Những thầy thuốc luôn chọn tuyến đầu

08-12-2015 07:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Bản thân họ đã làm nên những bông hoa đẹp, vẽ nên những hình ảnh người thầy thuốc tận tâm với nghề, với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân…

Họ là những bông hoa điển hình đại diện cho hàng trăm ngàn cán bộ y tế đang miệt mài ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân dự Đại hội thi đau yêu nước toàn quốc lần thứ IX vừa kết thúc tại Hà Nội hôm 7/12. Nghe những câu chuyện họ kể, nghe những việc họ đã làm, chứng kiến những kết quả đó, mới thấy dường như trong họ, những đam mê, những đau đáu dành cho nghề y- cho nghiệp thầy thuốc luôn luôn dâng tràn. Bởi có lẽ vì thế mà bản thân họ đã làm nên những bông hoa đẹp, vẽ nên những hình ảnh người thầy thuốc tận tâm với nghề, với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân…

Người bác sĩ 30 năm coi đảo là nhà

Trong gần 1.800 đại biểu về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, câu chuyện của vị bác sỹ có hơn 30 năm gắn bó với đảo xa, lấy "bàn sinh làm bàn mổ”, dùng dụng cụ phẫu thuật hấp trên bếp dầu để cứu sống bệnh nhân, ba lần được người dân đồng loạt viết tâm thư xin “giữ” ở lại huyện đảo khiến cả hội trường lặng đi, nhiều vị đại biểu mắt đỏ hoe vì xúc động.

Đó chính là câu chuyện của bác sỹ Bùi Đình Lĩnh hiện đang công tác tại BV Quân dân y Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Sống và công tác trên hòn đảo cách xa đất liền 56 hải lý, xa vợ, xa con lại thiếu thốn đủ bề, vị bác sỹ già tâm sự, đôi khi nhìn những chuyến tàu chở dân vào đất liền, lòng ông cũng “vụng trộm” ý định trở về quê. Nhưng lần nào cũng thế, tấm chân tình của bà con huyện đảo lại khiến lòng ông day dứt: “Ngày tôi đăng ký đi cũng chỉ nghĩ đơn giản là theo đợt cán bộ tăng cường 3 năm là trở về, ai ngờ lại gắn bó với huyện đảo đến 30 năm…”.

Nhớ lại những ngày đầu mới nhận công tác, bác sỹ Lĩnh chia sẻ, khi ấy huyện đảo Phú Quý bốn bề chỉ là cát trắng, điện không có, đường đi lối lại vẫn còn sơ khai. Bệnh viện của huyện rộng hơn 300m2 nhưng chỉ là những căn nhà cấp 4 được ghép bằng gạch tạm bợ. Dụng cụ y tế cũng chỉ “lèo tèo” vài cái “nhiệt kế”, “ống nghe” , dụng cụ khám tai mũi họng nên thiếu thốn trăm bề.

BS Bùi Đình Lĩnh thăm khám cho người bệnh  (Ảnh báo Lao động)

Thậm chí, người dân huyện đảo khi ấy nhận thức còn rất hạn chế, ai có bệnh đều nhờ đến thầy cúng, làm lễ trừ tà chứ ít khi đến BV điều trị. Bà con không tin đau ruột thừa có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật mà gọi đó là biểu hiện của “cò mối bắt”. Nhiều ngư dân đi đánh cá xa bờ đã chết ngay trên ghe thuyền vì không được điều trị kịp thời. Chính vì thế, ca mổ ruột thừa của bác sỹ Lĩnh vào năm 1987 được coi là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự thay đổi của cả một huyện đảo.

Bác sỹ Lĩnh kể, cho đến bây giờ ông vẫn không thể quên thời khắc “sinh tử” và giây phút căng như dây đàn trong ca mổ “chưa có trong tiền lệ ấy”: “Bệnh nhân khi ấy là người phụ nữ từ được chuyển từ xã Long Hải bị đau bụng hơn một tuần chỉ ở nhà mời thầy cúng đến chữa nhưng không khỏi. Gió bấc dữ dội, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch nhưng không thể chuyển ra BV ở Phan Thiết. Khi ấy, trong gang tấc tôi đã quyết định phẫu thuật khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân…”.

Thiết bị y tế thiếu thốn nên gần như mọi chẩn đoán bệnh đều được bác sỹ Lĩnh dựa vào các biểu hiện lâm sàng và kiến thức được học để chuẩn đoán. Khám “chay” mãi lại trở thành một phản xạ nghề nghiệp. Vị bác sỹ già kể, chỉ cần ai có biểu hiện gì, như thế nào ông cũng có thể chẩn đoán gần như chính xác từng loại bệnh đó. Đến nỗi, có đợt một đoàn bác sỹ đất liền vào công tác, xem hồ sơ bệnh nhân và tỷ lệ chữa trị thành công của bệnh viện cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên và thán phục.

