Cụ thể, dự thảo đề xuất nhiều quy định về BHYT hộ gia đình như: "Người cùng đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp trừ nhóm người đóng BHYT do người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan BHXH, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng".
Trong khi quy định hiện nay là "Người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ nhóm người đóng BHYT do người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan BHXH, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng". Như vậy, quy định trong dự thảo sẽ cho phép nhiều người đang đăng ký tạm trú sẽ được tham gia đóng BHYT theo hộ gia đình.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất: Người cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp trừ nhóm người đóng BHYT do người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan BHXH, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế khi cùng đăng ký thường trú. Hộ gia đình đang tham gia BHYT vẫn giữ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình đến hết 31/12/2022. Kể từ 1/1/2023 tham gia BHYT theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú.
Người đăng ký cư trú sau 1/7/2021 khiến thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi thì tham gia theo khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú.
Thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở này, tham gia theo khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú.
Trong đó, khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú quy định: Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú
Như vậy, có thể thấy, Bộ Y tế đề xuất những thay đổi liên quan đến BHYT hộ gia đình để phù hợp với quy định của Luật Cư trú về việc thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
BHYT hộ gia đình: Lợi ích lớn, thanh toán không giới hạn trong phạm vi, mức hưởng
Mọi thành viên trong gia đình đều được tham gia BHYT. Cụ thể, từ ngày 01/01/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định người dân được tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, gồm: Những người có tên trong Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú hoặc cùng đăng ký thường trú/tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật, trừ những người đã có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác; Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, trừ những người tham gia BHYT thuộc nhóm khác mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.
Gia đình càng nhiều người tham gia, mức đóng BHYT càng thấp: Tham gia BHYT hộ gia đình từ người thứ hai trở đi sẽ được giảm trừ mức đóng, cụ thể: Người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở: 67.050 đồng/tháng (804.600 đồng/năm); Người thứ 2 đóng 70% mức đóng của người thứ nhất: 46.935 đồng/tháng (563.220 đồng/năm); Người thứ 3 đóng 60% mức đóng của người thứ nhất: 40.230 đồng/tháng (482.760 đồng/năm); Người thứ 4 đóng 50% mức đóng của người thứ nhất: 33.525 đồng/tháng (402.300 đồng/năm); Người thứ 5 trở đi đóng 40% mức đóng của người thứ nhất: 26.820 đồng/tháng (321.840 đồng/năm).
Phương thức đóng BHYT hộ gia đình rất linh hoạt, phù hợp: Người tham gia BHYT được lựa chọn đóng định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng một lần thông qua các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH.
Lợi ích lớn, thanh toán không giới hạn trong phạm vi, mức hưởng: Đối với trường hợp KCB BHYT đúng tuyến: Khi đi KCB tại tuyến xã; Nếu chi phí KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (1.490.000 đồng/tháng) tại thời điểm đi KCB; Khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến được hưởng 100% tổng chi phí KCB; còn lại các trường hợp khác hưởng 80% tổng chi phí KCB.
Đối với trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến: KCB ngoại trú tại Bệnh viện tuyến huyện được hưởng 100% chi phí KCB; KCB nội trú tuyến huyện, tỉnh được hưởng 100% chi phí KCB và được hưởng 40% chi phí KCB nếu điều trị tại Bệnh viện tuyến trung ương.