Bấy nay khi lãnh đạo về địa phương thường ngồi trên sân khấu đằng sau có tấm biển “Nhiệt liệt chào mừng…” và huấn thị, trả lời trước đông đảo mọi người đang ngồi dưới hội trường. Gần đây, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tới Đồng Nai đã phá lệ cũ. Ông ngồi trên chiếc ghế nhựa như của anh chị em công nhân, ngồi cùng hàng và bên cạnh công nhân, vui vẻ, thân thiện trong Nhà thi đấu và lắng nghe những câu hỏi. Những câu hỏi công nhân đặt ra cho Thủ tướng là những vấn đề bức xúc nhất của công nhân như thu nhập, nhà ở, bảo hiểm xã hội, đời sống văn hoá, nhà trẻ cho con cái của họ. Thủ tướng trả lời cụ thể từng vấn đề, ghi nhận và đưa ra những giải pháp, cam kết, đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương phải hành động để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân. Đấy là thái độ gần dân, nghe dân.
Nói đến dân là nói đến số phận từng con người mà không thể có sự phân biệt giữa người bình thường và người có chức quyền. Việc xử lý vụ khởi tố chủ quán cà phê “Xin Chào” là một ví dụ. Ông Nguyễn Văn Tấn là một người dân bình thường bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố, Viện kiểm sát ra cáo trạng và Tòa án huyện đã lên lịch xét xử. Một người bình thường nhưng số phận và sinh mạng chính trị không thể nhỏ như móng tay đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ đạo làm rõ. Nếu sai thì phải sửa ngay, nếu không sai thì phải thông tin cho báo chí. Người đứng đầu Chính phủ cũng vào cuộc, lập tức chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị ngừng hình sự hóa vụ án... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - bà Lê Thị Nga - đã đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng TP.HCM xem xét làm rõ vụ việc. Ngay lập tức, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND Tối cao - đã chủ động yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TP.HCM đình chỉ công tác đối với 1 lãnh đạo và 1 kiểm sát viên Viện KSND huyện Bình Chánh đồng thời phải xin lỗi chủ quán Xin Chào.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo vệ một người dân bình thường đã lấy lại niềm tin công lý trong toàn xã hội. Cách hành xử “mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người” rất nhanh chóng không cần “quy trình” nghiên cứu, xem xét qua các cấp là cách hành xử rất văn minh trong một xã hội hiện đại. Trước đó, dân không thể nghĩ một người dân thấp cổ bé họng cỡ ông Tấn lại có thể từ chỗ bị vướng vào vòng lao lý được minh oan và người ở thế mạnh trong hai đại diện cơ quan quyền lực lại bị đình chỉ công tác chỉ trong vòng vài ngày. Không ít vụ tương tự cũng đã xảy ra, báo chí vào cuộc, dư luận bức xúc nhưng rồi cũng chỉ như đá ném ao bèo với những quy trình và giải thích lòng vòng trong thời gian dài.
Chuyện cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung Bộ cũng cho thấy cả hệ thống chính trị vào cuộc với những giải pháp kịp thời và tích cực: Mua hết cá của ngư dân đánh bắt xa bờ; mời các chuyên gia quốc tế vào xem xét hiện tượng và nghiên cứu đưa ra kết luận khách quan; những vùng biển sạch thì chính lãnh đạo tắm biển, ăn cá, lấy chính bản thân ra chứng minh để tạo niềm tin trong dân.
Điểm qua vài sự kiện đã có trong đời sống gần đây, chúng ta dễ thấy những tín hiệu đáng mừng và hy vọng, bởi sức mạnh mỗi quốc gia phải bắt đầu từ mỗi người dân.