Những thủ thuật ngoại khoa kỳ diệu và dị thường

17-11-2016 19:35 | Thông tin dược học

SKĐS - Năm 1967, ca ghép tim người đầu tiên được thực hiện. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, phẫu thuật này đã cứu mạng sống của khoảng 5.000 người trên toàn thế giới mỗi năm.

Năm 1967, ca ghép tim người đầu tiên được thực hiện. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, phẫu thuật này đã cứu mạng sống của khoảng 5.000 người trên toàn thế giới mỗi năm. Đây chỉ là một ví dụ về hàng ngàn thủ thuật ngoại khoa đang thay đổi cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại 5 trong số những thủ thuật ngoại khoa kỳ lạ và khó tin nhất cho đến nay.

Phẫu thuật tạo hình xoay: Biến khớp cổ chân thành khớp gối

Phẫu thuật tạo hình xoay là một dạng đặc biệt của phẫu thuật tạo hình cho phép sử dụng khớp cổ chân làm khớp gối. Mục đích chính của tạo hình xoay là loại bỏ hoàn toàn khối u, nhưng theo cách cho phép đứa trẻ có lối sống tích cực, mà sẽ không có được nếu cắt bỏ chi hoàn toàn.

Một ví dụ tuyệt vời về sự thành công của phẫu thuật là trường hợp bé gái 14 tuổi Gabi Shull sống ở Missouri. Lúc 9 tuổi, Gabi được chẩn đoán sarcom xương đầu gối. Khối u không thể mổ và sau 12 tuần của hóa trị, Gabi và cha mẹ quyết định chọn phẫu thuật tạo hình xoay. Chỉ 1 năm sau phẫu thuật, Gabi đã có thể đi lại được và 2 năm sau, em đã tham gia thi khiêu vũ. “Ca mổ đã cho phép cháu làm được nhiều hơn mong đợi, cháu sẽ không bao giờ quay trở lại và thay đổi điều này”, em chia sẻ.

Osteo-odonto-keratoprosthesis: Phục hồi thị lực bằng... răng

Thường được gọi là phẫu thuật “răng trong mắt”, osteo-odonto-keratoprostheisis (OOKP) đúng như tên gọi - sử dụng răng để phục hồi thị lực của bệnh nhân.

Được mô tả lần đầu tiên trong năm 1960 bởi GS. Benedetto Strampelli, Bệnh viện San Camillo ở Ý, OOKP có thể sử dụng cho những bệnh nhân bị mù do tổn thương giác mạc không thể phục hồi và các phương pháp điều trị khác thất bại.

Phẫu thuật lấy răng nanh hoặc răng cửa của bệnh nhân và xương xung quanh; kỹ thuật sử dụng răng của bệnh nhân vì cơ thể sẽ không có khả năng từ chối nó. Sau đó răng được khoan một lỗ và đưa thấu kính bằng chất dẻo vào.

Cấu trúc răng - giác mạc sau đó được cấy vào má của bệnh nhân, ở đó nó sẽ phát triển các mạch máu mới trong một vài tháng. Sau đó cấu trúc này được lấy ra từ má và cấy vào mắt. Ánh sáng có thể đi qua thấu kính, phục hồi thị lực của bệnh nhân.

Năm 2013, tờ The Telegraph đưa tin về một người đàn ông người Anh Ian Tibbetts đã lấy lại được ánh sáng cho đôi mắt mình sau khi thực hiện OOKP.Khoảng 312,9 triệu ca mổ đã được thực hiện trên khắp thế giới trong năm 2012. (Ảnh minh họa)

Khoảng 312,9 triệu ca mổ đã được thực hiện trên khắp thế giới trong năm 2012. (Ảnh minh họa)

Cắt bán phần não (hemispherectomy): Cắt bỏ một nửa bộ não để điều trị động kinh

Cắt bán phần não bao gồm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ hoặc ngắt kết nối của một trong hai bán cầu não. Đây được xem là một phẫu thuật triệt để, có thể mất đến 12 giờ để hoàn thành.

Phẫu thuật thường được thực hiện trên những người bị rối loạn thần kinh gây co giật ở một bên não. Những rối loạn này bao gồm động kinh nặng, đột quỵ chu sinh, phì đại một nửa não (hemimegalencephaly), bệnh Sturge-Weber-Dimitri (đặc trưng bởi các vết bớt trên mặt, tăng nhãn áp và co giật) và viêm não Rasmussen (viêm vỏ não).

Theo The Hemispherectomy Foundation, cắt não bán phần là hiệu quả nhất ở trẻ em, vì nửa não còn lại có thể bù đắp cho một số chức năng bị mất khi cắt bỏ nửa kia. Bệnh nhân mổ cắt bán phần não sẽ bị liệt nửa người ở bên đối diện với bên não cắt bỏ và thường mất cảm giác hoặc chức năng của bàn tay, ngón tay. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lợi ích của phẫu thuật lớn hơn những nguy cơ và tác dụng phụ.

Ví dụ về một ca cắt bán phần não thành công là trường hợp cô gái 17 tuổi tên là Karley Miller ở Úc, đã phẫu thuật để ngăn những cơn co giật hàng ngày do động kinh. Quyết định phẫu thuật triệt để của cô gái được thúc đẩy bởi một cơn co giật kéo dài 9 tiếng rưỡi. “Tôi không thể đi bất cứ nơi nào mà không có mẹ theo sau vài bước, thậm chí tôi không được chốt cửa phòng tắm vì nhỡ ra tôi lên cơn co giật mà không ai đến được”, Karley chia sẻ trên tờ The Daily Mail trước đây một năm.

Tuy gặp một số tác dụng phụ từ ca mổ, song Karrley không còn co giật và đang có cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ hơn.

Ghép tim khác chỗ: Hai tim có thể tốt hơn một

Theo truyền thống, ghép tim bao gồm loại bỏ trái tim bị bệnh của bệnh nhân và thay nó bằng một trái tim hiến tặng khỏe mạnh. Phẫu thuật này giúp cứu tính mạng cho khoảng 2.000 người tại Mỹ mỗi năm. Nhưng nếu cơ thể người nhận từ chối trái tim cấy ghép, hoặc tim người cho không thể hoạt động một mình? Đây là lúc mà ghép tim khác chỗ phát huy tác dụng.

Ghép tim khác chỗ - còn được gọi là ghép tim “cõng nhau” - bao gồm ghép một trái tim hiến tặng khỏe mạnh vào bên phải của tim bị tổn thương ở người nhận. Cả hai trái tim được phẫu thuật nối vào nhau, cho phép máu từ tim bị tổn thương chảy vào tim mới. Sau đó tim mới có thể bơm máu đi khắp cơ thể.

Năm 2011, các nhà nghiên cứu từ Đại học California - San Diego báo cáo thực hiện phẫu thuật hiếm gặp này trên một bệnh nhân nam tên là Tyson Smith, bị suy tim giai đoạn muộn.

Ghép đầu: Một cách chữa liệt

Năm 2013, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Ý Sergio Canavero công bố dự án ghép đầu cho người - một phẫu thuật mà ông tin là có thể điều trị liệt do các bệnh lý thần kinh hoặc teo cơ.

Phẫu thuật HEAVEN-GEMINI sẽ bao gồm cắt bỏ đầu của người nhận và người cho bằng “dao siêu bén,” để tránh tổn thương hai tủy sống.

45 phút để giảm tổn thương thần kinh. Sau đó đầu của người nhận sẽ được nối vào thân của người cho bằng hợp nhất tủy sống.


BS. Cẩm Tú
Ý kiến của bạn