Những thanh âm trước lễ hội chùa Thầy

11-04-2016 08:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lễ hội chùa Thầy - lễ hội lớn ở nước ta diễn ra vào 5 - 8/3 âm lịch năm Bính Thân (11 - 14/4 dương lịch) tại khu di tích chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) luôn thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia. Trước ngày lễ hội khai màn, phóng viên báo SK&ĐS có mặt tại khu di tích chùa Thầy thì thấy người dân khắp nơi đã đổ về đây rất đông, nhưng bên cạnh đó là một số hình ảnh chưa đẹp hiện lên trước mắt...

Đậm đà bản sắc văn hóa

Đến với lễ hội chùa Thầy, du khách thập phương sẽ được hòa vào không gian linh thiêng, đậm đà bản sắc văn hóa với những nghi lễ độc đáo, như: tắm tượng (mộc dục), lễ nghinh bài vị Đức thánh Từ Đạo Hạnh từ chùa Thượng xuống chùa Trung, lễ cúng yên vị, lễ tế, lễ rước...

Ngày quan trọng nhất của lễ hội chùa Thầy là ngày 7/3 âm lịch, tương truyền đó là ngày Pháp sư Từ Đạo Hạnh hóa Phật và hội chùa Thầy được mở ra chính là để tưởng niệm sư Từ Đạo Hạnh. Thiền sư Từ Đạo Hạnh khi đã học được pháp thuật, trở về núi Sài dựng gậy tích, ngày đêm tụng tập rồi đi khắp nơi tham thiền vấn đạo, sau trở về núi Sài dạy học, hái thuốc cứu dân, dạy dân nhiều trò vui, trong đó có múa rối nước. Nhân dân đã tôn thiền sư làm thầy. Vì vậy chùa Ngài tu là chùa Thầy, núi Ngài hóa là núi Thầy, làng Ngài sống là làng Thầy. Trong suốt những ngày lễ hội chùa Thầy diễn ra, du khách thập phương còn được tham gia nhiều trò chơi, đặc biệt là được xem nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đặc sắc mà sân khấu biểu diễn ở ngay trước Thủy Ðình. Có nhiều tích trò rối như Thạch Sanh, Tấm Cám hay các cảnh sinh hoạt dân dã như đi cày, chăn vịt, đấu vật... do các nghệ nhân biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách.

Rác tràn lan trên đỉnh núi, khu vực vườn đào.

Không chỉ có lễ Phật, được sống trong không khí lễ hội, trẩy hội chùa Thầy, du khách còn được tham quan các di tích đền, chùa đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, như chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, gác Chuông, gác Trống, chùa Cao, chùa Một Mái, chùa Long Đẩu, đền Thượng, đền Quán Thánh, đền Văn Xương, quán Hoàng Xá... và thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Và đến với lễ hội chùa Thầy cũng là đến với vùng quê nổi tiếng về văn hiến của mảnh đất Thăng Long gắn với những huyền tích về những danh nhân, những thiền sư của nhiều thời đại.

Những thanh âm buồn

Theo quan sát của chúng tôi khi có mặt ở quần thể di tích chùa Thầy trước ngày hội diễn ra, du khách thập phương đã xả rác hết sức bừa bãi, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích. Vấn đề này không chỉ diễn ra vào năm nay, mà những năm trước, thực trạng lễ hội chùa Thầy luôn đầy những rác đã được phản ánh do sự thiếu ý thức của người dự lễ. Dù Ban Tổ chức đã có các thông báo trên loa, biển báo tuyên truyền rộng rãi, thùng rác được phân bố nhiều nơi để người dự lễ bỏ rác đúng quy định nhưng dường như nhiều người bỏ ngoài tai và như không nhìn thấy.

Ngoài vấn đề rác thải, Ban Tổ chức lễ hội đã có biển Cấm viết - vẽ - khắc lên đá tại đường lên chùa, vào hang Cắc Cớ cũng như trong hang Cắc Cớ nhưng không ít bạn trẻ đã viết, khắc chữ chi chít, vết bút xóa là những lời “tỏ tình” lên đá dọc đường đi hay cả những nhũ đá trong hang. Bên cạnh đó, xuất hiện một số cò mồi dắt khách để xin tiền. Lúc đầu, những “cò mồi” tưởng chừng rất tốt bụng và nhiệt tình chỉ bảo khách đi nơi này, nơi kia, dụ khách mua nhang, vàng mã, thuê đèn pin vào hang với giá rẻ. Tuy nhiên, sau khi khách làm lễ xong thì cò mồi hỏi xin tiền thù lao dẫn đường với giá “chặt chém”.

Dọc lối lên chùa, vào hang Cắc Cớ không ngớt những tiếng mời mọc mua đồ. Những chiếc ghế đá nhà chùa sắp sẵn để khách ngồi thì những người bán hàng rong mang ghế gỗ của mình đặt trước đó, chỉ cần khách ngồi xuống là họ “xin tiền”. Không chỉ vậy, họ còn dùng mánh khóe để bán hàng. Một du khách nữ đến từ Vĩnh Phúc tên Nga cho chúng tôi biết: “Lần đầu tiên đến chùa Thầy đi lễ, nghe họ mời chào mua gói bỏng vào cúng chúng sinh trong hang Cắc Cớ, vì trong hang có bể hài cốt, nghe cũng đúng, giá cũng rẻ nên tôi mua 3 gói bỏng. Đến lúc thanh toán thì giá đội lên gấp ba lần, hỏi sao lại vậy thì họ bảo kèm 3 gói muối và 3 gói gạo mới đủ cúng, họ cho vào trong túi bỏng rồi. Nghĩ mình bị lừa, nhưng vì muốn cho yên chuyện nên cũng cho qua và trả tiền”.

Chị Trang - người dân ở gần khu vực chùa Thầy cho chúng tôi biết, dù là dân bản địa nhưng lần nào đi hội chùa Thầy chị cũng bị cò mồi bám theo, chị nói đi nhiều rồi thì họ mới tha. “Hiện tượng này đã có từ nhiều năm nay. Rất khó chịu bởi những người như họ vì cứ phải từ chối, sơ sẩy hỏi họ vài câu là bị xin tiền chỉ dẫn ngay.” - chị Trang chia sẻ.


Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến của bạn