Trận động đất lớn nhất ghi nhận được là 9.5 độ richter
Chile là quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương (Vành đai địa chấn Thái Bình Dương). Đây là khu vực bao quanh Thái Bình Dương, có chiều dài lên tới 40.000 km, nơi xảy ra rất nhiều trận động đất và phun trào núi lửa thuộc hàng mạnh nhất trên Trái Đất.
Chính vị trí địa lý đặc biệt là nguyên nhân khiến quốc gia này liên tiếp gặp phải những trận động đất, sóng thần cực mạnh và gây nhiều thiệt hại to lớn trên nhiều lĩnh vực. Theo các thống kê, khoảng 90% các trận động đất trên Trái Đất đều xảy ra tại vành đai lửa này.
Trận động đất có cường độ lớn nhất ghi nhận được xảy ra ở Valdivia (Chile) vào ngày 21/5/1960 với độ lớn 9.5, gây ra sóng thần, làm 5000 người chết. Đây là trận động đất lớn nhất đã xảy ra kể từ khi ước tính chính xác về cường độ có thể xảy ra vào đầu những năm 1900.
Trận động đất Valdivia kéo dài khoảng 10 phút với cường độ lên đến 9,5 độ Richter, kèm theo sóng thần trên dọc bờ biển Chile đã tạo nên thảm họa kép thiệt hại khủng khiếp trong lịch sử động đất ở quốc gia này và trên thế giới.
Trận động đất kinh hoàng đó bắt đầu diễn ra vào rạng sáng ngày 21/5/1960. Đầu tiên, tại vùng biển gần thành phố cảng Puerto Montt của Chile, một trận động đất mạnh bất thường vô cùng hiếm thấy với cường độ cao đã diễn ra trong thời gian dài trên diện rộng.
Trận động đất này liên tục kéo dài đến ngày 23/6. Trận động đất đầu tiên xảy ra với cường độ còn tương đối nhẹ, nhưng không giống như những tiền chấn xảy ra trong quá khứ, ngay sau khi trận động đất thực thụ chuẩn bị xảy ra, nó liên tục không ngừng phát sinh với cấp độ ngày một dữ dội hơn.
Trận động đất đạt cường độ cực đại vào khoảng 19h tối ngày 22/5. Trận động đất này ban đầu xuất phát từ vùng lòng chảo Thái Bình Dương, dưới đáy biển sát gần cảng Puerto Montt. Ngay sau đó, mặt đất khắp nơi rung chuyển dữ dội, đợt chấn động lớn nhất này diễn ra liên tục trong vòng vài phút, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dân địa phương. Cấp độ động đất ban đầu là 8,9 sau đó tăng lên 9,5 độ Richter. Trận động đất kinh hoàng đã phá hủy gần như mọi cơ sở vật chất của thành phố cảng Puerto Montt, hàng nghìn người dân đã bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Sau đó, nó đã kích hoạt một loạt các đợt sóng thần. Các đợt sóng thần đã ảnh hưởng đến miền nam Chile, Hawaii, Nhật Bản, Philippines, miền đông New Zealand, đông nam Australia và quần đảo Aleutian, Valdivia là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cơn chấn động gây ra sóng thần cục bộ đánh phá bờ biển Chile, với những con sóng cao tới 25 mét. Trận sóng thần chính đã đi qua Thái Bình Dương và tàn phá Hilo, Hawaii, nơi những con sóng cao tới 10,7 mét được ghi nhận cách tâm chấn hơn 10.000 km.
Mỹ và Nhật Bản là những nước thiệt hại nhiều nhất do động đất
PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam đưa ra những con số thống kê về các trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử.
Thống kê cho thấy, thế kỷ 20 cho đến đầu thế kỷ 21 có 67 trận động đất có độ lớn cực đại trên 8.0 độ Richter. 4 trận động đất mạnh nhất của thế kỷ 20 là động đất xảy ra tại Ecuado năm 1906 có độ lớn 8.7; động đất tại Chile năm 1960 có độ lớn 9.5; động đất ở Alaska năm 1964 có độ lớn 9.2 và động đất ở Sumatra năm 2004 có độ lớn 9.0.
Trong thế kỷ 20 có khoảng 1.7 đến 2.2 triệu người chết vì động đất. Con số thương vong do động đất gấp khoảng 10 lần số người thiệt mạng. Số trận động đất gây chết hơn 1000 người là 134 trận và động đất gây chết hơn 10.000 người là 38 trận. Số người thiệt mạng do động đất chiếm khoảng 26-34% số người chết cùng thời gian đó.
Thiệt hại về tài chính gây ra do động đất được tính khoảng 280-418 tỷ USD và thiệt hại tài chính gián tiếp là 1000 tỷ USD. Thiệt hại nặng nề nhất về kinh tế do động đất gây nên là ở nước Mỹ và Nhật Bản.
Nhìn chung các trận động đất lớn xảy ra trên vành đai động đất (vành đai động đất Thái Bình Dương, vành đai động đất Địa Trung Hải - Hymalaya...) và các nước vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Những vùng có hoạt động động đất lớn nhất nằm ở châu Á là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nhật Bản, Pakistan, Indonesia và Phillipin.
Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter kéo theo sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia, đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người Indonesia. Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Không có cảnh báo về trận sóng thần sau động đất, khiến người dân không có thời gian để sơ tán, dù thời gian con sóng tấn công các châu lục cách nhau nhiều giờ.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, năng lượng khổng lồ tỏa ra từ trận động đất này được ví tương đương với năng lượng của 23.000 quả bom nguyên tử từng thả xuống Hiroshima, Nhật Bản.
Một năm sau, ngày 28/3/2005, một trận động đất mạnh 8,6 độ richter đã tàn phá khu vực Sumatra, Indonesia, khiến 1.300 người thiệt mạng. Cũng trong năm này, khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát hứng chịu trận động đất mạnh 7,6 độ richter, khiến hơn 80.000 người chết.
Ngày 12/5/2008, trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, khiến 87.000 người thiệt mạng, 10 triệu người mất nhà cửa. Dù tâm chấn ở tỉnh Tứ Xuyên nhưng cả Thượng Hải và Bắc Kinh đều cảm nhận thấy mặt đất rung chuyển khi động đất xảy ra. Đây là thảm họa lớn nhất của Trung Quốc sau trận động đất Đường Sơn năm 1976, khiến hơn 250.000 người thiệt mạng.
Tại Haiti, ngày 12/1/2010, trận động đất mạnh 7 độ richter đã cướp đi sinh mạng của 316.000 người, theo ước tính của chính phủ nước này. Tâm chấn ở độ sâu khoảng 13km, kéo dài 55 giây, đã san phẳng hầu như toàn bộ thủ đô Port-Au-Prince của Haiti, khoảng 1,5 triệu người mất nhà ở. Trận động đất khiến khoảng 4.000-6.000 người dân Haiti bị tàn tật vĩnh viễn và cho đến nay họ vẫn đang chật vật để khôi phục lại cuộc sống.
Ngày 11/3/2011 đã trở thành một trong những ngày tồi tệ trong lịch tử Nhật Bản, khi một trận động đất mạnh 9 độ richter gây ra sóng thần và cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người. Các thị trấn dọc bờ biển đều bị những đợt sóng khổng lồ san phẳng chỉ trong một giờ. Ở mức cao nhất, sóng thần tại Miyako, Iwate, được ước tính cao đến 40m.
Khoảng 100.300 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại một phần do động đất và sóng thần. Thảm họa động đất và sóng thần cũng là tác nhân trực tiếp gây ra các sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 và 2, đồng thời khiến nhiều nhà máy điện hạt nhân khác phải ngừng hoạt động. Số người bị nhiễm phóng xạ sau thảm họa là 190 người. Thảm họa kép đã khiến toàn bộ đất nước Nhật Bản rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Trung tâm thông tin động đất quốc tế (NEIC) ghi nhận mỗi năm có khoảng 20.000 cơn chấn động diễn ra trên toàn thế giới. Tức là, trung bình cứ 50 ngày lại có một sự rung chuyển của mặt đất. Tuy nhiên, thực tế là có hàng triệu rung chấn mỗi năm, nhưng vì nó quá yếu nên không được đề cập đến. Người ta ước tính, cứ 30 giây, thế giới lại chịu tác động của một cơn địa chấn.
Đặc biệt, khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương thường xuyên xảy ra các cơn lay động mạnh của mặt đất hoặc phun trào núi lửa. Nó chứa khoảng 75% núi lửa trên thế giới. Ước tính, khoảng 71% các trận chấn động mạnh nhất thế giới diễn ra tại vành đai hình móng ngựa này. Vành đai lửa Thái Bình Dương cũng chịu ảnh hưởng của gần 80% của các hoạt động kiến tạo địa tầng. Điều này khiến nhiều người sợ hãi khi nhắc đến lòng chảo này.
Xem thêm video đang được quan tâm: