Những tiến bộ của khoa học công nghệ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư phổi

07-12-2024 17:57 | Y tế
google news

SKĐS - Phẫu thuật lồng ngực mang lại nhiều cơ hội cứu sống bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại cũng như chiến lược phối hợp đa mô thức đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, tối ưu hóa sự phục hồi và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Đây là nhận định của TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương tại Hội thảo khoa học Cập nhật kiến thức chuyên môn về phẫu thuật lồng ngực được tổ chức sáng 7/12 tại BV Phổi Trung ương. Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch hội phẫu thuật lồng ngực Đông Nam Á GS Punnarerk Thongcharoen; Chủ tịch hiệp hội gây mê tim mạch lồng ngực Thái Lan Gs Sirilak Suksompong và Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam PGS.TS Công Quyết Thắng cùng các chuyên gia phẫu thuật lồng ngực của Thái Lan, BV Phổi Trung ương và các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước.

Những tiến bộ của khoa học công nghệ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư phổi- Ảnh 1.

Giám đốc BV Phổi Trung ương, TS.BSCC Đinh Văn Lượng phát biểu tại hội thảo khoa học Cập nhật kiến thức chuyên môn về phẫu thuật lồng ngực.

Theo GLOBOCAN 2020, ung thư phổi là loại ung thư thường gặp, đứng thứ 2 trên thế giới về số ca mắc mới với trên 2,2 triệu ca (chiếm 11,4%) và là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, năm 2020 ghi nhận 26.200 ca mắc mới (chiếm 14,4%) và 23.700 ca tử vong (chiếm 19,4%) trong các loại bệnh ung thư.

Dù là căn bệnh có số mắc và tử vong cao nhưng chỉ có 15-20% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán sớm, ở giai đoạn 1. Riêng tại BV Phổi Trung ương, mỗi năm thực hiện trên 2000 ca phẫu thuật nội soi phổi, trong đó có nhiều ca mổ phức tạp như phẫu thuật cắt phổi – cắt thùy phổi (400 ca/ năm); phẫu thuật cắt thùy phổi do K phổi nguyên phát (500 ca/ năm); phẫu thuật tràn khí màng phổi (400 ca); phẫu thuật bệnh lý mủ màng phổi (300 ca) và nhiều ca cắt phổi, phẫu thuật u phổi khác...

Chia sẻ tại hội thảo khoa học Giám đốc BV Phổi Trung ương, TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho rằng: "Phẫu thuật lồng ngực là một lĩnh vực đầy thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội để cứu sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm."

Những tiến bộ của khoa học công nghệ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư phổi- Ảnh 2.
Những tiến bộ của khoa học công nghệ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư phổi- Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội thảo Cập nhật kiến thức chuyên môn về phẫu thuật lồng ngực.

Tại BV Phổi Trung ương, các phương pháp phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi, hoặc cắt phổi đã được thực hiện nhiều năm qua và đi vào thường quy. Trong đó phẫu thuật xâm lấn tối thiểu lồng ngực 1 lỗ, 2 lỗ dưới sự hỗ trợ bằng hình ảnh - video (VATS) giúp phẫu thuật viên có thể nhìn thấy chính xác những gì đang diễn ra bên trong lồng ngực mà không cần vết rạch lớn ở lồng ngực hay cắt xương ức. Nhờ thế, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh sau phẫu thuật, giảm biến chứng cho người bệnh, bệnh nhân ít đau hơn, thời gian nằm viện ngắn và giảm chi phí điều trị...

Những tiến bộ của khoa học công nghệ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư phổi- Ảnh 4.

TS.BSCC Đinh Văn Lượng: Ứng dụng các công nghệ hiện đại chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực cũng như chiến lược phối hợp đa mô thức đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, tối ưu hóa sự phục hồi và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

"Với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực cũng như chiến lược phối hợp đa mô thức đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, tối ưu hóa sự phục hồi và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân", TS.BSCC Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.

Tại hội thảo có nhiều báo cáo khoa học được trình bày. Đáng chú ý là báo cáo của GS Punnarerk Thongcharoen – Chủ tịch hội phẫu thuật lồng ngực Đông Nam Á về chủ đề " Phẫu thuật cắt phân thùy phổi " hay báo cáo về "ERAS cho phẫu thuật lồng ngực: góc nhìn từ chuyên gia gây mê" của PGS Sirilak Suksompong – Chủ tịch hội gây mê tim mạch lồng ngực Thái Lan … Ngoài ra, nhiều chuyên gia, bác sĩ của Việt Nam cũng đóng góp các bài báo cáo có giá trị thực tiễn…

Hội thảo khoa học lần này là dịp cho các bác sĩ điều trị, các phẫu thuật viên, chuyên gia lâm sàng … cùng nhau chia sẻ, cập nhật kiến thức khoa học mới nhất liên quan đến điều trị ung thư phổi và phẫu thuật ung thư phổi, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Gần 30% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớmGần 30% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm

SKĐS - Hiện nay, ung thư phổi có tỷ lệ mắc đứng thứ 2 và tỷ lệ tử vong thuộc hàng cao trong các bệnh ung thư ở Việt Nam. Hiện gần 30% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ là giai đoạn sớm.


Hải Yến
Ý kiến của bạn