Thói quen ăn uống trong dịp Tết của đa số người là ăn uống quá đà, thả phanh hơn so với ngày thường cùng với uống rượu bia. Một số trường hợp uống quá đà dẫn đến tình trạng say rượu, tổn thương gan, dạ dày...
Đi kèm với tình trạng rượu bia là chế độ ăn giầu đạm, đồ ăn nhiều chất béo khó tiêu và thực phẩm chua cay như: dưa hành, rau củ quả muối… Cùng với đó là thói quen sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, ăn uống thất thường, thức khuya, dậy muộn…
Tất cả những điều này góp phần thúc đẩy các cơn đau dạ dày xuất hiện, đặc biệt với những người có tiền sử viêm loét dạ dày, hoặc các bệnh lý về dạ dày mạn tính thì sẽ cảm nhận tình trạng đau rõ rệt hơn.
Cách hạn chế cơn đau dạ dày vào dịp Tết
Để tránh những cơn đau dạ dày cấp tính khởi phát và bệnh đau dạ dày mạn tính tái phát dịp Tết, chúng ta cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, không thức quá khuya, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày,…
Hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà đặc. Cần chú ý ăn uống điều độ, đúng giờ… Đặc biệt, người bị đau dạ dày cần lưu ý những điều dưới đây.
- Hạn chế các loại thực phẩm lên men chua
Các loại thực phẩm lên men chua như cà muối, dưa muối, củ kiệu muối,.. có hương vị rất đặc trưng và cuốn hút. Chúng có vị chua nhẹ giúp kích thích vị giác, giảm ngấy khi ăn nhiều đồ dầu mỡ trong bữa ăn và trở thành đặc trưng dinh dưỡng ngày tết. Tuy nhiên loại thực phẩm này có hàm lượng muối cao và có tính acid mạnh, gây ảnh hưởng không tốt đến dạ dày.
Ngoài ra một số loại quả chua như chanh, quất, cam, quýt,.. và các loại đồ ăn như tôm chua, tép chua,.. cũng có đặc tính như vậy. Do đó nếu sử dụng loại thực phẩm này, người đau dạ dày nên hạn chế và ăn với lượng nhỏ.
- Không ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh
Nhiệt độ thức ăn có thể ảnh hưởng đến sự kích thích dạ dày. Khi ăn thực phẩm có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh khiến cơ dạ dày co bóp mạnh hơn và có nguy cơ xuất huyết. Vì vậy bạn không nên ăn những thức ăn có nhiệt độ quá nóng hoặc có quá lạnh, nhiệt độ thức ăn phù hợp là từ 40 đến 50°C. Tránh ăn thức ăn quá nóng sau chế biến, đồ ăn lạnh như kem, nước đá, đá bào,...
- Hạn chế rượu bia
Nếu lạm dụng rượu bia sẽ dẫn đến các tác hại khôn lường đối với sức khỏe. Các loại đồ uống có cồn khiến dạ dày bị kích ứng mạnh mẽ, dễ xung huyết phù nề kéo đến các cơn đau dữ dội. Người trưởng thành bình thường không nên uống rượu bia quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ.
Có thể quy đổi một đơn vị cồn bằng ¾ chai/lon bia 330ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330ml hoặc 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). Còn đối với những người đau dạ dày, cách tốt nhất là nói không với rượu bia, hạn chế ở mức thấp nhất. Hãy khéo léo từ chối những lời mời để giữ an toàn cho sức khỏe của bản thân và có một chế độ dinh dưỡng ngày tết lành mạnh. Và đừng quên nếu đã uống rượu bia thì không được lái xe.
- Tránh ăn thực phẩm cay nóng
Những thực phẩm cay nóng có thể khiến dạ dày tăng tiết dịch vị, các cơn đau dạ dày nặng hơn gây xuất huyết tiêu hoá. Vậy nên bạn cần tránh ăn những thực phẩm như ớt tươi, tương ớt, bột ớt, hạt tiêu, bạc hà,...
- Sinh hoạt điều độ
Lịch sinh hoạt ngày tết có thể bị gián đoạn, trở nên thất thường do những cuộc vui chơi, liên hoan kéo dài. Hệ tiêu hóa của bạn sẽ phải hoạt động liên tục nếu bạn đi ngủ khuya hoặc ngủ không đủ giấc. Điều này làm tăng các nguy cơ gây tổn thương dạ dày. Bạn cần cố gắng duy trì một thói quen sinh hoạt điều độ, đi ngủ sớm, tránh căng thẳng đầu óc.
Tóm lại: Đau dạ dày đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Nếu không được chữa trị sớm đau dạ dày có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Có khoảng 1,5% dân số thế giới bị viêm dạ dày, ở nước ta đau dạ dày đứng đầu trong các bệnh về đường tiêu hóa (chiếm khoảng 26%) và có xu hướng ngày càng gia tăng. Vì vậy, nếu có vấn đề về dạ dày và đường tiêu hoá, hãy cố gắng duy trì một chế độ dinh dưỡng ngày tết cân bằng và lành mạnh nhằm dự phòng đau dạ dày tái phát vào dịp Tết.