Bị đau mắt đỏ lấy giấy, khăn ướt lau có sao không?

BS. Ngô Đức Hùng

BS. Ngô Đức Hùng

Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai

27-09-2023 07:45 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Bệnh đau mắt đỏ đang lan nhanh và bùng phát tại nhiều địa phương. Dù các phương tiện truyền thông tích cực phổ biến về căn bệnh này, nhưng vẫn có những quan niệm sai lầm khi chăm sóc mắt đỏ khiến cho bệnh không đỡ mà còn biến chứng nặng hơn.

Bài viết của bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai với cách tiếp cận dễ hiểu đơn giản sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về bệnh đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ y học gọi là viêm kết mạc, bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Chủ yếu là nhiễm khuẩn virus, vi khuẩn. Dịch đau mắt đỏ, hầu hết nguồn gốc là do virus. Chúng có cơ chế lây như virus khác, các hạt virus theo nước mắt dính vào tay, qua các hạt nước nhỏ bắn theo hơi thở người hít phải hoặc chạm vào dẫn đến bị lây bệnh.

Hầu hết những ai ở tuổi trưởng thành đều nhớ vào những năm 1990 trở về trước, các cụ già thường hay bị đau mắt và dân gian vẫn hay nôm na gọi là toét mắt. Lúc nào mắt cũng đầy dử và kèm nhèm, thậm chí bị loà. Đây là hậu quả của viêm kết mạc không được điều trị kịp thời và đầy đủ. Trong đó có đau mắt hột.

Khi mắt bị viêm, mạch máu bị sung huyết, giãn ra lớp củng mạc vốn có màu trắng sẽ chuyển thành đỏ rực. Thêm nữa, hiện tượng sưng nề làm mắt bị cộm lên, các tuyến tăng tiết dịch. Chính các chất tiết này nếu ứ đọng lại sẽ thành môi trường cho vi khuẩn phát triển làm nặng thêm tình trạng bệnh. Đó là lý do cần phải làm sạch mắt và giữ vệ sinh bằng các thuốc sát trùng nhẹ. Rồi để mắt nghỉ ngơi.

Nhiều người đang giữ vệ sinh sai cách khi đau mắt đỏ

Nhiều người lầm tưởng gặp người đau mắt mà nhìn vào mắt sẽ bị và lây điều này là hoàn toàn không đúng.

Điển hình là lấy giấy ăn, khăn ướt để lau mắt bị đau và coi đó là cẩn thận, sạch sẽ nhưng với loại giấy này có chứa hương liệu phụ gia nếu để bị dính vào mắt sẽ không tốt. Một số người cẩn trọng hơn lấy khăn mùi xoa lau mắt, sau đó lại nhét vào túi vì nghĩ rằng chỉ một mình dùng sẽ không lây cho ai cũng là sai lầm. Khi khăn bỏ vào túi sẽ dính lung tung và đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, quẹt vào mắt dễ bội nhiễm.

Đáng nói là có người còn truyền tai nhau đi xoa bóp cho mắt đỡ nhức sẽ nhanh khỏi, tuy nhiên khi đau mắt, mắt đang cộm mà nắn bóp rồi dụi thì khiến bệnh càng nặng hơn.

Một sai lầm mà đa số người hay mắc đó là tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nhiều loại thuốc nhỏ mắt bán trên thị trường có chứa corticoid (dexamethasol, betamethasol,..các hậu tố thasol) nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mà mua về nhỏ thì sẽ để lại hậu quả nặng nề. Thực tế nhiều người đã chịu hậu quả như bị loà, đục thủy tinh thể và hỏng mắt oan uổng.

Những thói quen không tốt người đau mắt đỏ thường bỏ qua - Ảnh 1.

Mua thuốc trị đau mắt đỏ khi không có chỉ đị của bác sĩ là một trong những sai lầm phổ biến của người bệnh.

Cá biệt hơn có người xúi bôi nước tiểu vào mắt, thực sự 'hoảng hồn.

Vậy, người đau mắt đỏ cần làm đúng bằng cách nào?

- Để tránh lây lan cho người khác, người bị đau mắt nhớ sát trùng tay và đeo khẩu trang khi đến đám đông sẽ hạn chế được lây cho người khác.

-Lau mắt bằng gạc vô khuẩn. Có thể mua vài gói để lau dần. Lau xong bỏ vào túi bóng sạch rồi bỏ đi.

-Nhỏ mắt giúp làm ẩm bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Không dùng nước muối tự pha nhỏ mắt.

-Có thể dùng vài loại thuốc sát trùng nhẹ cho mắt, hoặc kháng sinh phòng bội nhiễm. Tuy nhiên để sử dụng các loại này cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa không tự ý dùng.

-Uống thêm vitaminA theo liều khuyến cáo đúng lứa tuổi.

-Cho mắt nghỉ ngơi, tránh phải điều tiết nhiều.

Sau 4-7 ngày hầu hết sẽ tự khỏi. Nếu sau 4-5 ngày triệu chứng nặng hơn thì có thể đã bội nhiễm vi khuẩn lúc này hãy đến bác sĩ chuyên khoa khám sớm.

Các cụ ta vẫn nói 'giàu hai con mắt khó đôi bàn tay'. Vậy nên hãy chăm sóc sức khỏe của mình bằng sự hiểu biết. Đừng đi theo các "kinh nghiệm", đừng nghe theo lời mách truyền tai nhau kẻo bạn chỉ làm được 1 lần duy nhất rồi vĩnh viễn không có lần 2.

Mạng xã hội mấy ngày gần đây đang lan truyền phương pháp chữa đau mắt đỏ bằng nước tiểu. Theo đó, tài khoản Facebook có tên N.Đ.T.N viết "Bị đau mắt đỏ: Lấy nước tiểu cho vào bình nhỏ mắt – nhỏ vào mắt mỗi bên 3 giọt mỗi ngày 3 lần và nhỏ nước tiểu xung quang vùng mắt thoa đều ra". Tài khoản này còn khẳng định: "Ai tin tưởng thì làm theo chắc chắn hết".

Thông tin lấy nước tiểu chữa đau mắt đỏ lan truyền trên mạng xã hội.

Sau đó mấy ngày, tài khoản này tiếp tục đăng tải nội dung: "Em sẽ chia sẻ phương pháp chữa đau mắt, các vấn đề về mắt…". Tiếp tục vẫn là "phương pháp"… nhỏ nước tiểu vào mắt. "Nhỏ nước tiểu mỗi bên 3 giọt ngày 3 đến 6 lần", tài khoản này viết.

Dường như sợ cộng đồng mạng không tin, tài khoản này tiếp tục khẳng định: "Anh chị em mình nếu chưa làm theo, đừng có vội phán xét". Thậm chí có chút dọa dẫm: "Thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu nào cũng có corticoid nhỏ nhiều hại gan thận à nha".

Đáng nói là dưới bình luận có tài khoản còn khẳng định: "Tôi đã làm và hết, con gái tôi cũng vậy'.

Đau mắt đỏ gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, không để thiếu thuốcĐau mắt đỏ gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, không để thiếu thuốc

SKĐS - Đau mắt đỏ là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.


BS. Ngô Đức Hùng
Ý kiến của bạn