Người mắc bệnh hen phế quản - một chứng bệnh có căn nguyên dị ứng, nên cơ địa họ rất nhạy cảm với các loại thuốc điều trị. Do vậy, người bệnh hen nên biết mình cần tránh những loại thuốc nào để không làm trầm trọng thêm cơn hen và việc dùng thuốc điều trị các bệnh khác vẫn có hiệu quả.
Thuốc kháng sinh
Nhóm kháng sinh penicillin (ampicillin, amoxicilin, cloxacillin...), cephalosporin các thế hệ hoặc nhóm aminoglycosid (streptomycin, neomycin, amikacin, gentamycin, tobramycin…) là những kháng sinh dễ gây dị ứng. Các bệnh nhân hen phế quản thường mang cơ địa dị ứng với nhiều bệnh dị ứng đi kèm như viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn..., do đó, cần thận trọng dùng những nhóm kháng sinh này. Thay vào đó có thể lựa chọn điều trị bằng các loại kháng sinh ít có nguy cơ dị ứng như nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, azithromycin), quinolon (ofloxacin, ciprofloxacin, levofloxacin...).
Theophyllin
Theophyllin là hoạt chất có tác dụng giãn phế quản, được sử dụng rộng rãi trong điều trị hen. Người bệnh hen rất cần đến thuốc giãn phế quản. Tuy nhiên, liều điều trị và liều gây độc của thuốc theophyllin rất gần nhau, do vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Hơn nữa, thuốc có nguy cơ tương tác với nhiều loại thuốc khác như kháng sinh nhóm macrolid, quinolon, các thuốc kháng histamin H2 làm tăng độc tính của thuốc. Do đó, việc sử dụng theophyllin cho bệnh nhân hen cần hết sức thận trọng, bảo đảm đúng liều và phải được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các biểu hiện ngộ độc thuốc.
Thuốc an thần
Các thuốc an thần giãn cơ như diazepam, lorazepam có thể gây ức chế trung tâm hô hấp và giảm trương lực cơ hô hấp, từ đó làm cho tình trạng hen nặng lên. Do đó, người bệnh hen nên thận trọng khi dùng các thuốc an thần. Đặc biệt, không nên sử dụng các thuốc an thần trong cơn hen cấp.
Aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid
Aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như piroxicam, ketoprofen, ibuprofen, indomethacin thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý như viêm khớp, đau đầu... Tác dụng ngoại ý của các thuốc này là có thể gây co thắt phế quản và làm khởi phát các cơn hen nặng, đặc biệt là ở những người bệnh hen có kết hợp với viêm xoang và polyp cuốn mũi, các cơn hen nặng sẽ rõ rệt hơn. Các thuốc này có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hen cho một số trường hợp không có bệnh hen trước đó có thể xuất hiện các triệu chứng của hen sau khi dùng thuốc. Nguy cơ phản ứng của các thuốc này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng dùng và mức độ nhạy cảm của từng cá nhân. Các phản ứng đối với aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid có biểu hiện tương đối giống nhau, các cơn hen cấp thường xuất hiện khoảng một giờ sau uống thuốc, sau đó xuất hiện chảy nước mũi, đỏ mắt và nổi ban đỏ ở đầu và cổ. Những phản ứng này có thể rất nguy hiểm, một liều duy nhất của các thuốc này có thể gây co thắt phế quản nặng, sốc, mất ý thức và ngừng thở. Các phản ứng này ít xảy ra ở người trẻ tuổi mà thường xuất hiện sau tuổi 30 - 40, rồi tồn tại đến hết đời. Do vậy, khi có nhạy cảm với aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid, bệnh nhân hen cần tránh tiếp xúc với tất cả các thuốc này. Nếu buộc phải sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau, nên sử dụng các thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc men cyclooxygenase 2 (COX-2) như rofecoxib, nimesulid. Việc điều trị giảm mẫn cảm với các thuốc này có thể được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa nếu cần thiết.
Thuốc kháng histamin H1
Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ cũ như chlorpheniramin, diphenhydramin thường được dùng trong điều trị các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, mày đay. Các thuốc này làm giảm tiết dịch đường hô hấp và thường gây ra quánh đờm, từ đó ảnh hưởng không tốt đến tình trạng hen.
Thuốc dùng trong bệnh tim mạch
Các thuốc ức chế men chuyển: Các thuốc ức chế men chuyển như captopril, enalapril, perindopril thường được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, suy tim... Do có khả năng gây ho khan ở khoảng gần 1/3 số người sử dụng thuốc nên việc dùng các thuốc này ở bệnh nhân hen cần thận trọng vì phản ứng ho là một hoạt động gắng sức và có thể gây khó thở cho người bệnh.
Thuốc chẹn bêta giao cảm: Các thuốc chẹn bêta giao cảm không đặc hiệu như propranolol, nadolol được dùng trong điều trị một số bệnh lý như tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhịp tim nhanh, thiên đầu thống... Các thuốc này có thể gây ra co thắt phế quản theo cơ chế thần kinh (kể cả ở dạng nhỏ mắt), nên cần tránh sử dụng cho các bệnh nhân hen. Nếu bắt buộc phải sử dụng, nên lựa chọn những thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc receptor bêta 1 giao cảm như metoprolol, artenolol... ít có nguy cơ gây co thắt phế quản.
Nếu không có thuốc khác thay thế, việc dùng các thuốc trong điều trị bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân hen cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các tác dụng phụ và kịp thời ngừng thuốc.
DS. Minh Đức