Sau hơn 7 tiếng lênh đênh trên biển, sau những đợt sóng tung bọt trắng xóa, con tàu nhỏ bé trước biển mênh mông đã đưa chúng tôi cập bến đảo Bạch Long Vĩ. Giữa màu xanh của biển, của rừng, của những thanh niên xung phong tình nguyện ra đảo, màu áo blouse trắng đón chúng tôi thêm phần nổi bật.
Và trong chuyến đi đặc biệt này, chúng tôi đã được gặp những người thầy thuốc đã và đang dành trọn tuổi thanh xuân, tâm huyết và trái tim của mình cho sức khỏe của người dân vùng biển đảo tại Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ.
Dấn thân nơi thiếu thốn trăm bề
Bạch Long Vĩ cách đất liền thành phố Hải Phòng khoảng 140km đường biển. Đây là huyện đảo xa bờ nhất của thành phố Hải Phòng, nằm độc lập ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, nhưng lại giữ vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.
Từ Hải Phòng đi Bạch Long Vĩ phải mất trung bình 8 - 10 tiếng đi tàu nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Mỗi tháng lại chỉ có khoảng 2 - 3 chuyến tàu ra đảo, tàu cũng chỉ có thể chịu được gió cấp 5. Ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ với chúng tôi: “Có đoàn ra đảo công tác mà vì gió mùa không về được, phải ở lại đảo 16 ngày”.
Các y bác sĩ ở Bạch Long Vĩ cấp cứu cho ngư dân bị đứt rời ¾ cánh tay trái
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu điện, thiếu nước, phương tiện đi lại khó khăn là những khó khăn chung luôn thường trực với tất cả người dân trên đảo. Nhưng công tác y tế trên đảo còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về công tác tổ chức, về chuyên môn như: thiếu nhân lực, thiếu thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế chưa đồng bộ... Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng, tình hình dịch bệnh của địa phương ngày càng phức tạp, mô hình bệnh tật đa dạng, cơ cấu dân cư phức tạp...
BS. Nguyễn Đức Quân - Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ cho biết: “Trung tâm vừa là tuyến đầu vừa là tuyến cuối trong công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Trong tình huống nguy cấp, vượt quá khả năng của cơ sở cũng không chuyển bệnh nhân đi đâu được. Có thời điểm chẩn đoán hoàn toàn dựa vào lâm sàng, máy siêu âm không có, mổ thì gạc cũng phải hấp đi hấp lại để dùng nhiều lần”.
BS. Quân ấn tượng về ca cấp cứu cho ngư dân Đỗ Văn Duy (quê Thanh Hóa) cách đây 3 năm. Trước đó, ngư dân đang đánh cá trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ thì ngã, bị vật nhọn đâm thấu thành ngực bên trái, được chuyển đến bệnh viện trong tình hình toàn huyện đảo mất điện, máy phát điện lại hỏng. Các y, bác sĩ đã phải dùng đèn pin, nến và điện thoại để tạo đủ nguồn ánh sáng cho ca cấp cứu - khoảnh khắc đó diễn ra vào khoảng 1h sáng ngày 30/5/2013.
BS. Phạm Tiến Thành - Giám đốc thế hệ thứ 3 của bệnh viện nhớ lại: Năm 1998, huyện Bạch Long Vĩ thành lập Phòng khám đa khoa. Cơ sở vật chất phòng khám ban đầu là một dãy nhà 1 tầng chật hẹp, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, thuốc men mới chỉ đáp ứng được các bệnh thông thường. Phòng khám chỉ có từ 1 - 2 cán bộ y tế của huyện và một bác sĩ được tăng cường theo Đề án 1816. Do đó, mỗi khi có ca bệnh phức tạp, hầu như phòng khám phải chuyển bệnh nhân về đất liền. Trang thiết bị không có gì ngoài ống nghe, đo huyết áp và kỹ năng lâm sàng của người thầy thuốc.
Bởi thế mà cô Phạm Thị Lân - cư dân đảo đã 23 năm nay chia sẻ: Mơ ước lớn nhất của người dân ở đảo là có được tàu cao tốc để đi lại thuận tiện, bệnh viện được trang bị hiện đại hơn để khi có việc cấp cứu không phải về đất liền.
Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của đồng nghiệp nơi đây, BS. Lê Hiếu (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) đã chia sẻ những dòng tâm sự khi trở về đất liền sau chuyến công tác tăng cường 3 tháng tại đảo:
“Ra đây thêm hiểu nỗi đau
Ngư dân gặp nạn trên tàu ngoài khơi
Đến khi vào được tới nơi
Lả vì mất máu, rụng rời vì đau
Biển khơi chứ đất liền đâu
Nhanh thì vài tiếng còn lâu... nửa ngày
Nhẹ là giập nát ngón tay
Nặng thì thủng ruột, gan hay gãy đùi…
Tiếp đón không khỏi bùi ngùi
Nhà nghèo, bệnh trọng, kiếp người tha phương
Đảo xa thiếu thốn đủ đường
Thuốc men, phương tiện,... tiền phương lạ gì
Chẳng thể ngoảnh mặt quay đi
Khó khăn chuyển tuyến những khi sóng cồn
Nơi đây đáng quý là còn
Lương tâm, trách nhiệm, quý hơn tình người
Giữa miền sóng gió trùng khơi
Thắp lên ngọn lửa sáng ngời ngành y
Cứu người hoạn nạn mỗi khi
Mong sao chia được vơi đi nhọc nhằn”
“Đảo như quê hương thứ 2”
Khó khăn là vậy, nhưng không thiếu những chiến sĩ áo trắng mà tuổi đời còn rất trẻ đã tình nguyện gắn bó với Bạch Long Vĩ đến hàng chục năm nay. 24 năm xây dựng và phát triển của đảo thì có người đã đồng hành gần trọn chiều dài đó hoặc chí ít cũng nửa số tuổi của đảo.
Đó là BS. Phạm Tiến Thành - nguyên Giám đốc bệnh viện đã dành trọn 12 năm ngay khi vừa tốt nghiệp đại học để công tác tại đảo.
Đó là BS. Nguyễn Đức Quân - Giám đốc hiện tại của Trung tâm y tế đã tình nguyện gửi đơn đến Sở Y tế Hải Phòng vào tháng 10/2004 xin ra công tác tại Bạch Long Vĩ. Lúc đó tinh thần xung phong ra đảo chỉ bởi ước mơ của thầy thuốc trẻ.
“Tuổi trẻ được cống hiến cho đảo, cho ngành y và cho nhân dân đối với chúng tôi là những năm tháng hết sức ý nghĩa. Khó khăn lớn là vì môi trường khoa học và môi trường nghiệp vụ trên đảo không sôi động được như đất liền, lãnh đạo bệnh viện phải luôn tìm cách để anh chị em trong cơ quan liên tục trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, học hỏi, trau dồi trình độ và lòng nhiệt thành với nhân dân, với ngành” - BS. Quân trăn trở.
Đó là bác sĩ quân y Lê Ngọc Trọng có kinh nghiệm lâu năm với biển đảo, vốn công tác ở Hải quân và đã từng có 4 lần đi đảm bảo sức khỏe cho công nhân xây dựng công trình ở Trường Sa (mỗi đợt khoảng 6 - 7 tháng). Đến nay, BS. Trọng cũng đã “đóng quân” tại Bạch Long Vĩ được hơn 8 năm, may mắn lắm thì khoảng 3 tháng anh mới có dịp về thăm gia đình tận Thanh Hóa.
Là Phó Giám đốc Phạm Văn Hải gần 10 năm gắn bó với cơ sở y tế trên đảo. Năm 2007, khi quyết định ra đây, anh chỉ muốn tìm cho mình một trường để được rèn luyện, để trưởng thành.
Anh Hải tâm sự: Một ca bệnh thông thường như chấn thương khi đi biển, mổ ruột thừa nếu ở đất liền thì quá đỗi bình thường. Nhưng đảo xa cách trở, thứ gì cũng thiếu, chúng tôi cảm nhận được ý nghĩa và giá trị vô bờ bến trong nghề nghiệp của mình. Ở đất liền thì ca bệnh khó, bác sĩ có thể cho bệnh nhân chuyển viện nhưng ở đây không còn cách nào khác là khát khao điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, là những lúc “vắt óc” suy nghĩ, xin tư vấn kịp thời từ đất liền. “Chính người bệnh và nhân dân ở đây đã cho chúng tôi cơ hội trưởng thành hơn với nghề, bởi ra đây dù là bác sĩ sản khoa, ngoại khoa, nội khoa thì cũng phải đảm nhiệm tốt vai trò của bác sĩ đa khoa...”.
Y sĩ gây mê Trịnh Văn Vương chót yêu biển từ nhỏ nên đã chọn công tác tại đảo từ năm 2005, đúng với môi trường và sở thích của mình để rồi cưới vợ cũng là cư dân của đảo. “Hoàn cảnh gia đình bố mẹ mất sớm nên thích đảo, ra đảo và thích luôn cuộc sống ở đây; mọi người sống đơn giản, chân thành lắm. Đảo với tôi như quê hương thứ 2 vậy...”, anh Vương chia sẻ. Mẹ vợ anh chính là cô Phạm Thị Lân - một trong 5 hộ gia đình từ Cát Bà ra đảo Bạch Long Vĩ năm 1993, từ những ngày đầu thành lập huyện.
Đó là Trưởng phòng Điều dưỡng Đỗ Tiến Dũng. Anh xung phong ra đảo từ năm 2005, hoàn cảnh gia đình rất éo le do vợ ốm nặng, con nhỏ. Nhưng anh đã vượt qua tất cả, hy sinh tình cảm riêng tư, cống hiến hết mình cho đảo, cho nghề. Nhắc đến anh là mỗi nhân viên của bệnh viện đều tự hào về nghị lực vươn lên đặc biệt, về trái tim đặc biệt cho đảo.
Đó là nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương, xuất thân là thanh niên xung phong. Đến nay, chị Hương cùng chồng là bộ đội Trung đoàn 952 (Quân khu 3) đã có gần 20 năm bám đảo. Từ những ngày đầu khó khăn của cơ sở y tế trên đảo, hình ảnh người nữ hộ sinh luôn tận tình đi đến từng cụm, từng nhà dân để kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai, đồng thời tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên đảo là điều mà mỗi người dân trên đảo đều ấn tượng.
Mới đây, những chàng trai cũng rất trẻ như y sĩ Hiệp, y sĩ Long cũng tình nguyện ra đảo công tác từ năm 2014. Họ trở thành lớp cán bộ trẻ nối tiếp thế hệ cha, anh mình. Hiệp bảo “đảo xa thiếu thốn, cả tháng không được về thăm gia đình nhưng chót yêu đảo rồi”. Bố của y sĩ Long cũng là cán bộ tận tụy của đảo trên 20 năm nay.
Hình như với họ, chả có lý do nào đủ lớn cho lựa chọn của mình. Có chăng chỉ là tình yêu với biển đảo, là ước mơ của tuổi trẻ đã khiến lựa chọn ấy trở thành lẽ sống thường tình. Họ coi đảo là quê hướng thứ 2 nên sẵn sàng dồn hết tài năng và tâm sức của mình để cứu chữa người bệnh nơi tiền tiêu.
Những sự hy sinh đáng quý và hiếm hoi, chấp nhận rời bỏ cuộc sống đô thị náo nhiệt, đủ đầy kia dường như đã tiếp thêm cho đảo niềm tin về thế hệ cán bộ kế cận xứng đáng.
“Tiếp nối truyền thống trên đảo thanh niên và chiếm trọn niềm tin của dân đảo”
BS. Phạm Tiến Thành tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về gia đình có truyền thống làm nghề Đông y đến 7 - 8 đời nay của mình. Từ nhỏ, cứ thấy ông ngoại dù khiếm thính nhưng vẫn bắt mạch kê đơn thuốc, anh vô cùng cảm phục ông. Hình ảnh của ông và sự định hướng của bố mẹ rằng nên chọn theo nghề y hoặc nghề giáo đã trở thành động lực để anh chọn ngành y.
Gia đình anh Thành có hai thế hệ đều công tác ở Bạch Long Vĩ. “Bố đi trước, công tác tại đảo, rồi ra trường, tôi cũng xung phong ra đây luôn. Bố tôi kể rằng, người dân mới di dân ra đây lập nghiệp “một manh chiếu lành cũng không có”, nhưng chỉ cần cái tâm, lòng yêu nghề và chăm chỉ rèn luyện thì đều có thể thành công”.
Ngay từ khi mới ra công tác vào năm 2000, BS. Thành đã liên hệ với bác sĩ của Bệnh xá quân y Trung đoàn để tạo kênh liên hệ mật thiết giữa quân và dân y trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đó chính là tiền thân của sự phối hợp để được thành lậpTrung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ như hiện nay.
BS. Thành hay được giao nhiệm vụ tiên phong. Khi phòng khám được nâng cấp thành Trung tâm y tế, anh là một trong những người góp phần xây dựng nền móng y tế cho đảo. Khi trở về đất liền, anh lại được giao nhiệm vụ đồng hành cùng lĩnh vực không mới của thế giới nhưng lại có nhiều bỡ ngỡ của Việt Nam với vai trò Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Phòng.
“12 năm công tác tại đảo nên có cơ hội được quay lại đây - nơi “chiến trường xưa”, nơi khởi nghiệp của mình, nơi cán bộ y tế chúng tôi và bà con nhân dân sống với nhau như người nhà, tôi xung phong ngay”, BS. Thành bùi ngùi chia sẻ.
Chẳng thế mà giai đoạn đầu khi mới rời xa Bạch Long Vĩ để trở về công tác ở đất liền, nhiều đêm anh không ngủ được vì nhớ đảo. Anh thường xuyên chia sẻ bằng những cuộc gọi điện hỏi thăm sức khỏe của anh em đồng nghiệp và tình hình bệnh viện.
“Công tác tổ chức của cấp trên thì tôi không dám bàn, nhưng chú về thì ốm đau, anh biết trông cậy vào ai...”, câu nói của một người dân trên đảo khi biết tin BS. Thành sắp chuyển về đất liền đã khiến anh xúc động phát khóc, trở thành ấn tượng theo mãi cuộc đời làm nghề của anh.
Đó chính là niềm tin, là tình cảm gửi gắm của bà con nhân dân đảo khiến người ra đi không khỏi chạnh lòng.
Bạch Long Vĩ là đảo thanh niên, nên cán bộ ở đây cũng trẻ lắm. Điều thú vị là không chỉ BS. Thành, cả 4 thế hệ giám đốc bệnh viện từ trước đến giờ đều có duyên trở thành giám đốc đúng năm 30 tuổi. Từ BS. Đào Việt Hải (giám đốc thời kỳ 2001 - 2003), BS. Bùi Vi Thế (2003 - 2007), BS. Phạm Tiến Thành (2007 - 2012) cho tới BS. Nguyễn Đức Quân (2012 đến nay) đều có sự trùng hợp đáng nhớ đó.
Giờ đây, khi nhắc đến nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương, người dân và đồng nghiệp lại càng yêu mến, tự hào hơn. Chị chính là người đã hiến máu cho trường hợp bệnh nhân đầu tiên được truyền máu tại đảo. Chị Hương tâm sự về dấu mốc đáng nhớ này của ngày 5/8/2015: “Là cán bộ y tế, làm được gì để cứu bệnh nhân thì mình đều cố gắng, nhất là ở nơi đảo xa như này, không thể có máu ngay được.”
