Những thiên tai nào sẽ xuất hiện trong năm 2024?

18-01-2024 10:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Năm 2023, El Nino tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam, xác lập các kỷ lục về nhiệt độ, năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Dự báo năm 2024 tiếp tục là năm nóng.

Tăng cường khả năng chống chịu, ứng phó thảm họa khí hậu, thiên taiTăng cường khả năng chống chịu, ứng phó thảm họa khí hậu, thiên tai

SKĐS -Sáng nay, ngày 20/11 Diễn đàn Thanh niên Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Nâng cao khả năng chống chịu: Lãnh đạo thanh niên truyền cảm hứng thúc đẩy sáng tạo sẵn sàng trước thảm họa” đã diễn ra tại Hà Nội.

Nắng nóng năm 2024 sẽ khốc liệt

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, năm 2024 dự báo tiếp tục là năm nóng, trong đó nửa đầu năm sẽ nắng nóng, thiếu nước, hạn hán, còn nửa cuối năm xuất hiện mưa bão nhiều hơn.

Theo ông Cường, năm 2023, dưới tác động của hiện tượng El Nino gây nên nắng nóng kỷ lục, thiếu nước khô hạn, mưa lớn ở Trung bộ,… Năm qua, tần suất xảy ra dông lốc trên đất liền và trên biển nhiều hơn, gây tai nạn tàu thuyền, ngư dân.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2023 ghi nhận nhiều kỷ lục về diễn biến của thời tiết, khí hậu. Trong năm có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nhưng không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Cả nước xảy ra 22 đợt mưa lớn, Trong đó, đáng lưu ý đợt mưa từ ngày 13-17/11 do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, khu vực Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Những thiên tai nào sẽ xuất hiện trong năm 2024?- Ảnh 2.

Dự báo nắng nóng năm 2024 sẽ khốc liệt.

Riêng khu vực Quảng Trị đến Bình Định có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa phổ biến 400-700mm, khu vực Thừa Thiên Huế có nơi trên 1000mm. Đợt mưa lớn này đã gây ngập lụt trên diện rộng ở Thừa Thiên Huế . Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan thời đoạn ngắn với lượng mưa 24h có nơi trên 800mm. Một số nơi ghi nhận tổng lượng mưa tháng và ngày vượt giá trị lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ.

Năm 2023 xuất hiện 20 đợt nắng nóng diện rộng, tính từ năm 2017 đến nay thì 2023 là năm xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng nhất. Đợt nắng nóng kéo dài nhất là 24 ngày ở Trung và Nam Trung Bộ (từ ngày 05-28/8). Giá trị nhiệt độ 44,2 độ C đo được tại Tương Dương là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (giá trị lịch sử cũ là 43,4 độ C tại Hương Khê (Hà Tĩnh). Trong hầu hết các tháng đều có giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt cùng giá trị lịch sử thời kỳ, đặc biệt các tháng 5 và 6.

"Năm 2023, El Nino tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam, xác lập các kỷ lục về nhiệt độ, năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Dự báo năm 2024 tiếp tục là năm nóng, nhưng không bằng năm 2023" - ông Cường nói, và cho biết biến đổi khí hậu đang tác động từng ngày, từng giờ, thay vì khái niệm "nóng lên toàn cầu" thành "nung nóng toàn cầu".

Dự báo năm 2024 hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể kéo dài đến giữa năm. Sau đó chuyển sang pha trung tính và chuyển sang La Nina (pha lạnh) trong nửa cuối năm. Mùa đông năm nay có xu hướng ấm hơn, ẩm hơn. Nửa đầu năm thiên hướng nắng nóng, thiếu nước, hạn hán ở Bắc bộ, đặc biệt Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Các khu vực này nguy cơ gây thiếu nước ngọt, thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước sản xuất.

Bão nhiều hơn, mưa kéo dài hơn

Ông Hoàng Đức Cường nhận định, từ giữa năm đến cuối năm, nhiệt độ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa nhiều hơn. Dưới tác động của La Nina, khả năng bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông trung bình nhiều năm. Bão có thể không mạnh nhưng mưa do bão lớn hơn, kéo dài ngày, trọng tâm ở khu vực Trung bộ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các Bộ ngành, địa phương cần lưu ý đến dự báo trong năm 2024 sẽ có một số đợt thiên tai cực đoan, mang tính chu kỳ lặp lại 60 năm nên có thể thiên tai sẽ khốc liệt, khó lường. Do đó, phải chủ động lường trước các đợt thiên tai này để chủ động ứng phó.

Cùng với đó, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 01-6/2024, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1,0-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 01-3/2024 tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến xấp xỉ, các khu vực còn lại thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 4-6/2024 tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các khu vực còn lại phổ biến thấp hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trong các tháng nửa cuối năm 2024 đề phòng gió mạnh, sóng lớn trên biển do tác động của bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam ở vùng biển Giữa và Nam Biển Đông và không khí lạnh từ tháng 11-12/2024 ở khu vực Biển Đông có khả năng gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Ngoài ra, hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh ở những khu vực chịu tác động.

Theo Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023 thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.145 trận. Năm 2023 bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thống kê từ năm 1945 đến nay thì đây là năm thứ 3 Việt Nam không có cơn bão đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Điển hình như đợt mưa lớn đầu tháng 8/2023 tại khu vực miền núi Bắc Bộ làm 17 người chết, mất tích. Sạt lở đất tại nhiều điểm khu vực Tây Nguyên, trong đó nghiêm trọng nhất tại đèo Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 6 người chết. Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11/2023, khu vực miền Trung xảy ra 3 đợt mưa lớn, lũ gây ngập lụt diện rộng tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng làm 14 người chết, mất tích. Năm qua, thiên tai làm 169 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 8.236 tỷ đồng.

Đề xuất tỉnh Lâm Đồng công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại thôn Đông AnhĐề xuất tỉnh Lâm Đồng công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại thôn Đông Anh

SKĐS - Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức đề xuất lên UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay 18/1: Các tỉnh Bắc Bộ sắp đón đợt rét đậm, rét hại, có nơi dưới 0 độ / SKĐS




Tô Hội
Ý kiến của bạn