Những thói quen làm cơ thể dễ bệnh trong mùa hè

16-04-2019 13:47 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Một mùa hè dài với những đợt nắng nóng nối tiếp liên tục đang ở phía trước. Để cơ thể khỏe mạnh trong mùa hè, mọi người nên tránh các thói quen gây hại sức khỏe dưới đây.

Thói quen trong ăn uống gây hại cơ thể

Uống quá ít nước hoặc quá nhiều nước

Mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều nên nhu cầu về nước tăng cao. Nếu uống quá ít nước sẽ làm cảm giác mệt mỏi đến nhanh hơn, năng suất lao động giảm. Cơ thể thiếu nước nghiêm trọng sẽ gặp nhiều phiền toái, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Ngược lại, nếu uống quá nhiều so với nhu cầu, thận sẽ phải làm việc nhiều để đào thải nước. Điều này không tốt cho sức khỏe vì có thể làm mất một số khoáng chất.

Người trưởng thành trung bình cần khoảng 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, gồm các dạng nước uống, nước canh, sữa... và nguyên tắc là uống từng ngụm nhỏ để cơ thể kịp thích ứng. Với những người tham gia các hoạt động thể dục thể thao nên bổ sung nhiều nước trước khi tập luyện và cứ 20 phút tập luyện lại bổ sung thêm nước cho cơ thể dù không khát.

Ăn uống đồ lạnh

Trong những ngày hè nóng bức, nhiều người có thói quen uống nước lạnh, ăn đồ lạnh... để giúp giải nhiệt. Tuy nhiên, đây lại là việc làm nguy hiểm tới sức khỏe. Trong nước đá lạnh, các phân tử đang tích hợp rất khó thấm vào tế bào nên sau khi uống, cơn khát vẫn không được giải quyết mà còn ảnh hưởng đến sự hấp thụ nước của các tế bào. Ngoài ra, dùng đồ uống lạnh lúc này dễ mắc phải các triệu chứng như: viêm họng, ê buốt răng,... Để không gây hại sức khỏe, nên dùng nước mát thay cho đồ uống lạnh.

Vừa đi nắng về ăn kem ngay

Nhiều người thường ăn kem ngay sau khi đi nắng về để giải nhiệt. Tuy nhiên, ăn kem lúc này sẽ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, gây viêm họng, cảm lạnh. Đặc biệt, sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu nên rất dễ bị bệnh sau khi ăn đồ lạnh. Do đó, bạn nên ngồi nghỉ một lúc để cơ thể bớt nóng rồi mới ăn kem.

Uống nhiều nước ngọt có gas

Mùa hè nhiều người thích uống loại nước ngọt có gas mà không biết rằng trans fat (axit béo) trong nước ngọt có ga có thể gây tăng cân, tăng mỡ bụng và nhiều vấn đề về sức khỏe tim mạch.

Ăn kem và đồ lạnh dễ khiến trẻ ốm trong mùa hè.

Ăn kem và đồ lạnh dễ khiến trẻ ốm trong mùa hè.

Thói quen không tốt trong sinh hoạt

Ngồi điều hòa cả ngày và điều chỉnh nhiệt độ điều hòa quá thấp

Ngồi trong phòng điều hòa là giải pháp được nhiều người lựa chọn khi trời nóng. Tuy nhiên, cách tránh nóng này lại là thủ phạm khiến sức đề kháng của cơ thể yếu đi, thậm chí còn đột quỵ. Ở trong phòng điều hòa thường xuyên, không khí không thể lưu thông, dẫn đến việc vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ ngày càng nhiều và là nguyên nhân làm tăng các bệnh đường hô hấp, cơ thể mệt mỏi do thiếu không khí sạch, làn da bị khô. Thay vào đó, bạn nên thay đổi không gian làm việc với không khí tự nhiên vào mỗi buổi tối khi trời mát hơn.

Đặc biệt, việc đi từ phòng lạnh đi ra ngoài môi trường có nhiệt độ thấp sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, dễ ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh và nguy cơ mắc các căn bệnh về hô hấp. Nguy hiểm hơn, việc các mạch máu bị co đột ngột dễ dẫn đến tăng huyết áp và đột quỵ.

