Những tình cờ trong tìm kiếm tác phẩm Lưu Trọng Lư

19-06-2011 15:51 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhận diện công bằng về một đời văn, ngoài cách tiếp cận hữu hiệu còn cần thiết có đầy đủ sáng tác của nhà văn. Yêu cầu đương nhiên này thực thi xem ra vô cùng khó, nhất là với các tác gia mà đa số tác phẩm ra mắt từ những thập niên đầu thế kỷ XX, như Phan Khôi (1887 - 1959),

Nhận diện công bằng về một đời văn, ngoài cách tiếp cận hữu hiệu còn cần thiết có đầy đủ sáng tác của nhà văn. Yêu cầu đương nhiên này thực thi xem ra vô cùng khó, nhất là với các tác gia mà đa số tác phẩm ra mắt từ những thập niên đầu thế kỷ XX, như Phan Khôi (1887 - 1959), Ngô Tất Tố (1898 - 1954), Nguyễn Tuân (1910 - 1987), Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939), Vũ Bằng (1914 - 1984)... mãi gần đây mới thấy lần lượt công bố Tuyển tập rồi Toàn tập. Riêng trường hợp Lưu Trọng Lư (1911 - 1991), tuy đa có Tuyển tập do NXB Văn học ấn hành 1987 với cả thơ, văn xuôi và kịch thơ dày tới 452 trang nhưng giới am hiểu cho rằng số lượng tác phẩm của ông, chỉ tính những gì đa đăng tải trên báo chí và dưới dạng sách, thực ra còn phong phú gấp bội. Thân nhân và một số nhà nghiên cứu đa bỏ công sức tìm kiếm nhưng vẫn chưa lấp đầy khoảng trống.

Mọi chuyện cứ thế trôi qua, tưởng khó lòng tìm thấy những gì đã thất lạc. Không ngờ cuộc sống vẫn thường xảy ra những ngẫu nhiên khiến điều ngỡ không thể lại thành có thể. Điều này đã tái diễn trong quá trình tìm kiếm sốtác phẩm đi vào quên lãng của Lưu Trọng Lư ròng rã mấy chục năm đã trở thành hiện thực. Một công trình sưu tầm Lưu Trọng Lư, tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết với 2 tập khổ to dày tới 1.445 trang vừa được NXB Lao động, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây giới thiệu trong Lễ kỷ niệm 100 năm sinh Lưu Trọng Lư.

 Lưu Trọng Lư và tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết.

Để đến được kết quả này, bao nhiêu thời gian, công sức đã bỏ ra, kể cả cú hích của sự tình cờ. Chứng kiến sự tình này, tôi xin kể lại một vài diễn biến mà mình tận mắt chứng kiến.

Còn nhớ, năm 1997, nhân chuyến vào TP. Hồ Chí Minh cùng nhà văn Đoàn Minh Tuấn, ghé thăm nhà văn Nguyễn Khải. Đang hàn huyên, chợt Nguyễn Khải quay sang hỏi tôi: - Gia đình mình hiện lưu giữ được tập tiểu thuyết nào của cụ Lưu Trọng Lư không?

Tôi thú thật rằng, sách vở Lưu Trọng Lư in trước 1945, trong lưu giữ của gia đình, chẳng có gì đáng kể, Nguyễn Khải trầm ngâm bày tỏ:

- Tôi có lần mượn được một tập báo Hà Nội tân văn năm 1937, trong đó thấy in nhiều truyện ngắn, truyện dài của Lưu Trọng Lư, tò mò đọc chơi. Nào ngờ, càng đọc càng hút. Té ra nhạc gia của cậu không chỉ nổi tiếng về thơ mà viết văn xuôi cũng có hạng đấy. Văn cụ Lư viết cách nay hơn nửa thế kỷ mà bây giờ đọc vẫn thấy như người cùng thời, hoạt và khi mô tả tâm trạng, cảm xúc nhân vật thấy được sự phức tạp lúc thế này, lúc thế khác của lòng người, đáng chú ý lắm. Con cháu các cậu phải cố công lục lọi báo in, sách cũ tìm ra mà cho tái bản đi, có ích lắm.

Kể lại chuyện này với Lưu Trọng Văn và Lưu Trọng Ninh - hai con trai hiện đang nối nghiệp người cha nghệ sĩ, vốn có dịp đi đây đi đó, để các anh lưu tâm tìm kiếm, nhưng kết quả cũng chưa có gì sáng sủa. Mấy năm sau, tôi lại đến với Nguyễn Khải xin địa chỉ của chủ nhân tập báo Hà Nội tân văn từng cho ông mượn đọc thì được biết họ đã xuất cảnh, đoàn tụ với con cái ở nước ngoài. Số báo cũ quý hiếm đó chẳng rơi vào tay ai!

Sau đấy tôi còn thăm viếng giáo sư Hoàng Như Mai, thầy giáo cũ của tôi hồi ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Thầy Mai cũng tâm sự rằng, lúc trẻ đọc đủ loại sách vở văn chương, những tiểu thuyết giống như truyện vừa của Lưu Trọng Lư như Khói lam chiều, Huyền không động, Con voi già của vua Hàm Nghi, Chiếc cáng xanh đã để lại những ấn tượng đậm nét, khó quên, kích thích ông cầm bút sáng tác... Tôi có hỏi ông, hiện bây giờ có thể tìm ra những sáng tác như thế ở đâu. Vì thư viện công cộng lẫn chuyên ngành chỉ thấy lác đác. Thầy Mai thừa nhận, thật khó vì lưu trữ văn bản, sách báo ở ta mới mẻ, thiếu thốn quá, nhưng hãy đến với các tủ sách gia đình trong Nam, ngoài Bắc, kể cả nước ngoài nữa, may ra phát hiện được phần nào chăng?

Gia đình tôi, nhiều người cũng xuôi ngược tìm kiếm, lần hồi cũng chỉ có thêm được tập sách mỏng Người sơn nhân do Ngân Sơn tùng thư xuất bản năm 1933. Nhóm sưu tầm của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện cũng cung cấp thêm một số bài viết về văn chương của Lưu Trọng Lư đã đăng trên báo chí giai đoạn 1930 - 1945 trong Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, NXB Văn học, 1997 càng hối thúc gia đình tích cực hơn.

Cũng thời gian này, một lần gặp gỡ nhà văn Nguyễn Đình Thi đang là Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật toànquốc tại nhà con trai ông là Nguyễn Đình Chính, cũng nghe ông bày tỏ: Văn xuôi Lưu Trọng Lư đáng chú ý đấy. Sau cách mạng, trong kháng chiến, ông Lư đã cho in tập ký sự Chiến khu Thừa Thiên còn gọi tên khác là Chiến khu Ba năm 1952 khá đặc sắc. Theo tôi, đó là một thành tựu sớm của văn xuôi kháng chiến chống Pháp cùng với Xung kích của tôi, Tây Bắc của Tô Hoài, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng... Sau đó, Lưu Trọng Lư còn có thêm Chuyện cô Nhụy (1962) và đặc biệt là Hồi ký Nửa đêm sực tỉnh, văn chương rất hoạt và mang hơi thở hiện đại... ý kiến này một phần đã được ông trả lời trên tạp chí Nghiên cứu văn học, Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn.

Mọi chuyện cứ thế trôi qua hối hả thì đầu năm 2010, gặp nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân ở Thư viện Quân đội, ông đặt vấn đề: Di sản văn xuôi Lưu Trọng Lư trước 1945 dồi dào cả về số lượng, đáng chú ý cả ở chất lượng, gia đình ta sưu tầm được đầy đủ chưa. Tôi hiện có trong tay một số bản photocopy những tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư hồi qua Mỹ tìm kiếm tư liệu về Vũ Trọng Phụng. Hay gia đình hợp tác với tôi cho công bố một tập văn xuôi mới phát hiện của Lưu Trọng Lư.

Tôi về bàn với Lưu Trọng Văn và vợ tôi là Lưu Ý Nhi, cả hai đều đồng tình. Chưa kịp phản hồi lại với Lại Nguyên Ân thì tình cờ gặp Hoàng Minh - một thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Những người yêu sách cổ ở TP. Hồ Chí Minh, một bạn trẻ làm việc tại VietnamAirline nhưng say mê sưu tầm sách báo và sự am hiểu về sách báo cũ của anh thật đáng nể phục. Hoàng Minh khoe với tôi, trong thư viện riêng của mình hiện đang lưu giữ một số tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư, NXB Tân Dân của ông chủ Vũ Đình Long những năm 1938, 1939. Tôi mừng rỡ, gặp Lại Nguyên Ân thông báo cho anh về quyết định của gia đình.

