Tín hiệu đáng mừng về trồng và sản xuất dược liệu
Trong những năm gần đây, ở Nghệ An xuất hiện khá nhiều đơn vị doanh nghiệp, cá nhân thực hiện trồng, chế biến, kinh doanh dược liệu một cách hiệu quả. Mặc dù mới thành lập hơn 1 năm (ngày 19/4/2022) nhưng đến nay, Hợp tác xã nông dược Tĩnh Sáng Đường tại xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp, huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) đã có những tin hiệu đáng mừng trong trồng và sản xuất dược liệu.
"Quỳ Hợp là vùng đất có lợi thế về nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng, như: cây cà gai leo, dây thìa canh, cây chè dây, lá khôi, cây bách bộ... Với khát vọng phát triển tiềm năng, thế mạnh dược liệu của địa phương, chúng tôi đã thành lập Hợp tác xã. Anh Lá Văn Duy - Giám đốc Hợp tác xã nông dược Tĩnh Sáng Đường chia sẻ.
Đi vào hoạt động, hợp tác xã đã thực hiện trồng các loại dược liệu trên diện tích đất xấp xỉ 10 ha; tiến hành cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng dược liệu và bao tiêu sản phẩm cho trên 30 hộ gia đình trong xã. Mỗi năm, hợp tác xã bao tiêu cho bà con 50 tấn dược liệu với mức giá ổn định, cao hơn thị trường. Cùng với đó, hợp tác xã cũng đã đầu tư xây dựng một nhà máy với diện tích hơn 1.000 m, với rất nhiều máy móc trang thiết bị tiên tiến, dây chuyền sản xuất hiện đại.
Ở thời điểm này, hợp tác xã đã cho ra đời gần 30 loại sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí sạch an toàn và hiệu quả. Trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trung bình mỗi tháng hợp tác xã bán được trên 1.000 - 2.000 sản phẩm, cho doanh thu trên 400 triệu đồng/tháng… Các sản phẩm của hợp tác xã hiện có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước qua nhiều kênh phân phối (đại lý cố định, đại lý online và cộng tác viên).
Hợp tác xã nông dược Tĩnh Sáng Đường đang có những tín hiệu vui trong bước đầu khởi nghiệp. Trước Tĩnh Sáng Đường, ở Nghệ An có một doanh nghiệp dược liệu đã khởi nghiệp thành công là Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát (huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An). Công ty được thành lập vào năm 2018, đến nay đã trở thành một thương hiệu lớn trong sản xuất, chế biến dược liệu ở tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát có hệ thống vườn trồng và nguồn dược liệu rộng lớn (xấp xỉ 23 ha), tạo hàng trăm việc làm cho các hộ dân. Thạc sĩ Phan Xuân Diện – Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát cho hay: Công ty sản xuất theo tiểu chuẩn GACP với hệ thống máy móc, nhà xưởng đồng bộ, hiện đại. Công ty đã sản xuất được một số sản phẩm mũi nhọn đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao. Thị trường tiêu thụ mở rộng tới hầu hết các tỉnh thành. Công ty đã và đang xúc tiến xuất khẩu sản phẩm qua nền tảng thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện trồng, chế biến, kinh doanh dược liệu tiêu biểu ở Nghệ An trong thời gian qua có thể kể đến là: Công ty Cổ phần Dược vật tư y tế Nghệ An với nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; Công ty Cổ phần dược liệu TH phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao với diện tích 15.450 ha, tạo vùng nguyên liệu 50.000 tấn được liệu thô/năm; Công ty Thiên Minh Đức trồng 20 ha giống cây dược liệu tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương; Hợp tác xã Cây, con Châu Khê (huyện Con Cuông); Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Quốc tế Xuân Vinh (huyện Thanh Chương)...
Ngoài ra, ở Nghệ An còn có nhiều hộ dân, trong đó có cả người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đã đầu tư trồng cây dược liệu với diện tích từ 500 đến 1.000 m như trồng cây chè hoa vàng, bo bo, sa nhân tím, sa chỉ tại huyện Quỳ Châu; sâm Pu-xai-lai-leng tại huyện biên giới Kỳ Sơn; sâm thổ hào, hoa hoè, bạc hà tại Thanh Chương; nhân trần, xạ can, hương nhu, kim ngân hoa tại Yên Thành...
Cần khai phá hết tiềm năng
Theo Dược sĩ Hoàng Văn Hảo – Chủ tịch Hội Đông Y Nghệ An, Nguyên Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, những tín hiệu đáng mừng trong phát triển sản xuất và chế biến dược liệu ở các huyện miền núi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, xuất phát từ các yếu tố thuận lợi, đó là:
Thứ nhất, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Khí hậu mang đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm. Phía Tây có một số vùng có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt. Những đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng tạo sự đa dạng sinh học cao, giàu tiềm năng phát triển vùng dược liệu.
Thứ hai, việc phát triển dược liệu ở địa phương nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ về chính sách. Bao gồm việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 03/4/2018 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu. Tiếp đó, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An có Nghị quyết số số 07-NQ/TU, ngày 23/12/2021 của về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giải đoạn 2021 – 2030.
Và cuối cùng, việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên dùng làm thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm tại Việt Nam và các nước trên thế giới đang là xu thế. Nhu cầu dược liệu ngày càng lớn. Đơn cử ở Nghệ An, năm 2008, số tiền mua thuốc Đông Y của người dân là 2,6 tỷ đồng; số người khám chữa bệnh bằng Đông y ở tuyến tỉnh là 68.253 lượt, ở tuyến huyện là 138.234 lượt… thì đến năm 2022, số tiền mua thuốc Đông y là 53,6 tỷ đồng; số lượt khám, chữa bệnh Đông y ở tuyến tỉnh là 120.565 lượt, ở tuyến huyện là 477.976 lượt.
Dẫu vậy, sự phát triển của việc nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh dược liệu ở Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng của địa phương. Theo điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế Nghệ An thì Nghệ An ghi nhận được tổng số 962 loài cây thuốc và nấm làm thuốc. Tuy nhiên, số lượng loài dược liệu mà tỉnh trồng còn hạn chế, mới có khoảng 30 loài, nhóm loài.
Cũng theo Dược sĩ Hoàng Văn Hảo: Nghệ An có tiềm năng và khả năng phát triển nuôi trồng nhiều loại cây dược liệu bản địa và nhiều cây dược liệu nhập nội. Đại đa số cây dược liệu là đối tượng dễ trồng, thích hợp với các vùng khác nhau của Nghệ An. Vấn đề đặt ra cần phát huy được những lợi thế trên để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để làm được điều này cần thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp... liên doanh đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có về mọi mặt, doanh nghiệp có sống khỏe thì mới mở rộng sản xuất, mặt hàng.
Tán đồng với ý kiến này, dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng nêu rõ: Để phát triển cây dược liệu, công nghiệp dược, cần tăng cường liên kết 4 nhà; tập trung xây dựng kiện toàn một số mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ; Đa dạng hóa các hình thức liên kết, trong đó lấy doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt, đầu tầu hướng dẫn, giúp đỡ các nông hộ, hợp tác xã (doanh nghiệp cộng đồng) và các thành phần kinh tế khác sản xuất dược liệu hàng hóa; khuyến khích việc gắn kết giữa sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến… Nghệ An cần thực hiện tốt các giải pháp cũng như nhiệm vụ mà Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đã được phê duyệt.