Những “trận đánh” không được gây thương tích

19-02-2012 07:28 | Dược
google news

Đối với các chuyên khoa khác của ngành y, việc khám và chẩn đoán bệnh đều có sự hợp tác của người bệnh, sự giúp sức đắc lực của các phương tiện cận lâm sàng hiện đại,

Đối với các chuyên khoa khác của ngành y, việc khám và chẩn đoán bệnh đều có sự hợp tác của người bệnh, sự giúp sức đắc lực của các phương tiện cận lâm sàng hiện đại, còn cái chuyên ngành “IC có vấn đề” của chúng tôi thì muốn chẩn đoán bệnh chính xác lại phải dựa chủ yếu vào khả năng khai thác trong khi hỏi bệnh và năng lực phán đoán của người thầy thuốc. Cái khó còn ở chỗ: người bệnh chẳng bao giờ thừa nhận bệnh tật hoặc không có bệnh thì lại nói mình mắc nhiều bệnh trầm trọng... Ở khoa tâm thần bán cấp tính thì còn đặc biệt hơn ở chỗ người bệnh thường mắc bệnh lâu ngày, ít nhiều đã giảm khả năng nhận thức, khó giao tiếp, cơ thể lại gầy yếu suy kiệt, ăn mặc luôn xộc xệch và rất ít khi vệ sinh cá nhân... Vì vậy, việc khám, điều trị, chăm sóc cho họ nếu chỉ có tinh thần trách nhiệm không thôi thì chưa đủ.

Ngày...

Đang hội chẩn thì điều dưỡng báo cáo người bệnh chống đối không ăn. Chúng tôi vội chạy xuống, thì ra mấy người bệnh “vô danh” mới vào chiều qua không chịu xuống nhà ăn mà cứ đòi phải bê cơm cho tận nơi xúc bón, khi chị em bón cho từng thìa cơm thì cậu ta lại ăn ngon lành. Công việc tuy rất bận nhưng không thể để họ nhịn đói. Không biết có phải vì những người bệnh lang thang đã sớm nhận sự hắt hủi của người đời thì dù trí tuệ bị sa sút đi ít nhiều họ vẫn biết “nũng nịu” khi nhận thấy được sự ấm áp của những hành động quan tâm chăm sóc nho nhỏ ấy?

 Chăm sóc bệnh nhân tâm thần từ những việc làm đơn giản nhất.

Ngày...

Sáng nay, chưa kịp giao ban thì anh em báo cáo bệnh nhân Thân Viết H. trốn viện. Chẳng kịp ăn gì, mấy cậu y tá vội phóng xe đi tìm. Tài thật, tường bao cao là thế mà người bệnh vẫn nhảy qua để trốn được. Anh Nghĩa - Trưởng khoa buột miệng nói đùa: “Thằng này họ Thân chắc có họ hàng với Tôn Ngộ Không nên leo trèo giỏi thế”. Nói đùa thế thôi, mấy anh em phải làm ngay các thủ tục báo cáo với cấp trên vì Thân Viết H. là một phạm nhân trong cơn rối loạn tâm thần đã chém cả bố đẻ. H. đã được giám định pháp y, hiện đang được điều trị. Người bệnh đã được điều trị tốt, song báo mãi gia đình chẳng ai đến đón. Chắc cậu nhớ nhà quá nên đã trốn viện, anh em kíp trực phải một phen vất vả lo lắng đi tìm...

Ngày...

Đêm trực hôm nay không bình yên như mọi lần. B. - một bệnh nhân được xác định là tâm thần phân liệt luôn cho rằng mọi người theo dõi mình và ghen tuông chỉ lo người khác cướp vợ. Khi vợ B. có việc phải về nhà, người bệnh đã lao thoát ra ngoài, vớ được con dao, cậu gào thét, dọa đâm bất cứ ai cản cậu trở về nhà. Cậu trèo phắt lên, vắt người ngang qua bức tường có những chông sắt lởm chởm, nhọn hoắt rất có thể gây thương tích nguy hiểm để hòng trốn về nhà. Cậu tạo ra một cảnh hỗn loạn như một trận đánh, làm cho tất cả những người nhà bệnh nhân hoảng sợ hồn vía lên mây. Thế là kíp trực và cả đồng chí Minh - Phó giám đốc trực viện đêm đó phải dùng hết giọng nghiêm khắc đến chuyển giọng năn nỉ dỗ dành và kết hợp thêm bảo vệ của bệnh viện cưỡng chế mãi mới lấy được dao và đưa bệnh nhân trở về khoa.

Trong ngành y có lẽ chẳng có trường lớp nào dạy bài bản cách phải nịnh nọt, phải đuổi và cưỡng chế những con người trong lúc tinh thần họ chẳng minh mẫn, sẵn sàng làm bất cứ hành động nguy hiểm như thế nào? Mỗi lần như vậy, tôi thấy nó chẳng khác gì tổ chức một trận đánh nho nhỏ vậy, có khác chăng chỉ ở chỗ chúng tôi không bao giờ được gây tổn thương cho người bệnh.

Đối với người bệnh tâm thần, việc điều trị bằng thuốc là chưa đủ, với họ rất cần sự nuôi dưỡng, chăm sóc về tinh thần bằng tất cả tình yêu thương của người thầy thuốc.

BS. Nguyễn Hoàng Điệp
(Bệnh viện Tâm thần Trung ương I)

Ý kiến của bạn