Hà Nội

Những thuốc nhà bạn không thể thiếu trong mùa mưa lũ

26-06-2018 06:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong và sau mưa lũ có một số bệnh thường gặp như cảm cúm, tiêu chảy, viêm họng cấp (sốt cao, đau họng), bệnh đau mắt đỏ, bệnh sốt vàng da (sốt cao có vàng da kèm theo vàng mắt) hoặc bệnh viêm da...

Nơi tôi đang ở thường xuyên phải đề phòng mưa, lũ quét gây ngập úng và cô lập. Vì vậy, với từng gia đình nên chuẩn bị những loại thuốc gì cần thiết nhất trong khi lũ lụt, mưa to, chưa thể đi khám bệnh được?

Văn Hà (Yên Bái)

Trong và sau mưa lũ có một số bệnh thường gặp như cảm cúm, tiêu chảy, viêm họng cấp (sốt cao, đau họng), bệnh đau mắt đỏ, bệnh sốt vàng da (sốt cao có vàng da kèm theo vàng mắt) hoặc bệnh viêm da... Một số người mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, thoái hóa khớp xương, dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính...), nếu thiếu thuốc cũng trở nên rắc rối.

Khi mưa lũ đến, nhiều gia đình ở trong tình trạng bị lũ bao vây, chia cắt và cô lập thì thật nguy hiểm vì chẳng may mắc bệnh cũng chưa thể đi khám bệnh ngay được. Việc chuẩn bị thuốc trong nhà (chủ yếu là các thuốc thông thường) với mục đích chủ yếu là để giảm triệu chứng ban đầu của bệnh, trong khi chờ đợi đi khám bác sĩ, chứ không phải để tự điều trị bệnh tại nhà.

Loại thuốc thông dụng mà mọi nhà nên có là thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol dạng viên và dạng sủi, dạng phối hợp với một vài hoạt chất khác để trị cảm cúm. Nếu gia đình có trẻ nhỏ thì nên chuẩn bị thêm paracetamol dạng thuốc đạn đặt hậu môn, bảo quản trong tủ lạnh. Liều dùng thuốc phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, với trẻ em phải theo cân nặng, không dùng quá liều, lạm dụng thuốc sẽ gây độc cho gan.

Việc chuẩn bị thuốc trong nhà nhằm giảm triệu chứng ban đầu của bệnh, trong khi chờ đợi đi khám bác sĩ.

Tiêu chảy là bệnh rất hay gặp trong mưa lũ do điều kiện vệ sinh thực phẩm không đảm bao, vì vậy trong gia đình cũng cần có ít nhất vài chục gói oresol, tốt nhất là loại 5,63g/gói, mỗi lần dùng pha một gói vào 200ml nước (đun sôi, để nguội), uống theo hướng dẫn. Mỗi nhà cũng cần chuẩn bị thêm lọ thuốc berberin (kháng sinh trị tiêu chảy có nguồn gốc thực vật) để dùng khi có những biểu hiện bất thường ở cơ quan tiêu hóa.

Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị một số thuốc nhỏ mắt như: nước muối sinh lý, cloramphenicol 1%o hoặc tobrex 0,4%. Một vài týp thuốc mỡ bôi trị bệnh ngoài da (chủ yếu là sẩn ngứa) như: thuốc mỡ tetracyclin, kedermfa, thuốc chống ngứa crotamiton, kem bôi promethazin giảm các triệu chứng dị ứng, nổi mày đay...

Trong gia đình có người bị hen thì cũng nên dự trữ sẵn loại thuốc xịt ventolin để dự phòng cơn hen cấp. Đồng thời nên chẩn bị loại thuốc bricanyl sirô. Thuốc dùng cho trẻ em hoặc người già bị ho do hen phế quản, viêm phế quản, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính, người bị khí phế thũng...

Với gia đình có người bệnh tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, bệnh dạ dày hoặc đái tháo đường, cần chuẩn bị các thuốc đã uống thường ngày, theo đơn của bác sĩ, nên mua thêm vài ba liều dự phòng.

Lưu ý, các thuốc cần bảo quản thật tốt như cho vào túi nilông, buộc kín, để trên cao, tránh ẩm mốc sẽ gây hỏng thuốc hoặc mưa lũ cuốn trôi. Mọi người cũng cần biết, việc dùng thuốc chỉ để làm giảm nhẹ dấu hiệu bệnh. Khi có bệnh, nên cố gắng đi khám bệnh để được hướng dẫn dùng thuốc và theo dõi cụ thể, không tự ý dùng thuốc bừa bãi, rất dễ gặp tác dụng phụ nguy hiểm.


DS. MINH THÀNH
Ý kiến của bạn