Những thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày- thực quản

SKĐS - Trào ngược dạ dày-thực quản là căn bệnh có xu hướng ngày càng tăng trong xã hội hiện đại, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Trong điều trị bệnh, ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống, sinh hoạt có vai trò rất quan trọng.

1. Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt làm giảm các triệu chứng bệnh

Trào ngược dạ dày-thực quản là căn bệnh gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Khi có dấu hiệu trào ngược dạ dày-thực quản, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị phù hợp. Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt là biện pháp đầu tiên có khả năng giúp làm giảm các triệu chứng trào ngược hiệu quả.

Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Xanh Pôn, trào ngược dạ dày-thực quản là tình trạng bệnh lý xảy ra do sự trào ngược dịch axit từ dạ dày lên thực quản gây ra các triệu chứng khó chịu như: ợ nóng, ợ trớ, viêm họng kéo dài.

Bệnh kéo dài có thể gây nên các hậu quả nghiêm trọng như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.

Trong điều trị bệnh, ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống, sinh hoạt có vai trò rất quan trọng. Người bệnh cần kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì thông qua chế độ ăn, chế độ vận động, thể dục thường xuyên. Khi ngủ nên gối cao đầu. Tránh mặc quần áo quá chật…

Cách ăn uống giúp kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày-thực quản - Ảnh 2.

Tình trạng trào ngược dịch axit từ dạ dày lên thực quản gây triệu chứng khó chịu.

2. Nên ăn uống thế nào để kiểm soát bệnh?

2.1. Thực phẩm nên ăn

Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh nên ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, đạm dễ hấp thu như: rau xanh, trái cây, cá, trứng, thịt gia cầm bỏ da, hải sản…

Nên ăn các món luộc, hấp, thay vì chiên, xào. Bổ sung chất xơ, uống đủ nước để phòng tránh táo bón.

2.2. Thực phẩm nên tránh

Nên tránh các loại đồ ăn nhiều chất béo như: mỡ động vật, đồ ăn chiên, xào, rán, thực phẩm chế biến sẵn, sô cô la, bơ, bánh kem; Đồ ăn gây kích ứng dạ dày, thực quản như: cà phê, trà, gia vị mạnh như tiêu, ớt, mù tạt…

Hạn chế ăn một số loại quả có múi như chanh, bưởi, cam, các loại quả chua; Đồ uống có gas, nước ngọt đóng chai; Đồ ăn giàu tinh bột tinh chế như bột mì tinh chế…

Cách ăn uống giúp kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày-thực quản - Ảnh 3.

Người bệnh trào ngược dạ dày-thực quản nên hạn chế đồ ăn nhiều chất béo.

2.3. Ăn đúng cách

Người bệnh nên chia nhỏ bữa trong ngày, không nên ăn quá nhiều mỗi bữa. Hạn chế đồ ăn lỏng, không nên uống quá nhiều nước, mỗi lần (dưới 200ml) và nên uống nước giữa các bữa ăn.

Ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn vội vàng hay uống nước bằng ống hút để tránh nuốt nhiều khí vào đường tiêu hoá.

Đi bộ nhẹ nhàng sau ăn 30 phút giúp dễ tiêu hoá. Lưu ý không vận động gắng sức hay chạy sau ăn.

Không ăn sát giờ đi ngủ. Chỉ ngủ sau khi ăn ít nhất 3 giờ. Nên tránh các tư thế dễ gây trào ngược như gập người ra trước, nằm ngửa sau ăn.

3. Một số thực phẩm tốt cho người bị trào ngược dạ dày-thực quản

3.1. Rau và trái cây

Rau và trái cây là một lựa chọn an toàn cho người bị trào ngược dạ dày-thực quản vì chúng giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và có khả năng chống viêm hiệu quả.

Người bệnh nên ăn các loại rau quả như: cải xoăn, dưa chuột, khoai lang, khoai tây, cà rốt, bí ngô; dưa, chuối, quả bơ, việt quất, mâm xôi… Hạn chế các loại trái cây có múi họ cam quýt và nước trái cây vì chúng thường chứa nhiều axit.

3.2. Yến mạch

Chất xơ là một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho hệ tiêu hóa. Khi bạn tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống, quá trình tiêu hóa và làm rỗng dạ dày diễn ra nhanh hơn, giúp phòng ngừa táo bón.

Ăn nhiều chất xơ cũng có thể giúp giữ cho cơ thắt thực quản dưới không mở ra và có thể giúp di chuyển thức ăn nhanh hơn để giảm áp lực và chướng bụng trong dạ dày của bạn.

Người bệnh nên tăng cường chất xơ từ rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt. Đặc biệt, yến mạch là một trong những loại thực phẩm tốt giàu chất xơ lành mạnh, được hấp thụ tốt trong dạ dày, nhờ đó cải thiện tình trạng axit trào ngược lên thực quản.

Cách ăn uống giúp kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày-thực quản - Ảnh 5.

Yến mạch giàu chất xơ tốt cho người bị trào ngược dạ dày-thực quản.

3.3. Sữa chua

Sữa chua rất tốt cho sức khỏe của hệ tiêu hóa, cung cấp những vi khuẩn có lợi cho đường ruột, tạo điều kiện hấp thu tốt các chất dinh dưỡng đồng thời tránh được các hiện tượng khó tiêu, đầy bụng do bệnh dạ dày gây ra.

Người bệnh nên chọn sữa chua nguyên chất không đường, sữa chua ít béo, không ăn kèm sữa chua với các loại trái cây giàu tính axit vì sữa chua nhiều đường, nhiều chất béo và trái cây giàu tính axit có thể khiến tình trạng trào ngược trở nên trầm trọng hơn.

3.4. Trà gừng

Gừng rất giàu chất chống ôxy hoà và các hợp chất như phenolic có tác dụng làm giảm kích ứng đường tiêu hóa và làm giảm các cơn co thắt dạ dày, nên có thể làm giảm khả năng axit ngược từ dạ dày lên thực quản.

Uống trà gừng có thể hỗ trợ tiêu hóa bằng cách kích thích nước bọt và các enzym trong dạ dày, giúp loại bỏ khí dư thừa và làm dịu đường ruột, giúp cải thiện triệu chứng trào ngược axit dạ dày thực quản và làm giảm buồn nôn hiệu quả.

4 triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản dễ bị lầm tưởng sang bệnh khác4 triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản dễ bị lầm tưởng sang bệnh khác

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị dạ dày đẩy ngược lên thực quản. Bệnh có nhiều biểu hiện không điển hình thế nên cần phân biệt với một số loại bệnh khác để tránh nhầm lẫn.

Xem thêm video đang được quan tâm

5 Lợi ích sức khỏe hàng đầu của hành tây.


Kim Ngân
Ý kiến của bạn