Chiều 5/8/2015, ngư dân Phạm Văn Thiết (41 tuổi, quê Thanh Hóa) bị tai nạn do máy tời cuốn, nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, sốc nặng do mất máu kéo dài, đứt rời hoàn toàn 3/4 cánh tay trái, gãy lộ xương cánh tay. Do bị mất máu quá nhiều, nên sau mổ, bệnh nhân luôn trong tình trạng huyết áp tụt, có nguy cơ tử vong cao. Ngay sau khi được huy động từ ngân hàng máu sống, chị Hương đã tình nguyện hiến máu cho bệnh nhân. Đến 22h cùng ngày, sau khi xem xét đủ điều kiện vận chuyển bệnh nhân trên biển, bệnh viện đã cử 2 y bác sĩ chuyển bệnh nhân về đất liền để xử trí tiếp.
Nghe tin báo về từ đảo, BS. Thành, BS. Hiếu và nhiều đồng nghiệp đang ở đất liền đều thêm cảm phục nghĩa cử nhân ái của chị Hương:
“Người bệnh được cứu phần nhờ có em
Nữ nhi chân yếu tay mềm
Nhưng dòng máu nóng trong em tràn đầy
Niềm tin thắp sáng nơi đây
Vun cho đảo nhỏ mỗi ngày thêm xanh”
Gửi gắm tình yêu đảo nơi gia đình
12 năm gắn bó với đảo, lập gia đình ở đảo, kỷ niệm không bao giờ quên với anh Vương chính là câu chuyện về cái Tết ấm cúng năm 2012. Năm đó, BS. Nguyễn Đức Quân đã đưa cả gia đình ra đảo ăn Tết. Rồi BS. Phạm Văn Hải hay nhiều đồng nghiệp khác cũng chọn đón Tết theo cách này, thay vì lẽ thường khi xa nhà là mong ước được đoàn tụ, được trở về nhà.
BS. Lê Ngọc Trọng (bên trái) trong một lần đón đoàn công tác của Sở Y tế Hải Phòng.
Y sĩ Vương còn nhớ cũng năm đó, một chiến sĩ phòng không đau bụng bất thường vào 13 tháng Giêng, bệnh nhân được chẩn đoán đau bụng giờ thứ 24, trong khi lúc đó, bệnh viện không có máy siêu âm, gây mê cũng không có. Rất may, sau đó bệnh nhân được mổ kịp thời, chậm chút nữa có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Sau 7 ngày, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và dần hồi phục. Vậy là họ đã có ca bệnh “khai xuân” năm mới đáng nhớ như vậy.
BS. Trọng cũng ấn tượng mãi câu chuyện về bác sĩ và bệnh nhân cùng ăn Tết trong bệnh viện. Trong ca trực Tết năm 2014, khoảng mùng 4 Tết, bệnh xá tiếp nhận bệnh nhân bị xuất huyết niêm mạc mũi - vốn không phải chuyên khoa sâu của bác sĩ ở đảo. Nhưng với sự tư vấn và hội chẩn từ đồng nghiệp ở đất liền, người bệnh đã ổn định, bác sĩ cùng bộ đội và nhân dân càng thêm gắn bó đầu năm mới.
Người ở biển lâu năm, chắc chắn hơn ai hết họ sẽ nắm rất rõ mùa biển động hàng năm. Nhưng nắm lịch chắc thế nào thì dẫu sao biển động, bão biển vẫn là chuyện của trời. Những trận áp thấp, bão rồi gió giật cấp 8, cấp 9 nhiều khi đến không báo trước. Vậy là việc chuyển bệnh nhân, việc hứa sẽ về nhà đúng dịp trọng đại của gia đình, ngay cả khi hiếu hỉ... lại trở nên bất khả kháng.
