PGS.TS Lê Bạch Mai cho rằng, tình trạng bệnh nhân tim mạch nói chung và đặc biệt là bệnh nhân thiếu máu cơ tim có liên quan nhiều đến vấn đề cộng đồng hiện nay là dinh dưỡng không hợp lý, trong đó có vấn đề thừa cân béo phì gia tăng hết sức nhanh chóng. Đây là thực trạng đáng báo động.
“Nghiên cứu của chúng tôi tại Quận Hai Bà Trưng thì có đến 30% trẻ ở tuổi tiểu học thừa cân béo phì bị rối loạn lipid máu. Đó là nguy cơ - thậm chí chưa đến tuổi trưởng thành đã mắc các bệnh tim mạch rồi. Bên cạnh đó là yếu tố môi trường sống, học sinh thiếu chỗ chơi, người đi bộ thiếu chỗ đi bộ, áp lực công việc và cuộc sống khiến nhiều người không có thời gian vận động, ngại vận động gây tích lũy mỡ dư thừa...”- chuyên gia dinh dưỡng nói.
PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Do đó, vấn đề bữa ăn, lối sinh hoạt hàng ngày rất quan trọng đối với việc phòng bệnh thiếu máu cơ tim. Trên thực tế, rất nhiều người luôn tìm kiếm cho mình những loại thực phẩm được cho là tốt nhất cho một trái tim khoẻ mạnh. Tuy nhiên, theo PGS. Mai, không có loại thực phẩm nào là tốt nhất với trái tim của bạn mà chỉ có bữa ăn tốt nhất, đó là sự kết hợp đa dạng, cần phối hợp 5/8 nhóm thực phẩm trong một bữa ăn và nên có 15 loại thực phẩm trong một bữa ăn. Chỉ khi có sự kết hợp như vậy thì chúng ta mới có bữa ăn tốt nhất.
“Với hệ tim mạch cần đủ các loại vitamin, chất khoáng, tăng cường ăn rau xanh và quả chín để giữ thành mạch tốt. Không nên ăn nhiều đồ ngọt, không ăn nhiều chất béo dư thừa năng lượng, không nên ăn mặn. Hiện nay điều đáng báo động là lượng tiêu thụ muối của người Việt cao hơn gấp đôi so với khuyến cáo, điều này rất nguy hiểm vì ăn mặn dễ tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh tim mạch rất cao…”- PGS. Mai tư vấn.
1. Nhóm lương thực: Gạo, ngô, khoai, sắn…
2. Nhóm hạt các loại: Đậu, đỗ, vừng, lạc…
3. Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa.
4. Nhóm thịt các loại, cá, tôm, cua, ốc, hến…
5. Nhóm trứng các loại.
6. Nhóm củ quả có màu vàng, màu da cam, màu đỏ như: Cà rốt, bí ngô, gấc… hoặc rau màu xanh thẫm.
7. Nhóm rau quả khác
8. Nhóm dầu, mỡ
Các bệnh nhân khi đang điều trị thiếu máu cơ tim thì có một số món ăn bài thuốc như cháo sơn tra, hà thủ ô… có tác dụng rất tốt cho người bệnh. PGS. Mai cho rằng, cháo cũng là một bữa ăn được chế biến dưới dạng lỏng hơn, mềm hơn, tốt cho người tim mạch. Với cháo sơn tra, trong quả sơn tra ngoài việc có nhiều dầu, chất đạm, đường, lipid thì còn giàu vitamin C và beta Caroten, giàu oxy hóa giúp làm bền thành mạch hơn. Trong quả này giàu canxi, giàu sắt cần cho quá trình vận mạch, tăng đào thảo natri…
Hà thủ ô với vấn đề tim mạch cũng khá tốt giúp kiểm soát được lượng cholesterol và giảm cholesterol xấu, tăng nhẹ lượng máu đến tim nên tốt cho người thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên khi ăn cần lưu ý không dùng tỏi, gia vị kích thích chung với cháo hà thủ ô sẽ làm mất tác dụng.
Ở người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ đã đặt stent mạch vành, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, vấn đề quan trọng là làm sao cho thành mạch luôn được lưu thông, do đó, trong chế độ ăn cần lưu ý hàm lượng vitamin C. Nếu hàm lượng vitamin C thấp khiến co giãn thành mạch kém dễ tạo vữa xơ động mạch. Nên ăn nhiều cam, bưởi, thanh long, chọn rau xanh thẫm nhất là rau ngót rất tốt cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ đã đặt stent mạch vành.
Cách tính BMI cho người lớn (trên 20 tuổi) được tính như sau:
BMI = trọng lượng cơ thể (kg) / chiều cao x chiều cao (m).
Đối với trẻ em có cách tính cân nặng theo tuổi và có cách tính giữa chiều cao và cân nặng. Nhưng với trẻ em thì khó kiểm soát hơn vì vậy, gia đình cần phối hợp với nhà trường để có bữa ăn hợp lý đảm bảo sức khoẻ cho trẻ và không bị béo phì. Ví dụ như trẻ em dưới 6 tuổi thì cần chất béo nhiều hơn người lớn. Nhưng vấn đề là làm sao lựa chọn chất béo tốt, hạn chế chất béo ăn sẵn.