Trẻ thông minh không hẳn là phải có thành tích cao trong học tập, là chăm chỉ suốt ngày ngồi vào bàn học mà đó là một đứa trẻ thích khám phá, tò mò về thế giới xung quanh, có tính tự chủ, khả năng suy nghĩ cùng trí tưởng tượng phong phú, không dập khuôn, có thể nhận biết vấn đề và đưa ra cách giải quyết. Có một số thói quen cha mẹ cần nhớ hoặc nên xây dựng cho mình để tạo môi trường và khuyến khích bé phát triển trí tuệ.
1. Cho trẻ tự do hành động, suy nghĩ trong một giới hạn thời gian nhất định mà không chỉ bảo, giám sát và nhất nhất yêu cầu bé làm theo lời mình
Nhiều bố mẹ vì mong muốn bé trở nên ngoan ngoãn theo ý muốn của mình nên có thói quen giám sát mọi hành động của bé. Điều này vô hình chung lại khiến khả năng tư duy, khả năng tự chủ mới manh mún trong trẻ đã bị vùi dập khi chỉ bắt đầu hình thành.
Mỗi người là một cá tính, dù là bố mẹ với con thì hai người cũng có những suy nghĩ khác nhau, cá tính khác nhau. Chỉ cần bé không hành động quá giới hạn, trái đạo đức thì hãy để cho bé được tự do hành động theo cách của mình. Dạy dỗ uốn nắn quá mức đôi khi lại cản trở khả năng tư duy, tính tự chủ của trẻ.
2. Đừng mắng trẻ khi trẻ 'viết, vẽ bậy'
Ở nhật có một nhà trẻ trẻ lấy mục tiêu: "Nuôi dạy những trẻ nghịch ngợm". Và ở nhà trẻ này, chuyện các bé cãi lộn giành đồ, làm hỏng ghế là những chuyện xảy ra hàng ngày. Hay một lớp học vẽ tranh, vẽ truyện khác, khi bố mẹ cho con đăng ký học ở đây thì đều phải cam kết rằng sẽ không mắng trẻ nếu trẻ vẽ bậy lên tường, quanh nhà...
Nếu trẻ sống trong một môi trường mà trẻ không thể tự do vẽ bậy thì cho dù có dạy đến đâu, trẻ cũng không thể vẽ được những bức tranh đầy sáng tạo. Có thể nhiều mẹ sẽ nhíu mày khi nghe như vậy nhưng khi trẻ nghịch ngợm là trẻ đang sáng tạo, khi trẻ vẽ bậy là trẻ biểu hiện suy nghĩ một cách tự do bằng những nét vẽ của mình. Đó là biểu hiện của nhu cầu muốn được sáng tạo của trẻ. Do đó khi bố mẹ tôn trọng mầm mống sáng tạo, tôn trọng cái tôi của trẻ thì trẻ sẽ phát triển cả thể chất, tâm hồn lẫn trí óc. Cấm trẻ nghich nghợm và vẽ bậy chính là đã cản trở tính sáng tạo đang lớn dần lên trong trẻ.
Để trẻ có thể nghịch ngợm thoải mái, hãy tạo cho trẻ một môi trường an toàn bằng cách cất những thứ quan trọng, dễ vỡ lên cao, chỗ trẻ không với tới được. Và để trẻ có thể vẽ vời theo ý thích, hãy chuẩn bị cho trẻ một cái bảng thật to, quần áo trẻ dính bẩn cũng không trách mắng, trẻ bị ngã, bị thương cũng không quá lo...
3. Nếu trẻ có dùng những ngôn từ không hay, không được phép thì bố mẹ hãy bao dung và từ từ giúp trẻ học hỏi có chọn lọc
Trong khi nuôi dạy trẻ, chúng ta luôn chú ý đến lời ăn tiếng nói bởi đó là thời gian trẻ đang học nói, không phân biệt được tốt xấu đúng sai có thể tiếp thu và ghi nhớ tất cả mọi thứ. Khi trẻ còn chưa đi học, ở trong vòng tay của bố mẹ, chúng ta có thể kiểm soát được môi trường nhưng khi trẻ đến lớp thì sẽ ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nếu có một ngày, trẻ về nhà và sử dụng những ngôn từ không phù hợp, hãy bao dung mà đừng trách mắng trẻ. Đó chỉ là bằng chứng cho thấy thế giới của trẻ đang được mở rộng. Việc cần làm là giúp trẻ học cách tiếp thu có chọn lọc, hướng dẫn trẻ sử dụng ngôn ngữ để không làm tổn thương người đối diện.
4. Hãy cùng trẻ tháo rời đồ chơi
Nhiều mẹ thường tự hào khoe rằng con mình dùng đồ chơi rất cẩn thận. nhưng xét trên một khía cạnh nào đó thì việc bắt trẻ sử dụng đồ chơi một cách cẩn thận lại chính là cản trở sự phát triển trí não của trẻ. Với bất cứ một món đồ chơi nào, trẻ đều muốn biết tại sao nó lại chuyển động, ở trong nó như thế nào... Đó chính là nhu cầu được tìm hiểu, khám phá tri thức của trẻ.
Bố mẹ chỉ cần hướng dẫn trẻ cách tháo gỡ tức là đã có thể thúc đẩy tính tò mò của trẻ và cũng có hiệu quả luyện tập bộ não cho trẻ. Ngay cả khi trẻ không thể tháo rời theo hướng dẫn thì khi nhìn thấy các bộ phận ở trong cũng đủ khiến trẻ hài lòng. Điều tốt nhất là hướng dẫn trẻ cách tháo rời để sau đấy có thể cùng trẻ lắp lại được. Cái trẻ học được sẽ là quá trình lắp ráp sản phẩm.
Mẹ Tảo biển