Câu chuyện về ca bệnh vào ngày 8/1/2013 chắc chắn là ký ức không thể nào quên với BS. Quân. Vào khoảng 9h30 phút sáng, chị Nguyễn Thị Nhung (quê Yên Bái) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốc mất máu, da xanh tái, huyết áp tụt. Các bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng của bệnh nhân và phát hiện có nhiều dịch máu, chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ và tiên lượng nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, gió mùa tại đảo Bạch Long Vỹ mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, sóng to nên không thể chuyển người bệnh về đất liền được. Ca mổ cấp cứu sau đó thành công, người bệnh an toàn tính mạng, dù được thực hiện trong tình trạng bệnh viện không có máu dự trữ, trang thiết bị thiếu thốn.
Điều đặc biệt là khi BS. Quân cùng đồng nghiệp đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân thì cũng là lúc ở đất liền, vợ anh chuyển dạ. Chính người thầy trong nghề của BS. Quân là người đã thực hiện ca mổ, chào đón bé thứ 2 của gia đình anh.
Và để rồi năm sau đó, giữa hè 2014, ai cũng xúc động khi đọc được dòng thư anh viết tặng sinh nhật con gái lớn:
“Giữa biển khơi cha viết vội dòng thư
Gửi quê nhà mừng con tròn 6 tuổi
Lỗi với con vì lời cha hứa vội
6 tuổi hoa - 5 mùa cha vắng mặt
Mẹ thay cha gánh vác trọn việc nhà
Cho tiếng cười con vang tận Đảo xa
Cha thấy ấm lòng đêm ngày giữ Đảo…”
Nếu gọi các anh, các chị đang công tác ở Trung tâm y tế tại đảo là “những người hy sinh thầm lặng” thì tôi tin sự hy sinh ấy chưa thể lớn bằng sức mạnh và hy sinh của những người hậu phương. Bởi nếu không có những người thân cảm thông, chia sẻ sâu sắc thì khó có thể có những người tiền tuyến “toàn tâm toàn ý” cho đảo đến vậy.
Đất liền và đảo - khoảng cách vời vợi ấy như ngày càng gắn lại bởi tình cảm của dân đảo, của người đất liền, bởi những khó khăn ngày nào đã được vơi bớt. Tháng 7/2016 vừa qua, UBND thành phố Hải Phòng đã ký quyết định thành lập Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ trên cơ sở kết hợp toàn diện giữa Bệnh xá Tiểu đoàn phòng thủ đảo và Bệnh viện đa khoa huyện. Trong tương lai, với quy mô lớn hơn, đây sẽ trở thành cơ sở y tế quy mô để đảm bảo toàn diện công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội (công tác quân y) và cho cán bộ, nhân dân huyện đảo và ngư dân trên biển (công tác dân y).
Rồi hệ thống telemedicine (hỗ trợ y tế từ xa) kết nối 3 điểm cầu Viện Y học biển, Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ và Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cũng mới được nghiệm thu và chính thức đưa vào hoạt động. Ngoài việc hội chẩn các ca bệnh phức tạp qua đường truyền số hóa, khám bệnh từ xa thông qua hỏi đáp thông tin từ người bệnh hoặc nhân viên y tế đang yêu cầu trợ giúp, hệ thống còn hỗ trợ y tế cho các tàu cá thông qua hệ thống vô tuyến sóng ngắn HF với 3 tần số 72150, 83250, 93450 cùng tổng đài 19009020.
Xa quê nhiều năm, mỗi người một điều kiện khác nhau nhưng những chiến sĩ áo trắng đã gắn bó với nhau, chung sức đồng lòng bám trụ tại đảo. Chính nhờ có đam mê, tâm huyết với nghề, nhờ sự tin yêu của bà con, các thế hệ cán bộ y tế tại Bạch Long Vĩ mới có thể bám biển, bám đảo, say mê cống hiến cho sức khỏe của người bệnh đến vậy. Và chính họ lại trở thành liều thuốc tinh thần, là điểm tựa sức khỏe cho bà con và ngư dân trên đảo.
(Ảnh tư liệu của các đồng nghiệp)