Những thảm họa ô nhiễm nước tồi tệ trong lịch sử

26-04-2016 13:56 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sự cố ô nhiễm nước ở Trại Lejeune đã xảy ra đầu tiên vào năm 1952 đến năm 1987. Trong thời gian hơn 30 năm, đã có khoảng 500.000 người bị phơi nhiễm với các hóa chất trong nước ô nhiễm của trại.

1. Doanh trại Hải quân Lejeune, Mỹ

Sự cố ô nhiễm nước ở Trại Lejeune đã xảy ra đầu tiên vào năm 1952 đến năm 1987. Trong thời gian hơn 30 năm, đã có khoảng 500.000 người bị phơi nhiễm với các hóa chất trong nước ô nhiễm của trại.

Người dân sống ở đó bị nhiều căn bệnh nguy hiểm chết người như ung thư (gan, thận, vú, bàng quang, buồng trứng, cổ tử cung và phổi), rối loạn sinh sản, dị tật bẩm sinh và nhiều căn bệnh hiếm gặp khác do hóa chất. Đây là một ví dụ cho thấy ô nhiễm nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người như thế nào.

Nhiều gia đình và các cư dân khác của trại đã thực sự uống và tắm giặt bằng nước chứa những hóa chất và chất gây ung thư như Trichloroethylene (TCE hoặc), Tetrachloroethylene (PCE), Benzen và Vinyl Chloride. Sau một thời gian, các triệu chứng ô nhiễm nước ở Trại Lejeune mới được dư luận biết đến.

2. Ô nhiễm nước ở Woburn, Massachusetts, Mỹ

Nước ở Woburn Massachusetts bị nhiễm các dung môi công nghiệp, theo như nghiên cứu của Adell K. Heneghan, Đại học Idaho. Tuy nhiên, từ năm 1969 đến 1979, đã có 12 ca bệnh bạch cầu ở trẻ em trong khu vực.

Ngoài bệnh bạch cầu, các cư dân của Woburn Massachusetts - trong giai đoạn cao điểm của ô nhiễm - cũng biểu hiện các dấu hiệu của ung thư gan, thận, tuyến tiền liệt và đường tiết niệu. Nguy cơ dị tật bẩm sinh cũng xuất hiện trong thời gian này.

Hóa chất có mặt trong nước bị ô nhiễm ở Woburn là PCE và TCE , giống như những chất được tìm thấy trong thảm họa ô nhiễm ở Trại Lejeune .

3.Vụ ô nhiễm nước ở Hinckley, Mỹ

Sự cố Hinckley là một ví dụ của thảm họa ô nhiễm nước uống đã dẫn đến một vụ kiện lớn. Tất cả bắt đầu vào khoảng năm 1952 đến 1956, với hàng chục người dân bị bệnh, trong đó một số bị chết vì phơi nhiễm!

Những chất hóa học khiến nước bị nhiễm độc trong vụ việc này là rất đáng sợ. Sau khi uống nước, người dân ở đây biểu hiện nguy cơ rất cao của ung thư vú , phổi, não và đường tiêu hóa, thận và các khối u buồng trứng, sẩy thai và bệnh Hodgkin.

Thủ phạm gây ra thảm họa này là công ty Khí đốt và Điện Thái Bình Dương (Pacific Gas and Electric ( PG & E )) và việc xả thải phi pháp chất crom hóa trị sáu (crom 6), làm cho nước ngầm và nước uống bị ô nhiễm.

4. Sông Yamuna, Ấn Độ

Dòng sông từng rất xanh trong này hiện là một trong những con sông bị ô nhiễm nhất trên thế giới. Mặc dù vậy, vẫn có hàng triệu người phải phụ thuộc rất nhiều vào nó. Sông Yamuna chiếm 70 % nguồn cung cấp nước của New Delhi. Ô nhiễm nước ở Ấn Độ là rất nghiêm trọng vì các kỹ thuật lọc nước của phương tây khá đắt tiền và thực tế người dân vẫn phải uống nước ô nhiễm để tồn tại.

Đối với con sông Ấn Độ này, cái chết sẽ đến thông qua ô nhiễm nước. Các triệu chứng của ung thư , tổn thương nội tạng, bệnh tự miễn, bệnh thận và bệnh hệ tuần hoàn chỉ là một số trong những vấn đề nghiêm trọng mà người dân phải đối mặt nếu còn phụ thuộc vào sông Yamanu.

5. Mutare, Zimbabwe

Năm 2012, người dân ở khu vực nơi việc khai thác kim cương diễn ra nhộn nhịp đã phải hứng chịu nguy cơ từ nước ô nhiễm - đặc biệt là ở Mutare. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính xác về số người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nước trong thảm họa này ở châu Phi.

