Ung thư dạ dày thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn
Ở Việt Nam, ung thư dạ dày là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 và thứ 3 gây tử vong hàng năm. Điều đáng nói là chẩn đoán ung thư dạ dày ở Việt Nam thường đến ở giai đoạn muộn, đã có di căn.
Theo TS. Nguyễn Việt Long - Khoa Hóa trị Bệnh viện TWQĐ 108, ung thư dạ dày giai đoạn di căn vẫn là nhóm có tiên lượng xấu. Điều trị cơ bản hiện nay là hóa trị chuẩn cho đáp ứng kém và thời gian trung bình sống còn dưới 12 tháng.
Liệu pháp mới hiện nay là sử dụng các thuốc điều trị trúng đích và miễn dịch đã góp cùng với các biện pháp khác, góp phần cải thiện tỉ lệ đáp ứng và thời gian sống thêm.
Chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh sẽ giúp điều trị ung thư dạ dày hiệu quả hơn
Theo PGS.TS.Trịnh Tuấn Dũng - Chủ tịch Hội giải phẫu bệnh - tế bào học Việt Nam, chẩn đoán giải phẫu bệnh trong ung thư là tiêu chuẩn vàng và bắt buộc để chẩn đoán chính xác loại tế bào ung thư, giai đoạn bệnh, các yếu tố tiên lượng... Đây là căn cứ để đánh giá việc phẫu thuật có đúng chỉ định và có đạt yêu cầu hay không. Mặt khác giúp định hướng và lựa chọn các biện pháp điều trị tiếp theo sau phẫu thuật như: hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, điều trị miễn dịch hay điều trị giảm nhẹ...
Theo đó, trong xét nghiệm giải phẫu bệnh thì chất lượng mẫu ban đầu là hết sức quan trọng. Phẫu tích bệnh phẩm là bước đầu tiên và đặc biệt quan trọng để giúp chẩn đoán chính xác, giúp điều trị và tiên lượng tốt cho người bệnh.
Để nâng cao chất lượng chẩn đoán giải phẫu bệnh, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa phẫu thuật viên và bác sĩ giải phẫu bệnh, đặc biệt trong phẫu tích bệnh phẩm và đánh giá tình trạng di căn của các nhóm hạch.
Tuy nhiên, hiện nay bảo hiểm y tế Việt Nam vẫn chưa đảm bảo đủ chi phí cần thiết, để có thể thực hiện đầy đủ các xét nghiệm giải phẫu bệnh theo hướng dẫn chuẩn của quốc tế nên còn rất khó khăn.
Về vai trò của liệu pháp trúng đích và miễn dịch trong điều trị ung thư dạ dày di căn, PGS.TS.Trịnh Tuấn Dũng cho biết, ung thư nói chung, trong đó có ung thư dạ dày, khi đã có di căn thường đã ở giai đoạn muộn. Trong những trường hợp đó thường phải kết hợp điều trị đa mô thức như hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, miễn dịch, giảm nhẹ...
Mặc dù các liệu pháp điều trị trúng đích và miễn dịch trong ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng đã được ứng dụng nhiều và cho thấy có hiệu quả rất tốt, giúp cải thiện cả thời gian sống thêm và chất lượng sống cho người bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân già yếu và bệnh ở giai đoạn muộn.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp điều trị bổ trợ nhằm kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Thời gian đáp ứng cũng chỉ khoảng 20 tháng. Một vấn đề không nhỏ nữa là những thuốc này đều khá đắt tiền, chi phí tốn kém, thường vượt quá khả năng chi trả của người bệnh, trong khi việc thanh toán của bảo hiểm y tế Việt Nam cũng còn hạn chế.
Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm ung thư vẫn là biện pháp quan trọng nhất để giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống.
Ngày 11/11/2023, tại Bệnh viện TWQĐ 108 đã tổ chức hội thảo khoa học về 'Những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị hạch di căn trong ung thư dạ dày'. Hội thảo gồm 3 chuyên đề với 18 báo cáo khoa học gồm các vấn đề nổi trội như: Phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt dạ dày; Giải phẫu bệnh trong ung thư dạ dày; Vai trò hóa chất điều trị di căn hạch ung thư dạ dày; Hóa chất trúng đích và liệu pháp miễn dịch trong điều trị di căn hạch ung thư dạ dày…
Báo cáo của các chuyên gia đầu ngành đã cung cấp những kiến thức mới nhất và những phương pháp tiên tiến nhất để cải thiện khả năng chẩn đoán chính xác mức độ di căn hạch, từ đó quyết định chính xác phương án điều trị.
Mời độc giả xem thêm video:
Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày