Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, nếu được chẩn đoán và phát hiện sớm (thậm chí từ thời kỳ bào thai) nhiều ca bệnh tim bẩm sinh đã được chữa khỏi hoàn toàn, mang lại kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên còn nhiều những ca tim bẩm sinh đến tuổi trưởng thành mới được phát hiện khi bệnh trở nặng, gây ra những biến chứng và hậu quả nặng nề, là một gánh nặng trong công tác điều trị. Phóng viên báo SK&ÐS đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Lê Ngọc Thành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E - một trong những cây đại thụ của ngành phẫu thuật tim mạch nước nhà về bệnh lý tim bẩm sinh và những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị.
GS.TS. Lê Ngọc Thành.
Phóng viên (PV): GS nhận định thế nào tình hình mắc bệnh tim bẩm sinh (TBS) ở Việt Nam? Những bệnh TBS nào thường hay gặp nhất?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Với tần suất 0,8-1% trẻ sinh ra mắc bệnh TBS, số lượng trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh là không nhỏ. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 12.000-14.000 trẻ ra đời mắc bệnh TBS. Thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch là những bệnh TBS thường gặp nhất. Mức độ nghiêm trọng của bệnh TBS rất khác nhau. Có những dị tật nhẹ có thể không cần điều trị hoặc điều trị rất ít cho tới tuổi trưởng thành. Nhưng cũng có những dị tật nặng và phức tạp, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tới mạng sống của trẻ ngay từ lúc mới sinh. Trong nhiều trường hợp, biến chứng của TBS có thể phát triển khi trẻ đã trưởng thành.
PV:Với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đã và đang được ứng dụng trong y tế, xin GS cho biết thực trạng trong lĩnh vực điều trị TBS hiện nay?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Hiện nay chúng ta phải đối mặt và giải quyết 2 vấn đề: nhóm bệnh nhân TBS đã được phát hiện điều trị từ nhỏ nay đến tuổi trưởng thành, đây là thành quả của việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế như chẩn đoán sớm, thuốc điều trị, tiến bộ ngành gây mê hồi sức, phẫu thuật và can thiệp tim mạch. Có thống kê cho thấy đến nay tỷ lệ này lên đến 85% (so với con số 15% chỉ cách đây vài chục năm). Những bệnh nhân này cần được tiếp tục theo dõi, điều trị, nhiều trường hợp cần đến can thiệp, phẫu thuật lại. Nhóm thứ 2 là các bệnh nhân người lớn có TBS sinh mới được phát hiện lần đầu, bệnh phát hiện muộn khi đã có những hậu quả nặng nề. Nhóm này thường gặp ở những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu của người dân có nhiều hạn chế. Các biến chứng thường gặp là rối loạn nhịp tim, nhiễm khuẩn trong tim (viêm nội tâm mạc), suy tim phổi… Một vấn đề nữa rất quan trọng ở phụ nữ mắc bệnh TBS là vấn đề thai sản.
PV: Như vậy quan điểm “Phụ nữ bị bệnh tim thì không nên lấy chồng, nếu lấy chồng thì không nên sinh con" tưởng đã trở nên lạc hậu và xa rời với quan điểm điều trị của tim mạch hiện đại có lẽ cũng không hoàn toàn sai?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Nhìn chung, đa số phụ nữ có bệnh TBS, nhất là những người đã được theo dõi điều trị chặt chẽ, phẫu thuật sửa chữa, đều có thể mang thai. Tuy nhiên tùy loại tổn thương, mức độ nặng của bệnh, có được chẩn đoán và điều trị hay không... là những yếu tố ảnh hưởng đến việc mang thai. Những phụ nữ bệnh TBS nếu không được khám, chẩn đoán, điều trị; không có được sự tư vấn đầy đủ của chuyên gia y tế khi mang thai có rất nhiều nguy cơ rủi ro. Tôi có thể nêu 2 trường hợp điển hình mới đây:
Ngày 10/8/2016 vừa qua, tại Viện Tim mạch BV Bạch Mai, các y bác sĩ Viện Tim mạch, khoa Sản và khoa Nhi của BV Bạch Mai đã tập trung cấp cứu 1 sản phụ bị suy tim nặng, ngừng tuần hoàn và phải mổ lấy con ngay tại giường cấp cứu. Bệnh nhân bị bệnh TBS có lỗ thông liên thất lớn phát hiện muộn không có khả năng phẫu thuật, nhập Viện Tim mạch Bạch Mai khi đang mang thai tuần thứ 33, tình trạng suy tim phổi rất nặng, ngừng tuần hoàn tiên lượng không qua khỏi. Các bác sĩ phải quyết định cứu đứa trẻ: vừa cấp cứu hồi sinh tim phổi cho mẹ, vừa quyết định mổ gấp lấy thai tại bệnh phòng. Cháu bé hiện đang được chăm sóc hồi sức tích cực. Tại Trung tâm Tim mạch BV E, các bác sĩ cũng vừa phải giải quyết một ca bệnh phức tạp: sản phụ thai lần đầu, có hội chứng Marfan (bệnh lý bẩm sinh do bất thường gene), hậu quả gây hỏng van động mạch chủ nặng, tim giãn to, phồng lớn đoạn động mạch chủ lên trong lồng ngực. Trường hợp này nguy cơ cao tử vong đột ngột cho cả mẹ và thai nhi do suy tim, vỡ khối phồng. Vấn đề áp dụng các biện pháp chẩn đoán và điều trị cũng không hề dễ dàng do nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển thai. Các bác sĩ đã phải hội chẩn các chuyên khoa để lựa chọn phương án phù hợp nhất. Sau ca phẫu thuật kéo dài thay van tim và thay đoạn mạch máu bị phồng bằng mạch nhân tạo, trồng lại hệ thống mạch vành nuôi cơ tim, rất may đến thời điểm này các thầy thuốc đã giữ được sự an toàn cho cả mẹ và con. Đây chỉ là ví dụ 2 trong số rất nhiều các ca bệnh tim bẩm sinh ở người lớn hàng ngày các cơ sở y tế phải giải quyết.
GS.TS. Lê Ngọc Thành cùng ê kíp thực hiện ca phẫu thuật tim nội soi toàn bộ.
PV:Vậy xin GS cho biết làm thế nào để phát hiện sớm những dị tật TBS cũng như các giải pháp điều trị bệnh này?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Hiện nay với những tiến bộ trong kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm, bác sĩ tim mạch có thể làm siêu âm tim cho thai nhi để phát hiện sớm dị tật TBS từ tuần thứ 18 đến tuần thứ 22 của thai kỳ (một số dị tật có thể phát hiện từ tuần thứ 12. Phương pháp chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh sớm có thể giúp các bà mẹ an tâm hơn khi biết thai nhi khỏe mạnh, hoặc tạo cơ hội cho các bà mẹ có thai nhi bị khuyết tật tim và các bác sĩ điều trị có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Rất may mắn là một tỷ lệ lớn bệnh TBS được chữa khỏi hoàn toàn bằng can thiệp, phẫu thuật. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, trong thời gian gần đây các phương pháp can thiệp tim mạch qua da và phẫu thuật nội soi ít xâm lấn được áp dụng rộng rãi cho nhiều loại dị tật TBS.
PV:Trung tâm Tim mạch BV E là nơi tiên phong thực hiện phẫu thuật nội soi ít xâm lấn và hiện cũng là cơ sở đầu tiên trong cả nước tiến hành phẫu thuật tim nội soi hoàn toàn. Điều gì đã khiến trung tâm có bước chuyển mang tính đột phá như vậy, thưa GS?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Có thể nói việc thực hiện được phẫu thuật tim nội soi toàn bộ đã khẳng định khả năng và sự hội nhập các thầy thuốc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển quan trọng của lĩnh vực phẫu thuật tim mạch nước nhà, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người bệnh.
Sau gần 300 ca phẫu thuật ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ điều trị cho bệnh tim bẩm sinh, bệnh van 2 lá, mạch vành..., với sự đầu tư cả về phương tiện cũng như đào tạo nhân lực, học tập và trao đổi kinh nghiệm tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu ở các nước phát triển, trung tâm đã tiến hành phẫu thuật tim nội soi toàn bộ vá lỗ thông liên nhĩ và sửa chữa một số thương tổn đơn giản. Các thao tác mổ được thực hiện chỉ qua các lỗ nhỏ dưới 1,5cm dưới màn hình nội soi; sau mổ gần như không để lại sẹo, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục trở về với sinh hoạt hàng ngày. Phương pháp đã đạt tới cấp độ 3 trên bậc thang 4 cấp độ theo phân loại của hiệp hội phẫu thuật tim ít xâm lấn thế giới (cấp độ 4: phẫu thuật robot, phẫu thuật từ xa), được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!