Có mặt tại buổi giao lưu, những lời kể năm xưa lúc còn nhỏ khi bố không ở nhà của con gái bác sỹ Lĩnh đã khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động.

Đó là những câu chuyện buồn như một lần bố cho bánh ngoài cổng nhưng cô lại không nhận ra là bố, hay những lần bố về thăm nhà, khi hết phép bố phải đi thì cô lại bám lấy khóc không cho ông đi, thậm chí mỗi lần đi học về cô lại không dám bước vào nhà vì sẽ cảm thấy sự trống vắng khi không có bố...

Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh tâm sự: Đã có nhiều lúc phải suy nghĩ đắn đo nhưng may mắn ông có một người vợ trung hậu, đảm đang, cô con gái thương yêu thường xuyên động viên ông yên tâm công tác.

"Lá thư của con gái gửi cho tôi năm lớp 5: 'Bố em ở xa lắm, tận miền đảo xa xôi. Bố là bác sỹ đó, cứu chữa cho bệnh nhân. Ngày đêm bố tất bật, vì bệnh nhân mong chờ. Thương bố em phải cố, học tập chăm thật chăm' đã giúp tôi có thêm nghị lực để tiếp tục công tác ở đảo, chăm lo cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sỹ, bà con trên đảo", bác sỹ Lĩnh xúc động kể lại.

Người hồi sinh sự sống từ những cái chết

PGS.TS, Anh hùng Lao động, Thây thuốc Nhân dân Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức là người đi đầu thực hiện thành công ca ghép gan từ người sống, người chết não - một trong những thành tựu y học xuất sắc của y tế Việt Nam. Để trở thành một bác sĩ ngoại khoa giỏi, đầu ngành phẫu thuật gan mật, gần 40 năm gắn bó với nghề ông đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, nghiên cứu, tìm tòi, say mê với công việc đầy nhọc nhằn và vinh quang. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết nổi tiếng là người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với thử thách”.

Trước khi thực hiện ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, đã có người gàn ông đừng đánh đổi danh tiếng, sự nghiệp của người thầy thuốc lấy trọng trách nặng nề đó nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Bởi vì, sau nhiều đêm trở về từ phòng mổ trong đầu ông vẫn hiện lên hình ảnh những bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, vật vã trong tuyệt vọng. Muốn cứu sống những bệnh nhân này, chỉ có nguồn tạng từ người cho chết não. Nhưng làm thế nào để vận động được nguồn tạng này không hề dễ dàng. Đích thân ông đã thực hiện hàng nghìn cuộc vận động thân nhân người chết não, giải thích để họ hiểu rằng, hiến tạng chính là hồi sinh sự sống từ cái chết – hành động mang tính nhân văn cao cả.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đang chẩn đoán chấn thương tại BVĐK tỉnh Lai Châu

Tôi cảm nhận được nhiệt huyết của vị bác sĩ được báo chí chúng tôi đặt cho tên gọi “bác sĩ đanh đá” với những việc ông đã, đang và tiếp tục gắn bó đó là ghép tạng. bởi lần nào gặp ông, hỏi ông về công việc này, ông cũng đều say mê, nhiệt tình chia sẻ. Mới đây nhất, thành công của hai ca ghép gan và tim tại BV Hữu nghị Việt Đức hy hữu khi hai tạng này vượt hành trình gần 1.800 km từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội một lần nữa khẳng định tay nghề và trình độ ghép tạng của các thầy thuốc Việt Nam, mà ở đây là các thầy thuốc BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy không thua kém các nước trong khu vực. Khi nói về thành công của ca ghép, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, người trực tiếp tham gia ca ghép tạng khẳng định: Hai con người sống như ngọn đèn dầu trước gió đã vượt qua cửa tử, có một cuộc sống mới, nhờ trái tim, lá gan của người không may mắn mất đi vì chết não. Nhưng để có cú “vượt qua cửa tử” đó là nhờ trái tim nhân hậu của gia đình người hiến tạng vượt qua nỗi đau mất người thân; sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng của hơn 100 cán bộ y tế của hai BV: Việt Đức, Chợ Rẫy cũng như sự hỗ trợ kịp thời của nhiều cơ quan hữu quan.

