Lộ diện đoạn ghi âm tuyệt mật
Theo tờ Times of Israel, đoạn ghi âm tối mật này liên quan tới nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh, người vừa bị ám sát hôm 27/11 vừa qua, được Thủ tướng Israel Ehud Olmert (thời kỳ 2006-2009) phát cho Tổng thống Mỹ George W. Bush nghe khi ông Bush công du Israel năm 2008. Tài liệu này thuyết phục đến mức nó đã trở thành bằng chứng thuyết phục Mỹ tăng cường nỗ lực chống lại chương trình hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, đến nay hồ sơ tài liệu mới được tiết lộ sau vụ ám sát người được cả Mỹ và Israel coi là “cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran”. Thậm chí, Israel còn cho rằng, những đoạn ghi âm được cho là của Fakhrizadeh là bằng chứng chắc chắn rằng chương trình hạt nhân của Tehran không hòa bình như lời nước này hằng tuyên bố.
Trong đoạn ghi âm, Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là Barak đề nghị ông Bush cung cấp cho Israel loạt vũ khí mà nước này chưa có như máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng, cùng với bom phá boongke. Ông Barak kể lại rằng, Tổng thống Bush muốn Israel hiểu lập trường chính thức của Chính phủ Mỹ. Mỹ phản đối mạnh mẽ Israel có hành động chống lại chương trình hạt nhân của Iran và không có ý định tấn công Iran, ông Bush nói. Tuy nhiên sau đó, ông Barak đã cho Tổng thống Mỹ nghe 1 đoạn ghi âm mà tình báo Israel có được, đoạn ghi âm được cho là của nhà khoa học hàng đầu Iran Fakhrizadeh, trong đó ông đề cập đến các chi tiết về tiến triển của vũ khí hạt nhân Iran, về loại vũ khí có 5 đầu đạn... Đoạn ghi âm được cho rằng chỉ là một trong hàng loạt tài liệu mà Israel nắm được trong nhiều năm về Fakhrizadeh cùng chương trình hạt nhân Iran. Đây là một trong những nhân tố đẩy quan hệ Mỹ - Iran sang thế đối đầu suốt nhiều năm qua.
Quang cảnh để lại sau vụ tấn công nhà khoa học hàng đầu Iran.
Đằng sau những hành động của Iran
Đến thời điểm này, Iran vẫn bảo lưu quan điểm cáo buộc Israel đứng sau vụ hạ sát và cho rằng chính Israel là “lính đánh thuê” cho Mỹ. Nhưng tại sao đến nay Iran vẫn chưa trả đũa như những lời đe dọa sau đó? Một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại Iran sẽ tung đòn trả đũa bằng các lực lượng dân quân ủy nhiệm ở Iraq. Theo nhà phân tích cấp cao về Iraq tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Lahib Higel: “Có thể chúng ta sẽ thấy các nhóm bán vũ trang có liên hệ với Iran tiến hành những cuộc tấn công ở Iraq”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, Iran sẽ không ngay lập tức trả đũa vụ xả súng nhằm vào nhà khoa học hàng đầu nước này do lo ngại hành động vội vã có thể sẽ kích động phản ứng quân sự từ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump. Mặt khác, nếu gây căng thẳng thêm trong thời điểm này, có thể Iran sẽ “khó quay lại” với Mỹ khi Tổng thống mới Joe Biden của nước này nhậm chức.
Tổng thống đắc cử J. Biden đã từng cho biết, muốn khôi phục thỏa thuận quốc tế năm 2015 - Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) - do cựu Tổng thống Barack Obama đã ký. Iran sẽ quay lại việc cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, JCPOA đã bị Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi và theo đuổi chiến lược “gây áp lực tối đa” chống Iran. Ông Biden cho rằng chính sách bài Iran, gây sức ép tối đa qua trừng phạt, bao vây cô lập của chính quyền Trump đã không mang lại hiệu quả, chỉ khiến Tehran tăng cường được tiềm lực, khả năng chế tạo hạt nhân, tiến gần đến ngưỡng có đủ nhiên liệu để chế bom nguyên tử. Tổng thống đắc cử Mỹ tái khẳng định mong muốn tái gia nhập thỏa thuận nếu Iran tuân thủ điều khoản, nhưng cũng nói rằng Mỹ đặt ra giới hạn không để Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Về phần mình, đúng như những tuyên bố sẽ đáp trả vụ hạ sát, Quốc hội Iran đã thông qua luật nhằm ngay lập tức tăng làm giàu uranium vượt mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân, đồng thời Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran (SNSC) đã thông qua Luật “Hành động chiến lược để dỡ bỏ cấm vận” nhằm giảm sự giám sát quốc tế đối với chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này nếu các lệnh cấm vận đối với Tehran không được dỡ bỏ trước tháng 2/2021. Những hành động này vừa gây phương hại đến quan hệ tương lai giữa Mỹ và Iran vừa gây sức ép với cộng đồng quốc tế trong việc kìm hãm tham vọng hạt nhân của quốc gia này.