Sau gần một năm trời vất vả, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và bạn trẻ Hoàng Minh cùng cộng tác và tiếp tục sưu tầm thêm từ nhiều tủ sách riêng khác, đến đầu năm 2011đã thu về trong tay một số lượng tác phẩm văn xuôi của Lưu Trọng Lư khiến gia đình tôi kinh ngạc. Từ anh trai cả Lưu Trọng Hải đến Lưu Trọng Văn đều ứa nước mắt khi đọc những trang viết của cha mình, tưởng đã bị vùi lấp trong thời gian, nay hiện hình trở lại.

Đúng vào dịp Kỷ niệm 100 năm sinh Lưu Trọng Lư (1911 - 2011), tập sách dày dặn Lưu Trọng Lư, tác phẩm, truyện ngắn, tiểu thuyết với 45 truyện ngắn và 12 tiểu thuyết đã ra mắt công chúng rộng rãi. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, phát biểu trong lễ kỷ niệm này đã nhấn mạnh sự nghiệp sáng tạo văn chương của Lưu Trọng Lư thật đồ sộ, với nhiều vỉa quặng khác nhau cần được nghiên cứu tìm hiểu để thấy rõ hơn những đóng góp có giá trị của ông vào văn học Việt Nam hiện đại. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát chăm chú lần giở từng trang trong tập văn xuôi Lưu Trọng Lưvừa ngỡ ngàng, vừa xúc động. Nhà phê bình Ngô Thảo vừa trở về sau khi sang Singapore điều trị bệnh cũng mua mấy bộ tặng bạn bè...

Cũng trong dịp này, một tập thơ bao gồm những bài thơ chưa từng được in mang tên Bài ca tự tình do Lưu Trọng Văn sưu tầm và tuyển lựa trong di cảo bản thảo của Lưu Trọng Lư cũng ra mắt công chúng. Được biết một tập bài viết về văn học nghệ thuật cùng một tập kịch Lưu Trọng Lư nay mai sẽ được xuất bản, tiến tới một tuyển tập Lưu Trọng Lư sẽ cung cấp cơ sở khách quan cho việc nhìn lại đúng đắn hơn về sự nghiệp và tầm vóc của Lưu Trọng Lư trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Lưu Trọng Lư

Sáng 15/5, Hội Nhà văn VN, Hội nghệ sĩ sân khấu VN đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Trọng Lư. Tham dự buổi lễ có nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơHữu Thỉnh, Đỗ Kim Cuông, NSƯT Lê Chức… cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu. Trong con mắt của đồng nghiệp, Lưu Trọng Lư là người đa tài. Nói như Chủ tịch Hội Nhà văn VN: sẽ rất bất kính nếu chúng ta chỉ biết Lưu Trọng Lư là nhà thơ dù ông đã xuất bản 5 tập thơ, nhưng văn xuôi mới là phần sáng tác đồ sộ của ông với 37 tác phẩm gồm kịch, lý luận phê bình, tự sự, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký văn học. Được đánh giá là kiện tướng của phong trào thơ mới nhưng Lưu Trọng Lư lại là người ít chịu ảnh hưởng của thơ ca phương Tây. Thơ ông đồng nghĩa với sự đổi mới bởi ông quan niệm đổi mới là con đường đưa sự nghiệp lên phía trước. Cả cuộc đời ông đã sống và viết về một chữ nhân, bởi vậy các tác phẩm của ông cũng toát lên chữ nhân mạnh mẽ.

 Nhà báo Lưu Trọng Văn - con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư trong lễ kỷ niệm. Ảnh: PV
Hôm nay đây, trong ngày sinh thứ 100 của mình, dưới suối vàng, chắc ông cũng mãn nguyện bởi bạn bè, đồng nghiệp và gia đình vẫn luôn trân trọng những đóng góp của ông về nhiều mặt cho đời sống VHNT nước nhà.
TL

NGUYỄN VĂN THÀNH


Ý kiến của bạn