1. Lợi ích của việc đi bộ đúng cách
Phòng chống thương tích: Khi đi bộ đúng cách giúp cơ thể ổn định và cân bằng, làm giảm khả năng vấp ngã, tránh các thương tích như bong gân, căng cơ và các tình trạng khác do đi bộ không đúng tư thế gây ra.
Bảo vệ khớp: Khi đi bộ đúng cách sẽ phân bổ đều áp lực lên các khớp, bảo vệ chúng khỏi những căng thẳng không cần thiết và bảo vệ khớp khỏi sự suy thoái lâu dài... Đây là nguyên nhân dẫn đến viêm xương khớp.
Đi bộ đúng tư thế mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Bảo vệ mắt cá chân: Chú ý đến bước đi (khoảng cách vừa phải) và vị trí đặt chân (hạ gót chân xuống trước) là một phần quan trọng để đi bộ hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ chấn thương mắt cá chân nhờ việc căn chỉnh bàn chân phù hợp và chuyển động có kiểm soát.
Căn chỉnh đầu gối: Đi bộ đúng tư thế giúp đầu gối thẳng hàng với bàn chân và hông. Tư thế này làm giảm căng thẳng cho khớp gối, giảm nguy cơ mắc hội chứng đau xương bánh chè...
Tăng cường sức khỏe vùng lưng dưới: Đi bộ với tư thế tốt sẽ giảm áp lực lên lưng dưới và hỗ trợ đường cong tự nhiên của cột sống. Điều này giúp giải quyết các vấn đề hiện tại ở lưng dưới và ngăn chặn sự xuất hiện của những vấn đề mới.
2. Những thói quen xấu khi đi bộ và cách khắc phục
Giày dép không phù hợp khi đi bộ
Chuyên gia thể hình Aminder Singh tại Ấn Độ cho biết, đi giày dép không đúng cách hay kích cỡ không phù hợp có thể gây khó chịu, thậm chí gây hại, gây biến dạng bàn chân, móng mọc ngược vào trong và ảnh hưởng xương khớp…
Do đó, khi đi bộ bạn cần chắc chắn rằng đôi giày đi vừa vặn, thoải mái, có chiều rộng phía trước đủ để các ngón chân xòe ra một cách tự nhiên để tránh nguy cơ bị phồng rộp và các vấn đề khác liên quan đến bàn chân.
Đi giày vừa chân giúp việc đi bộ thoải mái hơn.
Tư thế xấu
Tư thế đúng khi đi bộ có thể cải thiện chức năng khớp, giảm mệt mỏi về thể chất và tăng cường sức khỏe. Do đó, khi đi bộ sai tư thế sẽ không đạt được các lợi ích này.
Đi bộ đúng là giữ tư thế thẳng, không khom lưng nhằm cải thiện hơi thở, giảm căng thẳng ở lưng và cải thiện sự cân bằng nói chung.
Nhìn xuống
Khi đi bộ, nhiều người có xu hướng nhìn chằm chằm xuống bàn chân hoặc các thiết bị di động... có thể khiến cổ và lưng bị căng, khiến bạn ít nhận thức được xung quanh.
Chính vì vậy, khi đi bộ, hãy nhìn thẳng về phía trước để giữ tư thế thẳng và cảm nhận môi trường xung quanh.
Xoay tay không đúng cách
Xoay cánh tay phối hợp với bước đi là một phần quan trọng khi đi bộ, tạo sự uyển chuyển trong chuyển động của cả cơ thể, tăng tốc độ đôi chân, giúp cải thiện hiệu quả đi bộ, đồng thời hỗ trợ bạn giữ thăng bằng...
Bạn nên di chuyển cánh tay ngược lại với chuyển động của chân. Không nên khoanh tay trước ngực, vung tay từ bên nọ sang bên kia…
Khi thực hiện bài tập cơ bản như đi bộ, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể vẫn rất quan trọng. Nếu cơ thể bị mất nước, bạn có thể bị mệt mỏi và chuột rút ở cơ. Bạn nên luôn mang theo một chai nước bên mình và nhấm nháp thường xuyên để duy trì lượng nước thích hợp.
Bên cạnh đó, mặc quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi cũng rất quan trọng để tránh bị trầy xước và quá nóng khi đi bộ.
Mời bạn xem tiếp video:
Nên đi bộ bao nhiêu km mỗi ngày để cơ thể khỏe đẹp? | SKĐS