Báo cáo chỉ ra rằng, ở làng Nenhohwe, cách 100 km về phía nam Mutare Zimbabwe, trẻ em bị phát ban khắp người do tiếp xúc với nước ô nhiễm. Những nguy cơ sức khỏe khác gia tăng đáng báo động ở vùng này là ung thư, nhiễm độc sắt, nhiễm fluor răng và xương và các bệnh lây truyền qua đường nước như tiêu chảy, dịch tả và thương hàn.

Dựa trên kết quả kiểm nghiệm của Hội Luật sư môi trường Zimbabwe (ZELA) tiến hành trên sông Odzi, nước uống bị nhiễm nồng độ cao crom, niken, sắt, florua và vi khuẩn. Biện pháp khắc phục đơn giản nhất ở đây là với các vi khuẩn, vì chỉ cần chưng cất, hoặc đơn giản là đun sôi nước bẩn. Tuy nhiên, đối với những chất khác như crom, niken, sắt, fluoride, quá trình này khá phức tạp và tốn kém.

6. Vụ tràn cyanua ở Ghana, Tây Phi

Thảm họa ở Ghana là rất nghiêm trọng vì dư âm lâu dài của nó có thể tác động rất lớn đến sức khỏe của người dân trong khu vực. Được mệnh danh là "thảm họa tồi tệ nhất từng xảy ra ở một quốc gia Tây Phi", vụ việc bi thảm xảy ra vào ngày 16 tháng 10 năm 2001, khi hàng ngàn mét khối nước thải từ mỏ tràn vào sông Asuman. Lượng nước thải cho thấy đây thực sự là vụ ô nhiễm nước tồi tệ nhất ở châu Phi.

Báo cáo cho biết “Xác chết của hàng trăm loại cá, cua và chim nằm la liệt ở bờ sông. Những con vật chết khác trôi nổi trên mặt con sông là nguồn nước uống duy nhất cho Abekoase, Huni và các làng xung quanh. "

Không có báo cáo nào xác định cụ thể có bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nguy cơ khi phơi nhiễm gây chết người nếu ăn/uống phải lượng lớn thực phẩm/nước ô nhiễm. Tổn thương dây thần kinh, các vấn đề về tuyến giáp và ung thư chỉ là một vài trong số những rủi ro có thể mắc phải khi tiếp xúc.

Theo kết quả kiểm nghiệm, cyanua không phải là mối đe dọa duy nhất; kim loại nặng cũng có mặt và một số, nếu không muốn nói là tất cả trong số đó là chất gây ung thư. Cũng giống như ở Ấn Độ, ô nhiễm nguồn nước ở châu Phi đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà người dân ở đây phải đối mặt.

7. Vụ tràn hóa chất ra sông Elk, Tây Virginia, Mỹ

Sự việc xảy ra vào ngày 9 tháng 1 năm 2014, khi 300.000 người dân ở Tây Virginia được khuyến cáo không sử dụng và uống nước máy do ô nhiễm nguồn nước. Cho đến nay, đã có khoảng 2.100 đơn khiếu nại của các nạn nhân được ghi nhận.

Các nạn nhân thường phàn nàn về đỏ da và ngứa, đau bụng cùng với một số triệu chứng nhiễm độc nước ở đường tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy và chuột rút.

Thủ phạm đằng sau tất cả những điều này là chất methanol methylcyclohexane (MCHM).

8. Thành phố Lan Châu, Trung Quốc

Tháng 4 năm 2014, người dân của thành phố Lan Châu, Trung Quốc hoảng loạn do ô nhiễm nước uống. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không uống nước từ vòi trong ít nhất 24 giờ. Công ty nước Veoilia Lan Châu chịu trách nhiệm cung cấp cho 3 triệu cư dân thành phố này – bị bao vây bởi các nhà máy hóa chất. Các đường ống dẫn nước cũng nằm gần các đường ống dẫn hóa chất.

Nước uống bị nhiễm benzen, một chất có thể gây ung thư khi tiếp xúc với liều cao.

9. Vụ ô nhiễm nước uống ở Bắc Carolina, Mỹ

Tháng 5 năm 2015, người dân sống gần Coal Ash Pond, Bắc Carolina, được khuyến cáo không uống nước vì nước có hàm lượng cao các kim loại nặng độc hại. Theo báo cáo, 152 trong số 163 giếng đã được kiểm nghiệm về ô nhiễm nước ngầm và đáng buồn là các giếng đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn về nước ngầm.

Dấu vết của chì, vanadi và crom hóa trị 6 đã được tìm thấy trong nước uống ở khu vực này. Hậu quả tiếp xúc với hóa chất có thể khá nghiêm trọng, đặc biệt là với crom. Đối với crom, ung thư là hậu quả nguy hiểm nhất. Cũng giống như ngộ độc chì gây tổn thương thần kinh và các vấn đề sinh sản, giảm số lượng tinh trùng cũng là vấn đề lớn đối với các nạn nhân ở đây . Đối với vanadi – mặc dù còn chưa rõ đây có phải là chất gây ung thư hay không – song triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, tiêu chảy nhẹ, và đau bụng.


BS. Cẩm Tú
Ý kiến của bạn