Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn này, trong đó có việc sử dụng một số thuốc điều trị mà người bệnh không biết đến những tác dụng có hại hoặc không thận trọng khi tham gia giao thông.
Vì sao thuốc trị bệnh lại là nguyên nhân gây tai nạn?
Lái xe là một kỹ năng phức tạp, đòi hỏi người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông cần có sự tập trung cao độ để xử lý tốt các tình huống bất ngờ xảy ra, vì nếu không rất dễ gây tai nạn cho bản thân và người khác.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này liên quan đến những thay đổi trong thể chất, tình cảm, nhận thức và tinh thần, trong đó có việc lạm dụng các thức uống có cồn làm chủ phương tiện rơi vào trạng thái say xỉn, lơ mơ, giảm tỉnh táo và việc sử dụng một số loại thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương. Các loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe an toàn của người tham gia giao thông bao gồm buồn ngủ, khó tập trung, giảm nhận thức, giảm khả năng quan sát, phán đoán, thời gian phản ứng chậm và giảm các kỹ năng lái xe cơ bản khác.
Một số thuốc có tác dụng an thần, gây ngủ, chóng mặt... sẽ không an toàn cho người tham gia giao thông.
Những thuốc nào gây ra tác dụng tiêu cực này?
Nhóm thuốc an thần, gây ngủ (benzodiazepine - BZDs): bao gồm chlordiazepoxide, diazepam, oxazepam… Đây là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi, thường để trị các chứng lo âu, căng thẳng, mất ngủ và hoảng loạn. Bệnh nhân nên được kê đơn các thuốc này vào buổi chiều tối bằng loại thuốc có tác dụng ngắn nhất khi có thể. Vì một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng benzodiazepin tác dụng dài có thể làm giảm chức năng tâm thần vận động đến tận ngày hôm sau. Bệnh nhân thường không ý thức được các thuốc này có thời gian bán hủy kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương trong một thời gian dài, làm suy giảm thị lực, khiếm khuyết trong việc phối hợp các kỹ năng và nhận thức, đặc biệt trong thời gian 4 - 5 giờ sau khi sử dụng thuốc.
Nhóm thuốc kháng histamin: Được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong điều trị các bệnh dị ứng (viêm mũi dị ứng, mày đay cấp tính, ngứa do dị ứng, côn trùng đốt, ban đỏ…). Một số thuốc histamin thế hệ 1 (promethazin hydroclorid, clorpheniramin maleat, brompheniramin maleat, diphenhydramin hydroclorid, hydroxyzin hydroclorid…) qua được hàng rào máu - não nên có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương làm an thần, gây ngủ, do đó còn được chỉ định trong các trường hợp say tàu xe, chống buồn nôn.
Nhóm thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm rất phổ biến và có thể có tác động tích cực đối với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều thuốc chống trầm cảm cũng gây ra một số tác dụng không mong muốn có thể có tiềm năng làm ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện giao thông của người sử dụng.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) như nortriptylin, amitriptylin, imipramin, clomipramin… gây buồn ngủ, chóng mặt, tăng gấp đôi tầm nhìn, mờ mắt, nhịp tim nhanh hay loạn nhịp. Loại thuốc này cũng được ghi nhận liên quan đến việc làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (fluoxetin, paroxetin, sertralin…) và các thuốc khác như trazodon hoặc nefazodon đã được ghi nhận có mối liên quan giữa liều dùng và tốc độ phản ứng của người điều khiển phương tiện giao thông.
Thuốc hạ huyết áp: Do đặc tính hạ huyết áp, loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như hạ huyết áp tư thế gây choáng váng, chóng mặt, mệt mỏi làm cản trở quá trình lái xe. Ngoài ra, nhóm beta-blocker và nhóm hủy giao cảm như clonidin, guanfacin và methyldopa có thể gây buồn ngủ, lú lẫn hoặc mất ngủ.
Thuốc giảm đau: Các thuốc nhóm opiates như morphin, codein, fentanyl, tramadol… gây buồn ngủ, chóng mặt và mất phương hướng. Tuy nhiên, có rất nhiều loại thuốc OTC, chẳng hạn như ibuprofen, không gây buồn ngủ và chóng mặt, nhưng có thể làm giảm cơn đau của bạn, gián tiếp làm bạn cảm thấy thoải mái nhưng điều này có thể làm giảm sự phối hợp và thời gian phản xạ của bạn. Khi bạn bị đau, bạn tiêu tốn rất nhiều năng lượng để đối phó với nó nhưng khi cơn đau giảm xuống, bạn cảm thấy như kiệt sức.
Thuốc hạ đường huyết: Những bệnh nhân đang sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường như insulin, sulfonylurea… cần lưu ý tác dụng phụ hạ đường huyết có nguy cơ xảy ra nếu bạn điều khiển phương tiện giao thông sau khi dùng thuốc. Các dấu hiệu nhận biết khi hạ đường huyết: rối loạn thị giác, nhìn mờ, mất ý thức, tim đập nhanh, lo lắng, ra mồ hôi…
Cách phòng tránh tai nạn giao thông khi dùng thuốc
Khi uống bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần đọc kỹ những thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và cần đặc biệt chú ý đến các thuốc có ghi lưu ý thận trọng với người lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể hỏi bác sĩ để chắc chắn về ảnh hưởng của thuốc cũng như các tương tác thuốc nếu phải sử dụng cùng lúc nhiều loại khác nhau để được tư vấn khi thường xuyên phải điều khiển phương tiện giao thông. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ giúp bạn giảm thiểu những tác động tiêu cực của thuốc đến việc lái xe bằng nhiều cách như điều chỉnh liều lượng, điều chỉnh thời gian sử dụng thuốc, thay đổi lối sống để giảm nhu cầu sử dụng thuốc, lựa chọn thuốc ít tác dụng lên hệ thần kinh trung ương.
Đối với bản thân, người bệnh không nên lái xe sau khi sử dụng một thuốc mới vì một số phản ứng không mong muốn có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát, không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ và cần theo dõi tình trạng cơ thể sau khi sử dụng thuốc, nếu có cảm giác buồn ngủ, mất tỉnh táo, phản ứng chậm, chóng mặt… thì nên ngừng điều khiển phương tiện giao thông; nếu có thể, nên sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi nhờ xe...