Những thầy thuốc tuổi ''xưa nay hiếm'' miệt mài khám bệnh thiện nguyện

27-02-2023 20:52 | Y tế
google news

SKĐS - Sau khi nghỉ hưu, nhiều thầy thuốc là cựu chiến binh ở Khánh Hòa vẫn miệt mài đi khám bệnh thiện nguyện và xem đây như niềm hạnh phúc ở tuổi xế chiều của mình.

Thầy thuốc tuổi cao nhưng không ngại gian khó

Đáp ứng mong muốn có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho những cựu chiến binh chưa có thẻ bảo hiểm y tế, nạn nhân chất độc da cam, năm 2007, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Cơ sở hỗ trợ khám chữa bệnh cựu chiến binh Khánh Hòa (thuộc Hội Cựu chiến binh Khánh Hòa, tại số 31 Trần Quý Cáp, Nha Trang).

Cũng từ đó, nhiều thầy thuốc quân y sau khi nghỉ hưu đã tình nguyện đến cơ sở này dốc sức làm việc không lương với tinh thần "tất cả vì đồng đội, vì người khó khăn".

Gắn bó từ ngày thành lập và đến nay bác sĩ đa khoa Trần Văn Đồng đang đứng đầu cơ sở. Bước vào tuổi 80, thường xuyên phải "chiến đấu" với những cơn đau nhức cơ thể do di chứng từ những năm tháng chiến tranh để lại nhưng hàng ngày bác sĩ Trần Văn Đồng vẫn rèn luyện sức khỏe để tiếp tục rong ruổi đi khám bệnh miễn phí cho các cựu chiến binh nghèo, gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Những thầy thuốc tuổi xưa nay hiếm vẫn miệt mài khám bệnh thiện nguyện - Ảnh 2.

Từ ngày thành lập đến nay, các thầy thuốc cao tuổi ở Cơ sở hỗ trợ khám chữa bệnh cựu chiến binh Khánh Hòa đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 32 ngàn lượt người

Trải lòng mình, bác sĩ Trần Văn Đồng chia sẻ: Sau khi học bác sĩ đa khoa ở Học viện Quân y Hà Nội, tôi tiếp tục vào phục vụ tại chiến trường Tây Nam, đến năm 1980 thì về làm Chủ nhiệm quân y Trường Sĩ quan thông tin (nay là Trường Đại học thông tin liên lạc, đóng chân ở Khánh Hòa) cho đến ngày nghỉ hưu. Là thầy thuốc, từng lăn lộn dưới "mưa bom, bão đạn" mà vẫn còn sức khỏe như hiện nay đã là may mắn hơn rất nhiều đồng đội. Thế nên, tôi luôn tự nhủ với mình và nói với các thầy thuốc cao tuổi khác rằng còn chút sức lực nào thì hãy cống hiến. Hơn chục năm nay, tôi không nhớ nỗi những vùng đất mà tôi đã đến, những con người mà tôi đã gặp để khám bệnh và phát thuốc miễn phí.

Những thầy thuốc tuổi xưa nay hiếm vẫn miệt mài khám bệnh thiện nguyện - Ảnh 3.

Thầy thuốc-Bác sĩ đa khoa Trần Văn Đồng khám bệnh miễn phí cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn

Cũng như bác sĩ Đồng, sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, y sĩ Nguyễn Văn Toại cũng tình nguyện đến Cơ sở hỗ trợ khám chữa bệnh cựu chiến binh Khánh Hòa để khám bệnh thiện nguyện. Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", nỗi lo lắng lớn nhất của ông không chỉ là sức khỏe bản thân mà còn lo thời gian khám bệnh miễn phí cho người khác ngày càng ngắn lại.

Y sĩ Nguyễn Văn Toại thổ lộ rằng: "Mình là thầy thuốc, đến tuổi này rồi mà vẫn còn được dùng tất cả những kinh nghiệm để tư vấn sức khỏe, khám bệnh cho cựu chiến binh, người nhiễm chất độc da cam thì đó là niềm vui không gì sánh bằng".

Thành quả và trăn trở

Theo Hội Cựu chiến binh Khánh Hòa, giai đoạn 2007 đến 2022, Cơ sở hỗ trợ khám chữa bệnh cựu chiến binh Khánh Hòa đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 32 ngàn lượt người. Trong đó khám bệnh tại cơ sở là trên 27 ngàn lượt người; khám bệnh, phát thuốc tại 112 xã/phường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 5.170 lượt người. Cùng với đó đã tư vấn cho hơn 7.000 bệnh nhân điều trị bệnh bằng phương pháp đông, tây y kết hợp đạt hiệu quả cao. Nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng sau khi được hướng dẫn điều trị, bệnh đã giảm, sức khỏe dần hồi phục.

Những thầy thuốc tuổi xưa nay hiếm vẫn miệt mài khám bệnh thiện nguyện - Ảnh 4.

Ở tuổi thất thập, y sĩ Nguyễn Văn Toại (bên trái) vẫn miệt mài khám bệnh miễn phí

Trong 15 năm qua, số thuốc Cơ sở hỗ trợ khám chữa bệnh cựu chiến binh Khánh Hòa đã cấp phát miễn phí cho bệnh nhân có tổng giá trị gần 1 tỉ đồng. Từ nay đến năm 2027, cơ sở vẫn duy trì khám bệnh, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí một tuần 3 ngày (thứ 2-4-6) và đi khám ở vùng miền núi, hải đảo…

Cuối tháng 3 này, Cơ sở sẽ khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các Hội viên Hội cựu chiến binh và đối tượng chính sách tại xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn) và Giang Ly (Khánh Vĩnh).

Dù đã đạt nhiều thành quả nhưng một trong những điều trăn trở lớn nhất của bác sĩ Đồng cũng như các thầy thuốc khác là nhiều người đã già, sức khỏe giảm nhanh mà lực lượng kế cận thì khan hiếm trong khi nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh khó khăn vẫn còn nhiều.

Bác sĩ Trần Văn Đồng chia sẻ: "Hiện nay Cơ sở hỗ trợ khám chữa bệnh cựu chiến binh Khánh Hòa đang có 1 bác sĩ, 3 y sĩ và một số dược sĩ. Sau những giờ miệt mài ở cơ sở của mình thì tôi lại tìm đến những bác sĩ chuẩn bị về hưu, động viên họ sau khi nghỉ hãy dành thời gian cống hiến miễn phí cho nơi này".

Người bác sĩ nhân lên những khát vọngNgười bác sĩ nhân lên những khát vọng

SKĐS - Bám trụ nhiều năm tại các buôn, làng ở xã Ea Trang (huyện Ma Đ’rắk, Đắk Lắk), bước chân bác sĩ Y Nghin như mỏi hơn nhiều lần nhưng anh vẫn quyết không chùn bước...


Hà Đạo
Ý kiến của bạn