu của TS.Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cho đến Ngày hòa bình lập lại và kiến thiết xây đựng dất nước, điện ảnh Việt Nam luôn phụng sự dân tộc và đường lối cách mạng để cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị. Hiếm có nền điện ảnh nào trên thế giới có thể bám sát từng bước đi, thậm chí ở trong lòng mọi sự kiện lịch sử của dân tộc như vậy. |