Những thực phẩm Tết dễ gây ngộ độc

06-02-2016 19:52 | Đời sống
google news

SKĐS - Có một số loại thực phẩm rất phổ biến và bổ dưỡng cho cơ thể nhưng nhiều khi lại có thể ẩn chứa những chất độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người lỡ ăn phải.

Có một số loại thực phẩm rất phổ biến và bổ dưỡng cho cơ thể nhưng nhiều khi lại có thể ẩn chứa những chất độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người lỡ ăn phải. Dưới đây là những thực phẩm rất được ưa chuộng trong các gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về nhưng có khả năng ngộ độc cao nếu không biết chế biến và sử dụng đúng cách.

Khoai tây

Có lẽ khoai tây là một loại củ phổ biến nhất trên thế giới dùng làm thức ăn và được hầu như tất cả các dân tộc ưa chuộng bởi giàu chất dinh dưỡng, dễ chế biến và có thể làm được nhiều món ăn từ đơn giản đến phức tạp, hợp khẩu vị đối với mọi đối tượng. Theo một số tài liệu, khoai tây có nguồn gốc từ Peru, sau đó được trồng rộng rãi ở châu Âu và các nước khác, khoai tây được đưa vào Việt Nam năm 1890 và hiện nay đang là một trong những cây lương thực chủ lực được người dân ưa thích.

Độc chất trong cây khoai tây có tên gọi là glycoalkloids (chaconin, solanin). Chất này không có trong củ khoai, chỉ có nhiều trong mầm củ, trong lớp vỏ xanh của củ khi tiếp xúc với ánh nắng và một phần nhỏ trong lá, rễ. Trong củ khoai tây bình thường có 12 - 20mg/kg glycoalkaloid, củ khoai tây có mầm là 250 - 280mg/kg, trong củ khoai tây vỏ xanh là 1.500 - 2.200mg/kg. Liều gây tử vong của solanin vào khoảng 0,2g cho một người nặng 50kg. Triệu chứng của ngộ độc biểu hiện vài giờ sau khi ăn bao gồm đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, đồng tử giãn, rối loạn ý thức, hôn mê; loạn nhịp tim, tổn thương gan cấp. Các biện pháp điều trị thông thường có thể áp dụng như rửa dạ dày, cho than hoạt, bồi phụ nước, điện giải, hồi sức hô hấp, tuần hoàn. Nhìn chung, ngộ độc khoai tây rất hiếm gặp và các triệu chứng thường nhẹ, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị.

Dự phòng ngộ độc khoai tây rất dễ dàng thông qua việc gọt vỏ kỹ, loại bỏ phần gốc mầm ở những củ khoai đã lên mầm. Nấu chín khoai ở nhiệt độ cao trên 1700C cũng làm cho các chất độc phân hủy và mất độc tính.

Măng

Măng là một món ăn hết sức quen thuộc với người dân nước ta, có mặt trên bàn ăn từ những bữa ăn thông thường cho đến các bữa tiệc, từ nông thôn cho đến thành thị và hầu như được tất cả mọi người ưa thích. Trong măng có chứa một chất có độc tính tương tự như sắn, đó là chất acid cyanhydric (HCN) nhưng hàm lượng cao hơn nhiều (khoảng trên dưới 300mg/100g tươi tùy từng loại măng). Người nặng khoảng 50kg ăn phải khoảng 20mg chất này sẽ bị ngộ độc và 50mg sẽ tử vong. Triệu chứng của ngộ độc măng tương tự như ngộ độc sắn nhưng thường nhẹ và hiếm gặp hơn có lẽ do măng thường được chế biến rất kỹ (ngâm, luộc, phơi khô nhiều lần) trước khi ăn, cho nên mặc dù nồng độ HCN cao hơn sắn, chất độc này gần như đã được loại bỏ. Phòng tránh ngộ độc măng bằng cách chế biến kỹ trước ăn, không nên ăn các loại măng đắng, măng được sơ chế chưa đảm bảo... hoặc ăn quá nhiều măng đắng, măng tươi ngâm, vào lúc đói bụng.

Dứa

Dứa (miền Nam gọi là khóm, thơm) cũng là một loại quả ngon và thông dụng. Đây là cây bản địa của Paraguay và miền Nam Brasil. Quả dứa thực ra là trục của hoa dứa còn quả thật là các “mắt” dứa. Dứa có thể ăn tươi hoặc đóng hộp với thành phần dinh dưỡng cao như đường, các vitamin, khoáng chất.

Ngộ độc dứa tương đối hay gặp mặc dù trong quả dứa không có thành phần nào là độc chất. Có một số nghiên cứu cho rằng chất gây ngộ độc trong dứa là các loại nấm mốc sống kí sinh trên quả dứa bởi vì đa số bệnh nhân bị ngộ độc dứa có phản ứng dương tính với giống nấm Candida tropicalis khi làm test nội bì. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, triệu chứng ngộ độc dứa giống như một phản ứng dị ứng với các biểu hiện nhanh và nặng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; ngứa, nổi mẩn ngoài da, co thắt phế quản kiểu hen và nặng nề nhất là sốc kiểu phản vệ: ngay sau khi ăn dứa, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đánh trống ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Điều trị ngộ độc dứa là điều trị các biểu hiện dị ứng và sốc phản vệ nếu có. Các biện pháp bao gồm truyền dịch nâng huyết áp, cho corticoid và adrenalin theo phác đồ nếu bệnh nhân quá nặng. Để tránh ngộ độc, khi ăn nên chú ý gọt vỏ kỹ (nhất là phần mắt dứa), không nên ăn dứa đã cất giữ lâu ngày, dứa đã bị nẫu, ủng để đảm bảo an toàn.

BS. Vũ Phương Anh


Ý kiến của bạn