Những thầy thuốc mang lại tết đoàn viên

20-01-2023 08:00 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Hà Nội một ngày mùa đông, khi những cơn gió lạnh ngoài kia khiến bao người cảm thấy co ro trong cái rét thì ở nơi đây, trong Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện E, tôi vẫn thấy những giọt mồ hôi rịn trên trán, thấm trên áo blouse của những người thầy thuốc.

Bất kể ngày hay đêm, họ vẫn đang vật lộn với tử thần giành giật lại sự sống cho người bệnh hiểm nghèo và mang lại cho gia đình họ một mùa xuân ấm áp, đón Tết đoàn viên trong hạnh phúc!

"Cảm ơn các bác sĩ đã cho tôi được sống tiếp cuộc đời tươi đẹp này..."

Đó là lời tâm sự tràn đầy cảm xúc của bà Lê Thị Kim, ở Hải Phòng. Đã 3 năm trôi qua nhưng bà vẫn nhớ như in cái ngày mình nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện E trong tình trạng "thập tử nhất sinh".

Bà mắc bệnh đái tháo đường hơn 30 năm, đã có những biến chứng, từng được đặt stent động mạch vành tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E. Lần này, bà nhập viện trong tình trạng phù phổi cấp, suy tim, suy thận mạn. Các con đưa bà từ Hải Phòng lên Bệnh viện E trong tâm trạng lo âu, căng thẳng vì diễn biến của mẹ mình trở nặng rất nhanh. Bà được các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Hồi sức tích cực và chống độc phối hợp hội chẩn đưa ra phương pháp điều trị và quyết định kịp thời thực hiện phương pháp thẩm tách siêu lọc máu, đã mang lại hiệu quả ngay lần đầu thực hiện.

Những thầy thuốc mang lại tết đoàn viên - Ảnh 1.

Thực hiện can thiệp mạch cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ tại Khoa Cấp cứu, BV E.

Tết năm ấy là một trong những cái Tết hạnh phúc nhất của gia đình bà mà mỗi lần nhắc tới, bà lại xúc động kể lại câu chuyện của mình với tình cảm yêu thương, trân trọng những người đã nỗ lực cứu sống, cho bà được tiếp tục cuộc sống hạnh phúc bên gia đình của mình.

Còn đối với bà Nguyễn Thị T. (77 tuổi, ở Nam Định), một bệnh nhân bị sốc tim nguy kịch do viêm cơ tim cấp vừa được các bác sĩ Bệnh viện E hồi sinh thành công bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo ECMO cũng là những tháng ngày không thể nào quên.

Ngày 24/8, bà cảm thấy khó thở nhiều, đau ngực dữ dội lan ra sau lưng, người nhà đưa bà đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện và được chuyển cấp cứu lên bệnh viện tuyến tỉnh với chẩn đoán nghi ngờ nhồi máu cơ tim. Sau đó bà được chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E trong tình trạng khó thở, mệt nhiều, da tái lạnh, huyết áp tụt, xét nghiệm men tim tăng cao bất thường... Các bác sĩ nghĩ đến người bệnh bị viêm cơ tim có biến chứng sốc tim với nguy cơ tử vong rất cao.

Bà được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và chống độc trong tình trạng diễn biến nặng phải đặt ống nội khí quản thở máy xâm nhập. Đồng thời phối hợp các thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp. Tuy nhiên huyết áp bà vẫn rất thấp, rối loạn nhịp tim xuất hiện liên tục và bà đã phải sốc điện trên 5 lần để duy trì nhịp tim.

Xác định người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch, không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy (thở máy, dùng thuốc vận mạch...); các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và hồi sức tích cực đã khẩn trương hội chẩn và thống nhất quyết định chỉ định kỹ thuật V-A ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo phương thức hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch - động mạch) nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng tim và tuần hoàn cho người bệnh.

