Những thiên thần áo trắng “vào trận”

28-03-2020 11:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cũng không hiểu từ đâu từ bao giờ, các y bác sĩ, y công, điều dưỡng… đã được ví như những Thiên thần Áo trắng.

Khi Thủ tướng Chính phủ gửi thông điệp “chống dịch như chống giặc”, khi màn “giải cứu” 30 công dân Việt Nam trong tâm dịch Vũ Hán đẹp như một khúc ca nhân ái, khi dịch cúm COVID-19 đang có nhiều nguy cơ lây nhiễm lan rộng trong toàn quốc với số bệnh nhân tăng lên mỗi ngày, là khi các y bác sĩ, các điều dưỡng viên và toàn thể nhân viên ngành Y Việt Nam dốc toàn lực “vào trận” với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, “quyết chiến quyết thắng”, đối mặt với hiểm nguy của dịch bệnh, giành giật từng hơi thở để mang lại nguồn sống, sinh mạng cho các bệnh nhân COVID-19, mang lại niềm vui sức khỏe và bình an đến từng ngôi nhà.

Cũng không hiểu từ đâu từ bao giờ, các y bác sĩ, y công, điều dưỡng… đã được ví như những Thiên thần Áo trắng. Phải chăng vì chính bản thân họ khi chọn ngành Y, ngành “cứu nhân độ thế”, đã mang trong mình một trái tim nhân ái, thanh cao, quyết gắn cuộc đời mình đồng hành với việc chiến đấu với bệnh tật, giành giật với tử thần từng mạng sống, đồng cảm, chia sẻ, thương xót từng kiếp khổ đau vì bệnh tật.

Và để chiến thắng, để hoàn thành sứ mạng cao đẹp của mình, các Thiên thần Áo trắng không chỉ có trái tim nhiệt huyết, tâm hồn tràn đầy tình thương yêu những “con bệnh” của mình, mà họ còn là những con người “thép” đầy ý chí nghị lực, kiên cường vững chắc với “vũ khí” là trí tuệ, là sự thông minh, là những tri thức chuyên môn luôn được cập nhật học hỏi giàu kinh nghiệm.

Hơn ai hết họ hiểu, nếu họ buông xuôi, nếu họ nhụt chí, nếu họ không tận tâm tận lực, nếu họ không trân trọng từng hơi thở sự sống, nếu họ không thương yêu bệnh nhân như chính người thân yêu ruột thịt của mình…, thì xem như họ không chỉ phản lại lời thề Hyppocrate mà còn không xứng đáng để khoác trên mình màu áo trắng thiên thần.

Trong cơn đại dịch toàn cầu cúm COVID-19, ngay từ ban đầu khi dấu hiệu bệnh dịch lan tràn, các Thiên thần Áo trắng đã chuẩn bị tinh thần trực diện tuyến đầu, hiểu rằng họ sẽ đối mặt không phải là những ca bệnh thông thường mà mỗi ca bệnh là một cuộc chiến sinh tử không chỉ với “con bệnh” mà cả với chính bản thân họ. Và cuộc chiến này còn có phần cam go khốc liệt hơn cuộc chiến 15 năm trước với virus SARS- 2003, bởi độ nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Không chỉ họ phải chấp nhận khi tiếp cận người bệnh, là có thể họ sẽ phải xa gia đình người thân mãi mãi nếu “cuộc chiến” không thành công.