Ông vừa hoàn thành  nhiệm vụ quản lý một bệnh viện đầu ngành, vừa đảm trách xuất sắc công việc của một phẫu thuật viên, chẩn đoán nhanh, điều trị kịp thời, không gây bất cứ điều gì phiền hà cho bệnh nhân, hết lòng tận tình cứu chữa bệnh nhân và ông đã mang lại sự sống cho hàng trăm người bệnh. Trong công tác lãnh đạo, ông luôn công khai, minh bạch, dân chủ; sống giản dị, thẳng thắn, cương quyết, trách nhiệm và đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực kế cận. Hơn 10 năm qua, BV Việt Đức - nơi ông gắn bó đã đạt nhiều thành tựu: tăng gấp đôi số giường bệnh, hơn 70% số ca phẫu thuật là ca bệnh đặc biệt, kỹ thuật ghép tạng trở thành thường quy...

Gắn bó gần hết cuộc đời với sự nghiệp cứu người, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết được vinh danh với nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Thầy thuốc ưu tú; Thầy thuốc nhân dân; Chiến sĩ thi đua toàn quốc và là một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội năm 2014…

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ với báo giới về thành công của ca ghép tạng xuyên Việt

"Trong khi chờ đợi, chúng ta phải hành động thôi"

Cũng gắn bó và trưởng thành tại BV ngoại khoa hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước- BV Hữu nghị Việt Đức, Thầy thuốc nhân dân, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn-Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia là một thầy thuốc khiến chúng tôi có nhiều ấn tượng, bởi trước khi bắt đầu câu chuyện tại cuộc họp báo của BV tổ chức về ghép tạng, GS Sơn đã hỏi ngay các nhà báo có mặt trong hội trường là “các nhà báo có sẵn sàng đăng ký hiến tạng của mình?”, và rồi trên tay anh những tờ đơn đăng ký hiến tạng được phát ra…  Chia sẻ với báo chí, GS Sơn bảo rằng, “đó là thói quen của tôi hình thành từ 2-3 năm nay, khi Bộ Y tế giao cho tôi làm Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia. Thực ra, ở các nước trên thế giới, những bác sĩ như chúng tôi chỉ thực hiện những công việc thuần chuyên môn, đó là đứng trong phòng mổ, tiến hành những ca mổ để cứu người. Còn việc đi vận động sẽ có một hệ thống chuyên trách, với những người được đào tạo bài bản cả về kiến thức y học lẫn tâm lý học. Họ được trả lương và làm việc rất chuyên nghiệp. Nhưng ở Việt Nam mình chưa làm được việc đó. Trong khi chờ đợi, chúng tôi phải hành động thôi!”

GS.TS Trịnh hồng Sơn chúc mừng bệnh nhân được ghép tim thành công

Chúng tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt, những nụ cười hạnh phúc của không ít gia đình có người thân được các thầy thuốc BV Việt Đức hồi sinh sự sống nhờ ghép tạng. Và chúng tôi cũng biết rằng trong điều kiện thực tế hiện nay, khi nguồn tạng cung không đủ cầu, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trường hợp đang mong chờ được ghép tạng nhưng chưa có người cho… vì thế những việc tưởng như bình thường của GS Sơn và các đồng nghiệp là trực tiếp vận động hiến tạng lại là việc làm vô cùng cần thiết vì “thà chúng ta cố gắng làm một điều gì đó, sẽ tốt hơn là chúng ta cứ ngồi chờ đợi trong vô vọng”.

Say mê, gắn bó với ghép tạng, nhưng GS.TS Trịnh Hồng Sơn cũng là một trong những cán bộ của BV Việt Đức đã có mặt ở các tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi từ ngày đầu thực hiện chủ trương của Bộ Y tế là BV tuyến trên chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo tại chỗ cho tuyến dưới, để góp sức thay đổi chất lượng khám chữa bệnh  ở tuyến dưới.

Từ năm 2008, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn đã chủ động tiến hành khảo sát nhu cầu, thực trạng của các BV ở miền Bắc và nhận thấy, các BV tuyến dưới, nhất là ở miền núi, thiếu và yếu hầu hết các lĩnh vực. Vì thế, BV đã ưu tiên nâng cao chất lượng cho những BV ở các tỉnh biên giới nhiều khó khăn, như Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu vv…, đồng thời, tập trung tháo gỡ các vấn đề cấp thiết nhất ở nơi này.

Với cách làm việc khoa học, sáng tạo, thiết thực, việc chuyển giao kỹ thuật cho các BV tỉnh biên giới của GS.TS. Trịnh Hồng Sơn và các đồng nghiệp đã mang lại kết quả không hề nhỏ: Chỉ riêng với công trình chuyển giao kỹ thuật 9 bệnh ngoại khoa tiêu hóa thường gặp như viêm ruột thừa, sỏi mật, ung thư dạ dày, ung thư trực trang vv… đã tiết kiệm hơn 4 tỷ đồng. Nhưng, với GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, “quan trọng hơn là giúp người dân nghèo ở đây được chữa trị kịp thời.”


Thái Bình
Ý kiến của bạn