Những thủ đoạn làm hại học sinh, trẻ nhỏ của kẻ xấu, cha mẹ lưu ý

06-10-2022 16:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, nhiều vụ kẻ xấu lừa đảo, làm hại học sinh, trẻ nhỏ đã xảy ra với những thủ đoạn mới, táo tợn. Phụ huynh và nhà trường cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ con em mình.

Chủ nợ giả mạo phụ huynh đón học sinh về sớm

Ngày 5/10, Công an quận Thanh Xuân phối hợp cùng Phòng Giáo dục và đào tạo, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ra thông báo gửi các trường học đóng trên địa bàn và yêu cầu lan tỏa đến các bậc phụ huynh học sinh cảnh giác về hiện tượng giả mạo phụ huynh học sinh gọi điện cô giáo chủ nhiệm yêu cầu được đón học sinh về sớm.

Trước đó, ngày 28/9, tại trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) xảy ra sự việc, khoảng 10h, cô giáo Trần Thu Hà - chủ nhiệm lớp 2A1- nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ (08985...) nhận là người nhà của học sinh Nguyễn Thanh T xin cho con về sớm do gia đình có việc riêng. Đối tượng còn nói rõ ngày sinh, nốt ruồi và các đặc điểm nhận dạng khác của con.

Giáo viên rất cảnh giác và trả lời do không nhận được thông báo của bố mẹ cho con về sớm nên không đồng ý. Vì vậy, đối tượng nói rõ là chủ nợ của bố học sinh T và liên tục gọi điện cho giáo viên, nói lời thiếu lịch sự, đe dọa cô giáo phải thực hiện theo yêu cầu trên.

Những thủ đoạn làm hại học sinh, trẻ nhỏ của kẻ xấu gần đây - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Phan Đình Giót - nơi xảy ra vụ việc.

Cô Thu Hà đã liên hệ với mẹ học sinh, nắm được thông tin phụ huynh không nhờ người đón con về, gia đình có vay nợ.

Sau đó, một số đối tượng liên tục gọi điện thoại cho Ban giám hiệu và các số máy điện thoại của trường, đồng thời đăng tải trên mạng xã hội Facebook các thông tin bịa đặt, vu khống cô giáo Trần Thu Hà và Ban giám hiệu, nhà trường.

Xác định sự việc gây mất an toàn cho học sinh, giáo viên nên để đảm bảo an ninh, an toàn cho các trường học trên địa bàn, UBND quận Thanh Xuân đã giao cơ quan công an xác minh, làm rõ sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Phan Đình Giót.

Thủ đoạn mới lừa đảo chiếm đoạt tài sản học sinh

Tháng 6/2022, UBND Quận 10 (TP HCM) có cảnh báo đến trường học, các phường, người dân về việc đảm bảo an toàn cho học sinh trước thủ đoạn lừa đảo mới, tiếp cận học sinh.

Ông Bùi Thế Hải - Phó Chủ tịch UBND Quận 10 - thông tin, trên địa bàn quận vừa ghi nhận sự việc một học sinh lớp 5 ngay sau khi tan học, ra khỏi cổng trường đã bị người lạ tiếp cận, dụ dỗ, lấy đồ đạc giá trị, điện thoại.

Những thủ đoạn làm hại học sinh, trẻ nhỏ của kẻ xấu gần đây - Ảnh 2.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản học sinh.

Cụ thể, sự việc xảy ra vào chiều 9/6. Một học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trương Định sau khi tan học, ra cổng trường thì gặp một phụ nữ tự xưng là hiệu phó một trường khác và đề nghị học sinh lên xe chở đến gặp giáo viên chủ nhiệm để trao đổi về việc học... Sau đó, người phụ nữ này dừng xe, yêu cầu học sinh ngồi viết những thứ mang theo. Khi học sinh này đang viết thì người phụ nữ lạ mặt lục cặp lấy các đồ dùng có giá trị và nữ trang học sinh đeo trên người.

Lấy đồ xong thì người phụ nữ chở học sinh đến trường tiểu học khác và nói học sinh vào gặp giáo viên. Khi đó, giáo viên ở trường này mới phát hiện ra và liên hệ với trường nơi học sinh học để phản ảnh sự việc với phụ huynh.

Từ sự việc trên, UBND Quận 10 đã có những cảnh báo, lưu ý đến trường học, các phường và người dân về việc đảm bảo an toàn cho học sinh trước thủ đoạn lừa đảo mới nói trên. Trong đó, lưu ý các nhà trường trên địa bàn quận cần phối hợp để tăng cường an ninh trật tự tại cổng trường. Yêu cầu các nhà trường lưu ý việc đưa đón con em của phụ huynh học sinh.

Đồng thời, nhắc nhở phụ huynh học sinh không cho con em sử dụng và mang theo đồ dùng, vật dụng có giá trị đến trường. Đặc biệt, trong các buổi học cần tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng bảo vệ bản thân, xử trí khi gặp người lạ dụ dỗ…

Giả nhân viên y tế bắt cóc trẻ sơ sinh

Không chỉ lừa đảo, gây hại cho học sinh tiểu học, gần đây còn xảy ra vụ việc kẻ xấu táo tợn vào bệnh viện, đóng giả nhân viên y tế để bắt cóc trẻ em.

Theo đó, tối 19/8, Nguyễn Thị Tuyến (33 tuổi, ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) giả danh là nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tiếp cận vào khoa Sản. Người phụ nữ này đã mặc áo blouse trắng, giả vờ thăm khám cho tất cả trẻ sơ sinh tại khoa Sản.

Những thủ đoạn làm hại học sinh, trẻ nhỏ của kẻ xấu gần đây - Ảnh 3.

Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ - nơi xảy ra vụ giả nhân viên y tế bắt cóc trẻ sơ sinh.

Khi đến buồng của con bà Nguyễn Thị H (39 tuổi, ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Tuyến bảo gia đình trẻ là cháu bé có dấu hiệu bị vàng da, nên phải đưa đi kiểm tra.

Rất may khi đó, bà của cháu bé đã cẩn thận đi theo nghi phạm. Điều này khiến Tuyến bối rối. Nghi phạm sau đó đi lung tung và cuối cùng vào phòng mổ.

Đúng lúc đó, bác sĩ phó khoa Sản lại đang ở trong phòng mổ. Cảm thấy có điều bất thường bởi người này mặc đồ y tá nhưng không có logo của bệnh viện nên bác sĩ này đã bế lại cháu bé. Nghi phạm bị phát hiện liền bỏ chạy. Ít phút sau, Nguyễn Thị Tuyến bị lực lượng bảo vệ của bệnh viện bắt giữ khi đang tìm cách bỏ trốn.

Công an huyện Chương Mỹ đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Tuyến điều tra về hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

8 kỹ năng giúp trẻ phòng tránh bị bắt cóc

  1. Không bắt chuyện với người lạ.
  2. Không nhận quà từ người lạ.
  3. Giữ khoảng cách 3m với người lạ.
  4. Không đi theo người lạ.
  5. Không cho người lạ vào nhà.
  6. Không nói chuyện với người lạ qua mạng.
  7. Hét lên khi cảm thấy nguy hiểm.
  8. Nhớ số điện thoại của bố mẹ.

Ngọc Phương (T/h)
Ý kiến của bạn