Thử thách “giữa muôn trùng vây”, vừa cứu người giữa cửa sinh- tử,  vừa phải bảo vệ “sức chiến đấu” của bản thân, vừa làm những nhà tư vấn tâm lý để trấn an những người có nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly, vừa là những “vệ sĩ” luôn để mắt, không xảy ra những trường hợp “lang thang” ra khỏi khu vực “cấm”, chưa kể còn là những tuyên truyền viên thông tin đến cộng đồng những quy phạm y tế phòng chống dịch bệnh, những “hoạt náo viên” nâng đỡ tinh thần của người bệnh để họ thêm lạc quan mà hợp tác cùng nhau chiến thằng COVID -19…

Bao nhiêu công việc dồn lên từng đôi vai mảnh mai, từng đôi tay mềm mại, từng thân hình nhỏ bé… của những Thiên thần Áo trắng. Một ngày của họ không còn là 24 giờ mặt trời, mà là gấp đôi gấp ba thời gian tính bằng những công việc họ thực hiện, bữa ăn của họ đôi khi chỉ là một hộp sữa nhỏ uống vội vàng, giấc ngủ của họ chỉ là một thoáng đôi ba chục giây vừa đủ khép mí mắt chút xíu vạ vật đâu đó…

Nhân viên y tế "Đi từng ngõ, gõ từng nhà" trong mùa dịch COVID-19

Không thể cân đong đo đếm được những khó nhọc vất vả của các y bác sĩ ở tuyến đầu, đã có những Thiên thần Áo trắng bị lây nhiễm, nhưng điều đó chỉ làm quyết tâm “chiến thắng” càng cao hơn. Chỉ cần thấy những ca bệnh dần hồi phục, và khi rất nhiều quốc gia trên thế giới số tử vong vì dịch bệnh cao chóng mặt, thì cho tới hôm nay (28/3) Việt Nam chưa có một ca tử vong nào bởi COVID-19. Tất cả là công sức, là sự hy sinh tâm- lực- trí- tài của các y bác sĩ- những Thiên thần Áo trắng vô điều kiện, đầy nhẫn nại, đầy yêu thương, đầy dũng cảm, đầy hy sinh.

Không chỉ với dịch bệnh lần này, mà nói chung, những Thiên thần Áo trắng là hy vọng, là niềm tin để các “con bệnh” được bảo vệ, có thể chống đỡ và vượt qua sự đe doạ của tử thần. Không có họ, làm sao chúng ta được tiếp tục sống để yêu thương sau những cơn “thập tử nhất sinh”. Không có họ, ai là người tận tụy ngày đêm chăm sóc, tận tình cứu chữa chúng ta thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo. Không có họ thì làm sao chúng ta thấy giá trị của sự sống một cách ý nghĩa nhất để sau khi khỏi bệnh sẽ luôn hướng thiện trong cuộc sống.

Ê kip hoàn thành nhiệm vụ đỡ đẻ cho sản phụ tại khu vực cách ly phòng chống dịch COVID-19 tại Cao bằng. Ảnh Chu Hiệu - TTXVN

Nhờ những Thiên thần Áo trắng này, mà nhiều gia đình đã không bị bệnh tật cướp đi người thân, những đứa con thơ không mất cha mẹ, những người vợ sống hạnh phúc bên chồng. Họ là những ân nhân, khi lấy đi khỏi nỗi lo sợ phải chết vì bệnh, và ban lại cho ta niềm vui sức khỏe và bình an.

Và với tôi, màu áo trắng của những Thiên thần Áo trắng không phải màu lạnh mà tôi cảm thấy như màu của những cánh hoa trắng tinh khôi, trong suốt, khi nhìn vào mang đến cảm giác bình yên kỳ lạ.

“Cuộc chiến” với COVID-19 - dịch bệnh mà ngành Y Việt Nam phải ngăn ngừa phòng chống lan tràn, lây nhiễm, hay tiêu diệt ổ bệnh cũng như một chiến dịch lớn cần có tham mưu tác chiến, có trinh sát địa bàn, có đặc công đánh tiêu điểm và mở trận đánh lớn tổng lực tiêu diệt hoàn toàn... Chúng ta đã chuẩn bị rất đầy đủ mọi phương diện để “vào trận”.

Cuộc tổng lực "đánh giặc" COVID-19 trong 14 ngày sắp tới hy vọng những Thiên thần Áo trắng Việt Nam - Ngành Y Việt Nam và người dân Việt Nam sẽ là người chiến thắng.

Nhà văn Hoài Hương
Ý kiến của bạn