* 6.000 thầy thuốc trẻ khám bệnh miễn phí cho 100.000 người trên cả nước
* Tuyên dương 10 gương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014
Sáng ngày 17/5, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng năm 2015 đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với sự tham gia của 6.000 thầy thuốc trẻ, khám và phát thuốc miễn phí cho khoảng 100.000 người dân cả nước.
Tại ngày hội điểm cấp Trung ương diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến tham dự ngày hội.
Các thầy thuốc trẻ khám miễn phí cho người dân tại ngày hội điểm cấp trung ương
Tiếp nối thành công trong năm 2011, 2012, 2013 và 2014, Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2015 được triển khai với các nội dung chính: Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong cả nước; tặng quà, mổ mắt miễn phí cho người cao tuổi; tuyên truyền phòng chống ung thư cho người dân; tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản cho giáo viên và tư vấn dinh dưỡng cho cha mẹ học sinh tại các trường mầm non, tiểu học; tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện và tổ chức các ngày hội rửa tay bằng xà phòng phòng chống dịch bệnh cho trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long biểu dương những hoạt động của Hội Thầy thuốc trẻ trong thời gian qua đã từng bước khẳng định là lực lượng năng động, sáng tạo, luôn có tinh thần học tập, rèn luyện, nâng cao y đức và trình độ chuyên môn, có ý chí và khát vọng vươn lên. Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh thành phố, lãnh đạo các BV, cơ sở y tế quan tâm chỉ đạo tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, nguồn lực để tuổi trẻ, thầy thuốc trẻ hoạt động…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chúc mừng 10 gương Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2014.
Anh Trần Văn Thuấn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Chương trình năm nay có sự tham gia của 6.000 thầy thuốc trẻ; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 100.000 người dân; mổ mắt miễn phí cho 1.000 người cao tuổi; tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản cho 5.000 giáo viên của 700 trường mầm non, tiểu học trong toàn quốc; vận động hội viên, thanh niên hiến máu tình nguyện, tiếp nhận 13.000 đơn vị máu; tổ chức ngày hội rửa tay bằng xà phòng phòng chống dịch bệnh cho 50.000 trẻ em.
Tại Ngày hội điểm cấp Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho 500 người dân gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo nhập cư của thành phố Hà Nội; tổ chức khám sàng lọc và tuyên truyền phòng chống ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho 500 phụ nữ; tổ chức Ngày hội rửa tay bằng xà phòng cho 300 trẻ em phòng chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cơ bản cho giáo viên các trường mầm non, tiểu học của thành phố Hà Nội; tổ chức hiến máu tình nguyện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người dân đến khám bệnh.
Cũng tại Ngày hội điểm cấp Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tuyên dương 10 gương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”, phần thưởng cao quý nhất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế.
Thầy thuốc trẻ dấn thân
10 gương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 được tuyên dương lần này là các y bác sĩ tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ là những y bác sĩ tận tâm với nghề, tận tụy vì người bệnh.
Y sĩ, Trung úy Đặng Quang Bắc, SN 1980 công tác tại Phòng khám Quân dân Y kết hợp Buôn Drang Phok, xã Krong Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2013, anh đã cùng tập thể Phòng khám quân-dân y kết hợp khám và điều trị tuyệt đối an toàn cho trên 5.000 lượt người bệnh. Có rất nhiều người dân nghèo bị mắc bệnh, nhưng không đi khám chữa bệnh vì sợ không có tiền trả tiền thuốc và tiền công cho y, bác sỹ. Khi phát hiện thấy những trường hợp hoàn cảnh như thế; trạm quân- dân y lại xuống tận nơi khám, cấp thuốc miễn phí và động viên gia đình, cá nhân lên khám tại cơ sở Phòng khám quân-dân y. Cũng có nhiều trường hợp người dân ở bên nước bạn khi đến trạm chữa bệnh không có tiền để mua thuốc, Phòng khám quân-dân y kết hợp cũng đã cấp thuốc miễn phí. Bằng việc làm trên, có nhiều người dân nghèo đã xóa bỏ được tự ti, mạnh dạn đến Phòng khám quân-dân y để khám chữa bệnh từ những việc làm trên đã tạo được niềm tin và tình cảm sâu sắc của người thầy thuốc BĐBP đối với người dân nghèo nơi biên giới xa xôi. Tỷ lệ tiêm phòng 97% tiêm chủng, chiến dịch sởi 97%.
Hay như Bác sĩ điều trị Khoa khám và Hồi sức cấp cứu Bệnh viện huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai – chị Rơ Chăm Ly Va tốt nghiệp Học viện Quân y, chuyên ngành bác sĩ đa khoa theo chương trình cử tuyển của đồng bào thiểu số, sau khi tốt nghiệp, được phân công về công tác tại trạm y tế xã Ia Tul. Nơi đây, cơ sở vật chất sơ sài, thiếu thốn. Đây là trạm y tế thuộc vùng khó khăn của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Nhân lực thiếu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế tạm bợ cùng với khí hậu khắc nghiệt, đa số người dân chưa ý thức thực hiện vệ sinh môi trường... nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Đông đảo người dân đến khám và được phát thuốc miễn phí.
Là bác sĩ thuộc tuyến cơ sở, tiếp xúc với dân nhiều nhất trong khi số lượng nhân viên y tế lại rất ít, lòng yêu nghề và sự tận tâm với công việc nên công việc của bác sĩ Rơ Chăm Ly Va rất vất vả, nhưng chị chia sẻ “tôi vẫn bám nơi này vì mình là người đồng bào nên mình phải phục vụ đồng bào của mình; niềm vui của tôi là chữa khỏi bệnh cho người”. Bác sĩ Rơ Chăm Ly Va luôn nỗ lực và động viên đồng nghiệp vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với cương vị là Phó Trưởng trạm Y tế, chị luôn chủ động trong mọi công tác: xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn, triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu cấp trên giao và phân công đôn đốc cán bộ ở trạm cùng thực hiện. Kết quả là hầu hết chỉ tiêu hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, các dịch bệnh đều được phát hiện sớm và khống chế kịp thời... Đặc biệt, nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe đã thay đổi đáng kể, những hành vi không có lợi cho sức khỏe như cúng bái khi nhà có người đau ốm, không đưa con đi tiêm chủng vì sợ sốt... nay đã không còn. Đồng bào đã tìm tới trạm để khám chữa bệnh nhiều hơn chứ không còn tìm đến thầy mo, thầy cúng như trước nữa. Đó là thành công bước đầu của trạm và cũng là niềm vui và động lực để chị tiếp tục công việc của mình ở đây.
Bác sĩ Khoa Chẩn đoán Hình ảnh Trần Văn Phúc, BVĐK Xanh Pôn Hà Nội không những giỏi về chuyên môn, anh còn tham gia viết nhiều bài báo, làm nhiều chương trình truyền hình và phát thanh về giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân. Đặc biệt, trong hai năm (2013 – 2014) đã viết 9 bài báo về những vấn đề nóng của ngành y tế, được dự luận và đồng nghiệp đánh giá cao. Là nhân vật chính trong phim tài liệu “Nỗi đau người thầy thuốc”: Bộ phim có nội dung cơ bản từ 9 bài báo trên đây, các câu chuyện và nhân vật trong phim đều có thật, khách quan, trung thực....
Dương Hải