Hà Nội

Những thay đổi đáng chú ý trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp mới

26-03-2023 11:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiện có 4 loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip. Nếu dự án luật có nội dung thêm một mẫu thẻ CCCD của Bộ Công an được Quốc hội thông qua, tới đây sẽ có thêm một loại nữa là thẻ CCCD gắn chip sửa đổi.

Nhiều điểm mới trên mẫu thẻ căn cước công dân mới được đề xuất

Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo 8 dự án luật, trong đó có 3 dự án luật trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Theo dự án Luật Căn cước công dân (CCCD, sửa đổi), Bộ Công an đề xuất sửa đổi một số thông tin ở mặt trước thẻ căn cước, gồm: Đổi "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh"; đổi "Nơi thường trú" thành "Nơi cư trú".

Những thay đổi trên mẫu thẻ Căn cước công dân mới được đề xuất chỉnh sửa  - Ảnh 1.

Khoảng 80 triệu người đã có CCCD gắn chip vẫn được sử dụng cho đến thời hạn ghi trên thẻ. (Ảnh minh hoạ)

Tại mặt sau của CCCD, cơ quan chức năng kiến nghị đổi thông tin về chữ ký và danh tính của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thành dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”. Còn dữ liệu sinh trắc học vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải) cũng được lược bỏ.

Việc thay đổi thông tin trên mặt thẻ CCCD nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như tăng tính bảo mật thông tin cá nhân của công dân.

Ví dụ, trước đây giấy tờ tùy thân có mục nguyên quán, tức là xác định theo quê quán của ông bà; về sau đổi thành quê quán, tức là xác định theo cha mẹ. Bộ Công an đã đánh giá, nghiên cứu quy định trên thế giới thì thấy rằng nhiều quốc gia yêu cầu phải có thông tin về nơi đăng ký khai sinh trên giấy tờ.

Trong khi đó, CCCD gắn chip được thiết kế đạt chuẩn ICAO, hướng tới sử dụng thông hành tại nhiều quốc gia, nên việc sửa đổi quê quán thành nơi đăng ký khai sinh là phù hợp.

Về lý do đề xuất lược bỏ vân tay, các mẫu CMND và CCCD trước đây đều hiển thị trực quan thông tin sinh trắc học của người dân trên mặt thẻ. Điều này dẫn tới dễ lộ, lọt thông tin. Trong khi đó, chip điện tử trên thẻ CCCD đã lưu trữ thông tin này và có thể khai thác thông qua các thiết bị chuyên dụng.

Người dân có phải làm lại mẫu thẻ căn cước công dân mới?

Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định chuyển tiếp theo hướng CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến CMND, thẻ CCCD trong các giấy tờ đã cấp.

Hiện nay về cơ bản, Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ CCCD cho người đủ điều kiện cấp thẻ nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của CMND cơ bản không tác động đến công dân. Quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng CMND cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ CCCD và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Việc thay đổi mẫu thẻ CCCD (sau khi Luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD hiện nay; những thẻ CCCD đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ (không tác động đến các thẻ CCCD đã cấp).

Riêng với CMND, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất có giá trị đến hết ngày 31/12/2024, thay vì 15 năm kể từ ngày cấp như quy định hiện hành.

"Khi Luật CCCD sửa đổi được Quốc hội thông qua, việc thay đổi nội dung trên thẻ sẽ được áp dụng. Đối với gần 90 triệu thẻ CCCD đã được Bộ Công an cấp trong thời gian vừa qua vẫn sử dụng bình thường, không phải cấp đổi, cấp lại. Bởi về nguyên tắc thông tin đã được lưu trong chip, Bộ Công an chỉ điều chỉnh thông tin trên bề mặt thẻ để hiển thị trực quan một cách rõ ràng hơn" – đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia cho biết.



Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn