Những thận trọng cần thiết khi dùng thuốc trị thiểu năng tuần hoàn não

01-02-2019 15:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi 49 tuổi, bị thiểu năng tuần hoàn não, đi khám bác sĩ cho dùng thuốc vinpocetin. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi khi dùng thuốc này cần phải chú ý gì, thuốc này có những tác dụng không mong muốn nào?

Nguyễn Việt Thanh (Nam Định)

Vinpocetin là một chất có ảnh hưởng tích cực lên quá trình chuyển hóa ở não, lên tuần hoàn máu, vì vậy, thuốc thường được dùng cho người bị thiểu năng tuần hoàn não và các rối loạn mạch não khác như: rối loạn trí nhớ, choáng váng, nhức đầu, chống say tàu xe và say sóng. Vinpocetin có tác dụng làm giãn các mạch máu ở não và các mạch máu ngoại vi khác, vì thế làm tăng vi tuần hoàn. Ngoài ra, thuốc làm tăng thu nhận glucose và ôxy, làm tăng tiêu thụ các chất này tại mô não, cải thiện sự chịu đựng thiếu oxygen tại máu não, tăng vận chuyển glucose qua hàng rào máu não.

Bạn cần lưu ý rằng vinpocetin thường được dùng sau bữa ăn. Khi dùng vinpocetin bạn cần tránh uống rượu và các sản phẩm có chứa cồn.

Mặc dù vinpocetin được dung nạp tốt, nhưng trong thời gian dùng thuốc bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như hạ huyết áp, tim đập nhanh, buồn ngủ về buổi sáng. Vì vậy, nếu bạn phải làm việc với máy móc như máy tiện, máy hàn, lái xe... thì tác dụng gây buồn ngủ về buổi sáng là một bất lợi lớn của thuốc cho bạn. Hiếm gặp hơn, bạn có thể cảm thấy choáng váng, nhức đầu, yếu mệt. Các triệu chứng này thường tự hết sau 1 tuần dùng thuốc. Nếu một trong những biểu hiện này kéo dài thì bạn cần ngừng dùng ngay và đến gặp bác sĩ để được tư vấn chuyển sang loại thuốc tăng tuần hoàn não thích hợp.

Ngoài ra, nếu bạn sử dụng vinpocetin kết hợp với thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptyline), thuốc bình thần (bromazepam) hoặc thuốc ngủ (gardenal) thì thuốc sẽ làm tăng hiệu quả gây ngủ của các thuốc nói trên. Cũng cần tránh dùng vinpocetin đồng thời với thuốc chống đông máu heparin. Vì vậy, nếu bạn có bệnh tim mạch đang phải dùng heparin thì nên chuyển sang dùng loại thuốc chống thiểu năng tuần hoàn não khác theo chỉ dẫn của bác sĩ.

PGS.TS. Bùi Quang Huy


Ý kiến của bạn