Trong chẩn đoán
Ứng dụng đầu tiên được triển khai từ năm 2012 tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư là việc sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao lên tới 256 dãy và kỹ thuật chụp PET/CT. Điều này cho phép các bác sĩ phát hiện sớm các tổn thương nhỏ dưới 1cm, phân biệt tổn thương ác tính với các tổn thương khác dựa trên mức chuyển hóa năng lượng của tế bào mà các phương pháp trước đây chưa hoặc không phát hiện được.
Một tiến bộ khác trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện sớm và có thể mang lại cơ hội điều trị khỏi với các khối u đường tiêu hóa là việc áp dụng kỹ thuật nội soi cắt hớt niêm mạc dạ dày và sử dụng máy siêu âm nội soi phế quản kết hợp sinh thiết xuyên vách phế quản trong chẩn đoán các khối u phổi và trung thất.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chẩn đoán giải phẫu bệnh được xem là “tiêu chuẩn vàng”, là xét nghiệm bắt buộc đối với bệnh ung thư. Hiện nay, tại Bệnh viện K ngoài xét nghiệm được thực hiện trên bệnh phẩm mẫu mô đã trở thành thường quy, các bác sĩ giải phẫu bệnh còn thực hiện được hầu hết các xét nghiệm hóa mô miễn dịch nhằm phát hiện các kháng nguyên trên bề mặt tế bào u, phục vụ cho chẩn đoán dòng tế bào, chẩn đoán phân biệt tìm nguồn gốc khối u hay phục vụ cho điều trị nội tiết, điều trị trúng đích, hay xét nghiệm... đánh giá tiên lượng đáp ứng điều trị và chỉ định các thuốc miễn dịch hợp lý.
Máy xạ phẫu hiện đại được áp dụng cho bệnh nhân tại Bệnh viện K.
Trong điều trị
Nút mạch gan sử dụng hóa dầu hoặc hạt vi cầu phóng xạ được áp dụng trong vài năm trở lại đây tại Việt Nam đã mang lại kết quả điều trị tốt cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với các thuốc điều trị đích kháng thụ thể tyrosin kinase như sorafenib, sunitinib, lenvatinib hoặc regorafenib cũng góp phần kéo dài thời gian sống thêm hoặc cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối.
Một hướng đi khác có thể trở thành hướng đi mới trong điều trị ung thư tại Việt Nam là sử dụng hóa chất động mạch gan, tức là đưa hóa chất độc tế bào với liều lượng lớn tới gan thông qua con đường động mạch với mục đích tiêu diệt tế bào ung thư tại gan, làm tăng hiệu quả điều trị và làm giảm thiểu tác dụng không mong muốn tới các tổ chức lành so với phương pháp sử dụng hóa chất toàn thân đường tĩnh mạch.
Một tiến bộ đáng kể khác trong điều trị bệnh ung thư ngày nay là việc áp dụng các phương pháp phẫu thuật hiện đại ít xâm lấn như phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật robot. Nhiều kỹ thuật cao đã được thực hiện dưới bàn tay của đội ngũ phẫu thuật viên lành nghề tại Bệnh viện K như phẫu thuật nội soi tuyến giáp, phẫu thuật tuyến giáp qua đường miệng, vi phẫu soi treo thanh quản trong điều trị ung thư thanh quản hạ họng, phẫu thuật nội soi cắt khối u nền sọ qua đường mũi, nội soi cắt gan 3D, nội soi cắt khối tá tụy.
Xạ trị photon và hạt ion nặng sẽ sớm được triển khai tại Bệnh viện K góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị, đồng thời giảm thiểu tác dụng không mong muốn của xạ trị so với các phương pháp hiện có. Phần lớn những dịch vụ kỹ thuật cao nói trên hiện đã và đang được BHYT chi trả toàn bộ hoặc một phần, vì thế đa phần bệnh nhân Việt Nam có thể tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại sánh tầm khu vực và thế giới với chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế nước ta.
Liệu pháp miễn dịch tự thân là hướng đi mới đang trong giai đoạn tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam cũng cho kết quả bước đầu khá hứa hẹn. Liệu pháp sử dụng chính các tế bào có thẩm quyền miễn dịch của cơ thể như tế bào lympho T, tế bào NK được nuôi cấy trong môi trường ngoài cơ thể rồi truyền trở lại cho người bệnh ung thư nhằm mục đích tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể đã bị suy yếu do tác động của tế bào ung thư, góp phần phòng chống bệnh ung thư tái phát, di căn và có thể hỗ trợ điều trị các khối u ở giai đoạn di căn.