Cấy ghép thành công hai cánh tay cho bé trai 8 tuổi
Năm 2015, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ (CHP) đã làm nên kỳ tích, cấy ghép thành công hai bàn tay và cẳng tay cho bé trai 8 tuổi Zion Harvey. Với sự thành công này Zion, ở Baltimore, Maryland trở thành bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trên thế giới được cấy ghép hai cánh tay do bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử khi mới 2 tuổi. Ca phẫu thuật được tiến hành hồi đầu tháng 7/2015, kéo dài 10 tiếng đồng hồ tại Bệnh viện CHP bằng cách gắn xương, mạch máu, dây thần kinh và gân tay từ vật liệu do Gift of Life Program, một tổ chức phi Chính phủ hiến tặng. Sau phẫu thuật, Zion Harvey phải qua quá trình điều trị đặc biệt, hàng ngày phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống và vật lý trị liệu. Ngoài ra, cũng giống như các trường hợp cấy ghép khác, Zion còn phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời để ngăn ngừa hiện tượng từ chối mô cấy ghép do cơ thể gây ra.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 100 người đã được cấy ghép tay kể từ khi ca cấy ghép thành công tại Pháp năm 1998. Những trường hợp cấy ghép cả hai cánh tay, gồm cả cánh tay lẫn bàn tay như Zion Harvey là rất hiếm gặp cả người bệnh lẫn vật liệu hiến tặng. Đây là cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực phẫu thuật nói chung và phẫu thuật cấy ghép nói riêng.
Chế tạo thành công ribosome nhân tạo
Mỗi ribosome là một cỗ máy phân tử gồm hai tiểu đơn vị, sử dụng axit amin trong tế bào để tổng hợp protein trong khuôn khổ được gọi là quá trình chuyển dịch. Mỗi tiểu đơn vị ribosome được tổng hợp trong nhân tế bào và sau đó chuyển thành các tế bào chất (cytoplasm). Trong năm 2015, nhóm chuyên gia đã hợp tác nghiên cứu thành công ribosome nhân tạo đầu tiên trên thế giới, giúp khoa học hiểu sâu thêm về cơ chế làm việc của cỗ máy phân tử này. Đồng thời, cung cấp cơ sở cho ngành y dược, tạo ra những thế hệ thuốc mới cũng như vật liệu sinh học phục vụ cho việc chữa bệnh cứu người.
Theo công trình được công bố, ribosome nhân tạo nói trên được đặt tên là RIBO-T, có khả năng vẫn duy trì chức năng khi đưa vào vi khuẩn E.coli, ngay cả khi không có ribosome “hoang dã”, giúp khuẩn hoạt động bình thường, thậm chí còn thể hiện khả năng phát triển rất tiềm ẩn. Không giống như các ribosome thông thường, các tiểu đơn vị RIBO-T không hề bị tách biệt hoặc khác so với ribosome tiêu chuẩn trong quá trình tổng hợp protein. Theo ông Michael Jewett, thành viên của nhóm nghiên cứu, thì nhà máy sản xuất protein nói trên mang nhiều hứa hẹn, nhất là cho lĩnh vực sinh học tổng hợp và kỹ thuật sinh học phân tử trong tương lai.
Ra đời thuốc giảm đau mới bằng... ánh sáng
Chứng đau đớn lâu nay thường được điều trị bằng thuốc opioid (dạng thuốc phiện). Nhược điểm của liệu pháp này là dễ gây nghiện, dễ bị lạm dụng và khó cai. Để khắc phục, hồi tháng 4/2015 nhóm chuyên gia thần kinh ĐH Y khoa Washington đã tìm ra cách mới điều trị chứng đau thay các loại thuốc giảm đau bằng cách ghép chung một protein nhạy sáng với các thụ thể opioid trong ống nghiệm, nói cách khác là kích hoạt các thụ thể opioid giống như hoạt hóa của thuốc phiện nhưng bằng ánh sáng.
Theo tác giả nghiên cứu Edward R.Siuda, phát hiện trên được xem là rất mới, trong đó người ta sẽ dùng ánh sáng để làm giảm đau, thậm chí ánh sáng có thể thay thế hoàn toàn thuốc trong tương lai. Để kiểm tra các thụ thể mới này, một đèn LED có kích thước bằng một sợi tóc đã được cấy vào trung tâm hưởng thưởng não của chuột, sau đó tiêm tiếp thụ thể opioid. Những con chuột được nhốt trong lồng có ánh sáng đã bài tiết dopamin nhờ thụ thể ánh sáng. Ngược lại, những con chuột không được kích hoạt ánh sáng thì quá trình bài tiết dopamin không có hoặc dừng lại. Điều này cho thấy hành vi của chuột được tiêm các thụ thể, sử dụng ánh sáng thường tốt hơn và kết quả cơn đau giảm hẳn.
Ra đời vắc-xin cúm vạn năng
Peptid là chuỗi ngắn các axit amin tồn tại trên các cấu trúc của tế bào, nó được xem là những khối xây dựng cơ bản của protein. Mới đây, nhóm nghiên cứu hỗn hợp ở Mỹ đã xác định được một tập hợp mới peptid được tìm thấy trong các virut cúm có thể giúp cho ra đời một loại vắc-xin cúm vạn năng, chống lại tất cả các chủng phổ quát của virut, được thử nghiệm thành công trên động vật, kết quả được công bố trên tạp chí Nature Medicine.
Trong trường hợp cúm, peptid trên bề mặt ngoài của virut đột biến rất nhanh, gây khó khăn trong điều trị, kể cả dùng vắc-xin lẫn thuốc. Các peptide phát hiện gần đây lại tồn tại trên cấu trúc bên trong của tế bào và biến đổi chậm. Đặc biệt, các cấu trúc bên trong được tìm thấy trong hầu hết các chủng cúm, từ cúm mùa cho đến cúm lợn và cúm gia cầm. Vắc-xin ngừa cúm hiện có mất khoảng 6 tháng mới phát huy tác dụng và hiệu quả miễn dịch lại không dài, tuy nhiên vắc-xin hiện có cũng có tác dụng đối với các peptid bên trong, nhưng vắc-xin vạn năng có nhiều tính năng ưu việt hơn và có tuổi thọ miễn dịch dài hơn.
Việc tìm ra vắc-xin cúm vạn năng là một thành tựu lớn trong lĩnh vực virut lâm sàng, có thể loại bỏ việc tiêm vắc-xin cúm hàng năm vào giúp chống lại các chủng virut mới, căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, người già, hoặc nhóm người sức khỏe yếu, đang mắc bệnh mạn tính.
Cai thuốc lá bằng... vi khuẩn
Bỏ hút thuốc là công việc không mấy đơn giản. Bằng chứng, gần 80% số người cố gắng bỏ thuốc đều thất bại. Để giúp những người nghiện thuốc cai được dễ dàng, trong năm 2015, các nhà khoa học ở Viện Sinh hóa và Scripps Mỹ (TSRI) đã phát hiện một dạng enzym vi khuẩn mới có thể “ăn” nicotin trước khi nó lên não. Các enzym này được tìm thấy trong khuẩn Pseudomonas putida và hy vọng một loại thuốc mới ra đời có khả năng bảo vệ não của những người hút thuốc lá, giúp cai nghiện thuốc lá hiệu quả hơn.
(Theo Listverse, 9/2015)
Nam Nguyên