Nhớ lại thời khắc khó khăn nhất, khi mà các bác sĩ Cấp cứu, Tim mạch, Hồi sức tích cực và chống độc, Chẩn đoán hình ảnh, Huyết học, Sinh hóa... dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Bệnh viện E nỗ lực giành giật lại sự sống cho người bệnh, ThS. BS. Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc chia sẻ: Ngay sau khi hệ thống ECMO được "kích hoạt" kết nối với người bệnh, oxy máu của người bệnh được đảm bảo, các chỉ số huyết động dần ổn định. Hy vọng sống của người bệnh được "thắp lên" nhưng các bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải theo dõi, ghi chép, điều chỉnh liên tục từng giờ và luôn phải túc trực 24 giờ/ngày và tiến hành hội chẩn liên tục để tìm phương án điều chỉnh tối ưu nhất cho người bệnh.

Cuối cùng, sau 7 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, được rút ống nội khí quản, thở oxy qua gọng kính, chức năng tim co bóp tốt, không đau ngực, ngừng duy trì thuốc vận mạch và được kết  nối ECMO. Bà Nguyễn Thị T. đã được hồi sinh diệu kỳ bằng sự nỗ lực, tập trung trí tuệ của các thầy thuốc Bệnh viện E và kỹ thuật V-A ECMO - một trong những kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp nhất trong chuyên ngành hồi sức tích cực, mở ra hy vọng sống cho những người bệnh nguy kịch, ở giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Những thầy thuốc mang lại tết đoàn viên - Ảnh 2.

Niềm vui của bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc khi cứu sống bệnh nhân bị sốc tim ở Nam Định.

Một trường hợp may mắn khác là anh N.A.T (26 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội), được cấp cứu 115 chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện E ngày 25/2/2021 trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím tái toàn thân, tiên lượng hết sức nặng nề.

Mặc dù đã được các bác sĩ Khoa Cấp cứu nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, khôi phục nhịp tim nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu và phải duy trì phối hợp thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim - huyết áp.

Cuộc hội chẩn khẩn trương giữa các bác sĩ của Khoa Cấp cứu, Trung tâm Tim mạch và Khoa Hồi sức tích cực - chống độc đã đưa ra phương án vừa phải áp dụng các biện pháp hồi sức cứu sống, vừa phải giảm tối đa việc để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề cho người bệnh.

Nhờ sự phối hợp cấp cứu nhanh chóng của đội ngũ bác sĩ Khoa Cấp cứu cùng sự nỗ lực của tập thể các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc và áp dụng kỹ thuật kiểm soát thân nhiệt, các biện pháp hồi sức đã cứu sống người bệnh. Đến nay anh N.A.T đã có thể trở lại cuộc sống thường ngày và đi làm trở lại bình thường như chưa hề phải trải qua những ngày sự sống quá đỗi mong manh...

Mỗi ngày trôi qua, mỗi một người bệnh được cứu sống, mỗi một con người được tiếp tục sống những ngày tháng tươi đẹp, đoàn viên như bà Lê Thị Kim, bà Nguyễn Thị T., hay chàng trai trẻ N.A.T lại được tiếp tục thực hiện ước mơ tương lai dang dở của mình... là những niềm vui, điều kỳ diệu của cuộc sống. Nhưng để làm nên những điều kỳ diệu đó, tôi đã thấy rất nhiều những vất vả, hy sinh, những trăn trở, cống hiến và cháy hết mình bởi lời thề Y đức, làm tròn nghĩa vụ chữa bệnh cứu người của những người thầy thuốc.

Hạnh phúc đời thường của bà Lê Thị Kim.

Hạnh phúc đời thường của bà Lê Thị Kim.

"Một cuộc đời có thể sống cho người khác mới là cuộc đời đáng giá"

Có lẽ đó là tâm niệm của biết bao người khi chọn nghề Y, một cái nghề có ý nghĩa cao đẹp nhưng vô cùng gian truân, vất vả, cần nhiều công sức, trí tuệ, cả đời học tập và tôi luyện bản lĩnh vững vàng. 16 năm trước, chàng sinh viên Đại học Y Hà Nội Đỗ Quốc Phong (nay là Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện E) đã chọn con đường làm bác sĩ cấp cứu và điều trị tích cực với mong muốn sẽ nỗ lực cả cuộc đời mình để mang lại sự sống cho người bệnh. Với BS. Phong cũng như các bác sĩ cấp cứu và hồi sức tích cực khác: "Một cuộc đời có thể sống cho người khác mới là cuộc đời đáng giá"!

Tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện E, Trưởng khoa Cấp cứu - ThS. BSCKII. Phạm Xuân Hiếu cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 200 ca cấp cứu, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng như đột quỵ, chấn thương sọ não, nhồi máu cơ tim... Có những lúc vào thời điểm bùng phát các bệnh như: Sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, tiêu chảy hay thay đổi thời tiết đột ngột chuyển lạnh, gia tăng nhiều người bị đột quỵ... thì từ sáng đến đêm, các bác sĩ liên tục khám cấp cứu cho người bệnh, có lúc hai bàn chân tê cứng, bụng đói cồn cào nhưng không thể nghỉ ngơi vì người bệnh quá đông, nhiều trường hợp nguy kịch phải xử trí can thiệp tích cực ngay.

Bệnh viện là nơi tất cả chúng ta không ai muốn tới. Tuy nhiên, nếu được chứng kiến một đêm trực tại Phòng Cấp cứu hay Phòng Điều trị tích cực, chúng ta mới thấu hiểu được những vất vả, căng thẳng, hy sinh của đội ngũ thầy thuốc tại đây.

Thời điểm tôi có mặt tại Phòng Cấp cứu là lúc một bệnh nhân nữ ở Hà Nội bị đột quỵ được người nhà đưa vào trong tình trạng liệt nửa người. Trước đó, lúc 5h sáng, người bệnh được phát hiện ngủ không dậy được, gọi, hỏi khó đáp ứng...

Các bác sĩ lập tức khám kỹ và hội chẩn người bệnh bị nhồi máu não cấp trong giai đoạn giờ vàng (4 - 5 giờ) cần phải xử trí can thiệp mạch để hút huyết khối (cục máu đông) động mạch não ngay để giữ tính mạng và hạn chế di chứng nặng nề sau đột quỵ.

Vậy là người bệnh được chuyển vào phòng can thiệp mạch. Ngay trong giờ nghỉ trưa, các bác sĩ vẫn làm việc liên tục và căng thẳng, cố gắng từng giây phút giành giật lại sự sống cho người bệnh.

Không thể có thời gian đứng lại để trả lời tôi, bác sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu luôn trong trạng thái tất bật, vội vã, anh nói nhanh cho tôi biết, sau khi can thiệp mạch, người bệnh sẽ được chuyển lên Khoa Hồi sức để tiếp tục thực hiện các biện pháp điều trị tích cực.

Hiếm hoi biết mấy có được đôi chút yên ả, bởi dường như không gian ngột ngạt, căng thẳng của Phòng Cấp cứu liên tục như bị xé toang bởi tiếng còi xe cấp cứu, tiếng chân bước dồn dập, những tiếng gọi bác sĩ ơi và rồi những bóng áo trắng lại thoăn thoắt, vội vã. Ngày trôi qua, đêm đến, cho đến khi vừng Đông hé rạng, một ngày mới tất bật lại bắt đầu...

Rời Phòng Cấp cứu cuối giờ tan tầm, khi ánh đèn khắp các nẻo đường đã bật sáng, những người trong ca trực đêm trước trở về nhà. Họ có thể nghỉ ngơi với gia đình sau một ngày đêm căng thẳng, vất vả nhưng cũng có thể phải quay lại bệnh viện ngay sau tiếng chuông điện thoại. Nơi ấy - bệnh viện - là nơi họ cần đến để chữa bệnh cho mọi người. Họ - những thiên thần áo trắng với trái tim yêu thương, với trách nhiệm cao cả vẫn đang từng ngày, từng giờ góp phần đem lại mùa xuân ấm áp cho mọi người, mọi gia đình!

Dương Thanh Hoàn
Ý kiến của bạn