Những ngày này, cả nước đang nhìn lại năm vừa qua với bao gian khó trong mọi hoạt động xã hội, trong đó có sân khấu. Vẫn là những khó khăn muôn thuở khi thiếu vắng kịch bản hay, khán giả không còn mặn mà với hình thức nghệ thuật này cộng thêm những ảnh hưởng không nhỏ của một xã hội đang chịu áp lực của nền kinh tế thời kỳ khủng hoảng... Vậy nhưng, nhìn một cách tổng quan, người làm nghề lại thấy hiển hiện giữa những khó khăn trầm trọng đó một sân khấu đang có những tín hiệu rất đáng khích lệ.
Cảnh vở Lời thề thứ chín. Ảnh: NH
Sau gần mười năm Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) Việt Nam không tìm được kịch bản xứng đáng để trao giải A thì mùa giải năm 2012, nghệ sĩ trong giới đã vui mừng khi Hội đồng thẩm định của Hội vốn luôn đề cao tiêu chí chất lượng trong chấm giải đã đồng thuận cao khi nhất trí trao giải A cho kịch bản Thấp thoáng những gương mặt người của tác giả Xuân Đức. Lại thêm một điều mừng nữa khi sự thẩm định này tìm được tiếng nói chung với nghệ sĩ, với chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát Kịch Hà Nội để “lên sàn” ra mắt tại Liên hoan SK kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại TP. Huế (7/2012), rồi “đăng quang”, giành được HCV. Năm nay cũng là năm ghi nhận sự đồng thuận trong đánh giá giữa Hội đồng nghệ thuật và những chỉ đạo nghệ thuật của các đơn vị. Không còn tình trạng giới chuyên môn chấm điểm cao, đánh giá kịch bản hay, hấp dẫn bằng những giải thưởng nhưng tác phẩm rơi vào quên lãng, không tìm được sự đồng vọng để tỏa sáng trên sàn diễn. Hầu như các kịch bản được giải thưởng cao trong năm cũng đều là những vở giành được kết quả tốt trong các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Quan trọng hơn nữa là sự thay đổi tư duy trong mục đích kiếm tìm những giá trị nghệ thuật, những tiêu chí đặt ra khi dựng vở. Nhiều đơn vị nghệ thuật công lập đã thoát khỏi xu hướng chạy theo những giá trị ảo, dàn dựng vở diễn cố gắng thật hoành tráng để kiếm tìm huy chương mà chú ý nhiều hơn tới hiệu ứng đối với công chúng, đi đúng định hướng thị trường khi bán cái xã hội, công chúng cần chứ không phải chỉ bán những gì mình có. Phần nhiều các vở diễn tham dự các kỳ liên hoan đều là những tác phẩm đã được thử thách trong thực tế biểu diễn hoặc sau liên hoan, đủ sức chinh phục khán giả để tiếp tục có được đời sống trên sàn diễn thường ngày. Và lần đầu tiên sân khấu miền Bắc đã có những nhóm nghệ sĩ dựa vào nguồn vốn xã hội hóa, dàn dựng vở biểu diễn để tham gia liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Hay sự hưởng ứng của các đơn vị xã hội hóa với các liên hoan kịch, liên hoan cải lương, nhất là liên hoan ảo thuật vừa kết thúc trong những ngày cuối cùng của năm 2012, từ tổ chức cho tới nghệ sĩ đều thấm đẫm tinh thần và tư duy chủ động của người làm xã hội hóa nghệ thuật.
Những tháng cuối cùng của năm, người làm nghề lại được chứng kiến các sự kiện vui khi manh nha xu hướng trở lại với chính kịch và được công chúng ủng hộ. Đó là các vở được dựng lại từ những kịch bản hay, vẫn còn ý nghĩa thời sự như Ông không phải bố tôi (Nhà hát Kịch Hà Nội); Lời thề thứ chín (Nhà hát Tuổi trẻ) hay vở diễn mới, thẳng thắn nhìn vào nạn chạy chức chạy quyền như Đường đua trong bóng tối (Đoàn kịch Công an Nhân dân…). Vở diễn Đường đua trong bóng tối được công diễn rộng rãi như bằng chứng của một sự “cởi mở” hơn đối với các tác phẩm có tính chất hiện thực phê phán, như tín hiệu rất đáng khích lệ đối với sự sáng tạo tích cực của các nghệ sĩ trong việc mạnh dạn đi vào những vấn nạn của xã hội, những “vùng cấm”. Dù chưa tạo được tác động lớn tới xã hội như trong thời kỳ vàng son trước đây nhưng ít nhiều sự có mặt của một số lượng khá đông công chúng trong các đêm diễn này cũng là tín hiệu rất đáng mừng.
Niềm vui tới nhiều hơn trong những nhận định còn rất thận trọng của các nhà nghiên cứu, quản lý sân khấu TP.HCM. Một trung tâm sân khấu thường xuyên sáng đèn, áp lực đối với việc luôn có tác phẩm mới, thuyết phục được công chúng tới mua vé ở các sân khấu xã hội hóa… tuy còn nhiều vấn đề cần lưu ý, nhưng về cơ bản cũng đã có chuyển động đáng mừng trong sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm sân khấu. Đơn giản như việc dựng diễn hài cho các dịp Tết, vốn là dịp bung ra của các tác phẩm hài phù hợp với tâm lý thưởng thức, giải trí vui vẻ. Nhưng theo NSƯT Trần Minh Ngọc - Phó Chủ tịch Hội NSSK thành phố thì xu hướng chung là khán giả cũng lựa chọn hơn, có yêu cầu cao hơn đối với cái hài. Những tiểu phẩm hài “chọc lét”, “cù cười” bằng mọi giá, không có tính thẩm mỹ và tính giáo dục đã tự thân bị thải loại vì không còn tìm được sự tán đồng trong công chúng. Các sân khấu đã dày công đầu tư hơn cho tác phẩm, vừa đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của quần chúng, vừa hướng tới những giá trị nghệ thuật lớn hơn, giàu tính sáng tạo hơn. Và người làm nghề của trung tâm nghệ thuật sôi động nhất nước này cũng đã đầu tư nhiều hơn cho các tác phẩm mang tính chính luận, một tư duy hết sức khó khăn cho các sân khấu xã hội hóa vốn chạy theo thị hiếu của một bộ phận người bỏ tiền ra mua vé.
Điểm qua những nét sáng sủa, đáng mừng trong bức tranh chung của sân khấu hiện nay, hi vọng khi bước vào xuân mới, sức thanh xuân của ngành nghệ thuật có nhiều năm tuổi này vẫn luôn đem lại khí lực mạnh mẽ cho người làm nghề cũng như những ai đam mê với ánh đèn đầy hấp lực của sân khấu.
Cao Ngọc