Tốt nhất là nên để điều hòa khoảng 26 - 27 độ. Trong phòng sử dụng điều hòa nên có một chiếc quạt thông gió để trao đổi không khí với bên ngoài. Trước khi ra ngoài nên tắt điều hòa trước 15 - 20 phút để tránh sự chênh lệch quá lớn giữa trong nhà và ngoài trời.

Để quạt thổi thẳng vào mặt

Cơ thể ra mồ hôi cũng có nghĩa là các mạch máu dưới da đang giãn nở để tỏa nhiệt. Khi những luồng gió lớn thổi trực tiếp vào người, ngay lập tức, mồ hôi bốc hơi mạnh, nhiệt độ ngoài da giảm, các mạch máu co lại đột ngột trong khi nhiệt độ bên trong cơ thể lại chưa kịp hạ. Điều này sẽ khiến cơ thể bị mất cân bằng nhiệt độ giữa môi trường trong và ngoài. Hậu quả của thói quen này có thể dẫn đến hoa mắt, chóng mặt hay bị choáng tại chỗ.

Thói quen để gió từ điều hòa, quạt thổi thẳng vào mặt còn làm tăng nguy cơ sổ mũi, nghẹt mũi, ho, khô họng... Nguy hiểm hơn, khi trời nóng, lỗ chân lông trên mặt thường bí, khi gặp không khí lạnh, hệ tuần hoàn máu bị ảnh hưởng, gây liệt các dây thần kinh trên mặt.

Ngủ trên nền nhà lạnh

Ngủ trên nền nhà sẽ rất lạnh, nhất khi trời gần sáng. Nhiệt độ cơ thể người lúc này lại thấp nên khi ngủ trên nền nhà rất dễ bị cảm lạnh. Nếu đã bị cảm lạnh tuyệt đối không được ngủ dưới đất, bởi vì các lỗ chân lông sẽ bị thu lại, mồ hôi không thoát ra được khiến triệu chứng cảm càng nghiêm trọng hơn. Nếu cảm thấy nóng, bạn có thể chọn chỗ mát trên giường, mở cửa sổ cho không khí được đối lưu hoặc để nhiệt độ điều hòa thích hợp...

Tắm sai cách cũng gây nhiều hệ lụy

Tắm ngay khi vừa đi nắng về người còn nhiều mồ hôi và tắm nhiều lần trong ngày

Mỗi khi cảm thấy nóng chúng ta thường nghĩ ngay đến việc tắm để giải nhiệt. Thế nhưng, tắm ngay sau khi chơi thể thao hay ra ngoài về lúc cơ thể đang toát mồ hôi lại rất có hại. Tắm ngay khi vừa đi ngoài nắng hoặc tắm nước quá lạnh sẽ làm nhiệt độ cơ thể bị giảm đột ngột, lỗ chân lông và vi mạch dưới da co lại làm cản trở tuần hoàn máu dẫn đến hiện tượng cảm lạnh, ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp và có thể đột quỵ. Vì vậy, khi đi ngoài nắng nóng về, nên để thân nhiệt giảm dần, nghỉ ngơi từ 15 - 20 phút. Ban đầu nên lau người cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới tắm. Đồng thời, không nên đi bơi hay tắm nhiều lần trong ngày vì việc ngâm nước thời gian lâu cũng dễ khiến cơ thể bị cảm lạnh, nguy hiểm tới sức khỏe.

Tắm vào ban đêm

Mùa hè nhiều người chọn tắm vào ban đêm cho mát. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm. Tuyệt đối không tắm đêm vì tắm đêm khiến cơ thể bị cảm lạnh nhiều nhất dù có sử dụng nước nóng. Nó khiến các tĩnh mạnh giãn ra, huyết áp giảm. Đặc biệt, những người huyết áp thấp, huyết áp không ổn định còn có thể xuất hiện hiện tượng thiếu máu não nghiêm trọng, dẫn đến bất tỉnh, hôn mê... Chú ý, sau khi tắm, không nên vào ngay phòng điều hòa hoặc ngồi trước quạt.


BS. Hà Trang
Ý kiến của bạn