Lần đầu từ Hà Nội vào Vũng Tàu tham dự trại sáng tác do Hội NSSK Việt Nam tổ chức cho các tác giả viết kịch, bất ngờ và ấn tượng nhất với tôi lại là những người thầy thuốc ở Bệnh viện Lê Lợi của thành phố này.
Số là đi trại sáng tác được 4 ngày, bỗng tôi đau bụng dữ dội, mặt vàng ệch và nóng bừng. Tôi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Lợi vào tối 21/9/2013. Phòng cấp cứu tại đây kín bệnh nhân nhưng trật tự. Có bệnh nhân bị hành hung, người nhà sốt ruột tới mức hùng hổ như muốn gây sự nhưng các nhân viên y tế tại phòng cấp cứu vẫn bình tĩnh giải thích và đưa bệnh nhân vào bên trong. Có nằm trong phòng cấp cứu mới thấy hết sự nguy hiểm của thầy thuốc vì bệnh nhân dù nặng nhẹ ra sao thì người nhà đều coi là nghiêm trọng nhất, cần được ưu tiên nhất. Gặp người nhà bệnh nhân thiếu văn hóa và thiếu hiểu biết trong lúc cấp cứu dồn dập thì thầy thuốc rất dễ bị gây sự và hành hung. Tôi được BS. Dụng khám và cho nhập viện ngay. Trong đêm, các thầy thuốc ở đây đã lấy máu xét nghiệm, soi ổ bụng... Và tôi nghĩ nếu nhân thời gian, công việc dành cho tôi với số bệnh nhân ở phòng cấp cứu thì quả là công việc khổng lồ mà dư luận vẫn gọi là quá tải.
Vì được cấp cứu và điều trị kịp thời với thuốc uống, dịch truyền trong đêm nên sáng hôm sau bệnh của tôi hết, không còn đau đớn gì nữa. Do vướng công việc ở trại sáng tác, tôi tha thiết xin về. Không được về, tôi đã viết 2 lần vào bệnh án xin ra viện với cam đoan "hoàn toàn chịu trách nhiệm". Với sự quá tải và vất vả như thế, tôi nghĩ các thầy thuốc sẽ đồng ý vì bớt một bệnh nhân sẽ đỡ vất vả hơn, nào ngờ BS. Bàn - Trưởng khoa Nội khuyên tôi phải ở lại điều trị. Dù rất bận, nhưng anh vẫn ngồi bên tôi tâm tình như một người em (tôi 68 tuổi) chỉ ra bệnh trong người tôi và khuyên tôi yên tâm điều trị.
Lúc chuẩn bị đi, tôi vội nên quên không mang theo thẻ bảo hiểm y tế. Lần đầu vào bệnh viện lại đông như thế, không có thẻ bảo hiểm thì lúc ra viện cứ đúng luật mà làm, nhưng bác sĩ trưởng khoa lại bảo tôi ghi số thẻ bảo hiểm rồi gọi về nhà để gửi gấp thẻ vào sau. Không hề quen biết nhưng các bác sĩ ở đây không chỉ chữa bệnh mà còn lo cho tôi cả những chuyện ngoài bệnh tật. Chỉ có những người thân mới làm như thế và các anh chị ở đây thật đúng là "mẹ hiền".
Sau một tuần nằm viện, được các y, bác sĩ, hộ lý, y tá tận tình chăm sóc, điều trị nên sức khỏe của tôi đã hồi phục, trở về nhà sáng tác Vũng Tàu để hoàn thành tác phẩm. Tôi vô tình bị cấp cứu mà như được đi thực tế. Ra viện có chút quà để trong phong bì thể hiện sự biết ơn mà các bác sĩ chỉ cảm ơn và không ai nhận cho.
Tôi xin chân thành cảm ơn các y, bác sĩ, hộ lý, y tá Khoa Nội - Bệnh viện Lê Lợi đã tận tình chăm sóc, nêu cao y đức "thầy thuốc như mẹ hiền". Là tác giả viết chèo, tôi xin gửi tặng các y, bác sĩ câu ca Y Đức (theo làn điệu Lý cây bông - dân ca Nam Bộ) :
Nêu cao y đức phục vụ bệnh nhân - như người thân.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm - thương bệnh nhân.
Bài ca y đức như mẹ hiền - lời Bác Hồ đã khuyên.
Bài ca y đức như mẹ hiền - nhớ từng lời Bác khuyên:
"Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở
Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình
Bệnh nhân về dặn dò chu đáo
Lương y phải như từ mẫu".