Những thách thức phải giải quyết để tái chế pin xe điện

27-07-2025 07:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, việc tái chế pin xe điện được xem là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển nguồn thu mới.

Chuẩn bị cấm xe máy xăng vành đai 1: Hà Nội đầu tư hạ tầng trạm sạc xe điện, tuyến buýt, trạm dừng đỗ như thế nào?Chuẩn bị cấm xe máy xăng vành đai 1: Hà Nội đầu tư hạ tầng trạm sạc xe điện, tuyến buýt, trạm dừng đỗ như thế nào?

SKĐS - Theo Sở Xây dựng, trước mắt, Hà Nội đang chuẩn bị hạ tầng trạm sạc điện để phục vụ chuyển đổi sang xe xanh, bãi đỗ xe ven đường vành đai 1 và các phương án hỗ trợ chuyển đổi xanh…

Tái chế pin xe điện cần chuẩn bị từ sớm

Hà Nội đang từng bước triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe máy ở một số khu vực nội đô, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hà Nội sẽ nghiên cứu cấm xe máy xăng vào đường vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, theo chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7/2025.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 4, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn, chưa kể đến lượng xe của người dân các vùng lân cận vào Hà Nội làm ăn, buôn bán hằng ngày.

Những thách thức phải giải quyết để tái chế pin xe điện- Ảnh 2.

Xây dựng hệ thống tái chế pin xe điện cần sự chuẩn bị từ sớm.

TPHCM đang triển khai kế hoạch chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe điện với đội ngũ tài xế công nghệ và giao hàng. Để đáp ứng lộ trình này, hệ thống hạ tầng sạc cần được mở rộng mạnh mẽ, với mục tiêu tăng gấp 5 lần số trạm sạc hiện có trước năm 2028.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM), thành phố dự kiến khởi động quá trình chuyển đổi phương tiện vào năm 2026 với mục tiêu thay thế 30% xe công nghệ xăng, tương đương khoảng 120.000 xe máy. Giai đoạn đầu này sẽ được "tiếp lực" bằng các chính sách khuyến khích tài xế chuyển đổi phương tiện như miễn thuế giá trị gia tăng (VAT), miễn phí trước bạ và hỗ trợ lãi suất vay mua xe điện ở mức 2%. Sang năm thứ hai (2027), TPHCM sẽ tăng tốc với mục tiêu chuyển đổi 80% tổng lượng xe công nghệ, tức khoảng 320.000 xe.

Bài toán xử lý pin xe điện là vấn đề nan giải. Ông Lê Thanh Hải cho biết, Việt Nam hiện đã có nhà máy sản xuất pin xe điện tại Hà Tĩnh với quy mô hơn 6.000 tỷ đồng. Nhà máy này đã ký kết với một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tái chế pin xe điện là Li-Cycle.

Nội dung hợp tác bao gồm cung cấp giải pháp tái chế pin, khả năng nghiên cứu đầu tư hệ thống tái chế pin xe điện tại Việt Nam khi lượng pin xe điện trên thị trường hết vòng đời sử dụng hoặc sử dụng công nghệ của đơn vị đối tác ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới để xử lý pin của nhà máy ở Hà Tĩnh.

"Trong pin xe điện có nhiều kim loại quý hiếm như lithium, coban, mangan. Việc thu hồi và tái chế pin xe điện là cần thiết. Trong khi đó, công nghệ tái chế pin xe điện hiện đã phát triển khá cao, cho phép khả năng thu hồi đến 90-95% vật liệu trong pin xe điện, cho thấy việc thu hồi, tái chế là rất khả thi", ông Hải nói và cho biết việc kéo dài tuổi thọ pin xe điện cũng được doanh nghiệp quan tâm và đầu tư nghiên cứu trong quá trình sản xuất", ông Lê Thanh Hải cho biết,

Hiện, có các giải pháp được đề xuất bao gồm xây dựng nhà máy tái chế với khả năng thu hồi kim loại cao hoặc sau khi giảm khả năng sử dụng trong xe điện, pin có thể được dùng cho các công năng khác như làm bộ phận dự trữ cho nhà máy pin năng lượng mặt trời, làm bộ phận dự trữ cho các nhà máy điện ở khu vực nông thôn, hoặc tái chế để sản xuất tấm pin thu hồi năng lượng từ pin mặt trời.

Ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Xây dựng cho rằng, khi hiện thực hóa việc chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện, chúng ta cần giải quyết rất nhiều bài toán, vì việc này tác động rất lớn đến xã hội và đời sống người dân, nhất là nhóm người yếu thế trong xã hội. Để giải quyết việc này, Nhà nước và các cấp chính quyền cần có công cụ chính sách hỗ trợ người dân.

Ngoài ra, khi chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện cần giải quyết bài toán về hệ thống trạm sạc và đơn vị cung cấp điện. Mặt khác, chúng ta còn phải giải quyết triệt để bài toán về rác thải pin như giảm thiểu việc thải bỏ pin, tái chế và chuyển mục đích sử dụng pin thải. Đồng thời, phải phát triển công nghệ xử lý pin thải và quy định chặt chẽ về hoạt động xử lý pin thải.

Thách thức trong công nghệ tái chế

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, việc tái chế pin xe điện được xem là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển nguồn thu mới. Tuy nhiên, hiện nay do lượng pin thải loại chưa nhiều nên doanh nghiệp thực hiện tái chế gần như chưa có, chủ yếu do các hãng xe tự thực hiện.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định kể từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm bao gồm pin, ắc quy phải thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai hình thức là tái chế pin/ắc quy, hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế.

Đối với hình thức tái chế, doanh nghiệp có thể tự thực hiện, hoặc ủy quyền cho đơn vị có chức năng thực hiện. Tuy nhiên, quy định cũng chưa nêu rõ về định mức chi phí tái chế. Vì vậy, hiện nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái chế pin. Đa số doanh nghiệp lựa chọn hình thức đóng một khoản phí hỗ trợ hoạt động tái chế theo định mức do Chính phủ ban hành.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, để đạt được mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập của xe điện, Việt Nam sẽ cần tới 0,8 triệu thiết bị sạc và 2 triệu pin vào năm 2030. Dự kiến, đến năm 2040 nhu cầu đạt gần 5 triệu pin theo lộ trình, để hỗ trợ mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập 100% của xe điện trong hầu hết các phân khúc phương tiện đường bộ tại Việt Nam. Về tổng dung lượng pin, nhu cầu dự kiến là khoảng 100 GWh vào năm 2030, 360 GWh vào năm 2040 và 1.170 GWh vào năm 2050.

Theo chuyên gia về năng lượng sạch Vũ Trung Tuyến, đối với xe máy điện, thời gian sử dụng pin thường là 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm (tùy theo tiêu chuẩn pin của từng hãng sản xuất); với xe ô tô điện, vòng đời pin thường kéo dài từ 10 đến 15 năm, thậm chí 20 năm.

Vì vậy, trong khoảng 10 năm tới, khi số lượng pin xe máy điện, ô tô điện thải bỏ với số lượng lớn, thì việc thu hồi và xử lý pin là bài toán công nghệ hóc búa cần được giải quyết. Khi công nghệ tái chế pin phát triển mạnh, cho phép thu hồi đến 90 - 95% vật liệu trong pin thì đây chính là "cơ hội vàng" cho các doanh nghiệp đầu tư vào mảng này nếu biết cách khai thác.

Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện cơ bản các hệ thống tiêu chuẩn cho xe máy điện; ô tô điện liên quan đến trạm sạc và các hệ thống an toàn trạm sạc. Tuy nhiên, vấn đề tái chế, tái sử dụng pin thì hiện vẫn còn là vấn đề mới, chưa có hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, vận chuyển và tái chế pin thải, đặc biệt là pin đã qua sử dụng từ xe điện.

Theo đó, bộ sẽ sớm trình Chính phủ ban hành hệ thống tiêu chuẩn pin sử dụng cho xe điện; xây dựng tiêu chuẩn tái chế, tái sử dụng pin để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà sản xuất đánh giá chất lượng, thời gian sử dụng pin tái chế trong quá trình sản xuất và sử dụng; tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư khoa học, công nghệ vào sản xuất pin, tái chế pin điện tại Việt Nam.

Hà Nội lập tổ liên ngành để chuyển đổi sang xe điện, xây dựng trạm sạcHà Nội lập tổ liên ngành để chuyển đổi sang xe điện, xây dựng trạm sạc

SKĐS - Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố Hà Nội tổ chức chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện.


Tô Hội
Ý kiến của bạn